Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh giác chiêu trò thuê tên làm thẻ ATM

Với lý do “chạy” doanh số thẻ ATM, một số người tự xưng là nhân viên các ngân hàng mời chào sinh viên, người lao động nghèo cho thuê tên, chứng minh nhân dân (CMND) để làm thẻ ATM.

Với lý do “chạy” doanh số thẻ ATM, một số người tự xưng là nhân viên các ngân hàng mời chào sinh viên, người lao động nghèo cho thuê tên, chứng minh nhân dân (CMND) để làm thẻ ATM. Giá mỗi lần cho thuê tên là 200.000 đồng, số thẻ ATM này được đăng ký số điện thoại, địa chỉ mail do các đối tượng cung cấp. Khi có sự cố, chỉ có người cho thuê tên phải chịu trách nhiệm…

Chiêu trò tăng doanh số

Dịch vụ mời gọi cho thuê tên làm thẻ ATM này được chào mời rộng khắp trên các trang mạng xã hội. Từng là nạn nhân của việc cho thuê tên làm thẻ ATM, chị Nguyễn Thị K., sinh viên một trường đại học, kể rằng thấy trên trang mạng xã hội kêu nhờ làm thẻ ATM để chạy kịp doanh số, người đứng tên giùm được trả phí 200.000 đồng/thẻ, mỗi người làm được 5 ngân hàng, là có 1 triệu đồng.

Vậy là K. đăng ký. Theo sự hướng dẫn của người thuê làm thẻ, trên các tờ khai vẫn ghi rõ CMND, tên người được thuê; chỉ có số điện thoại và địa chỉ email thì của người khác.

Quan trọng nhất là phải đánh dấu vào mục Ebanking (đăng ký thanh toán, thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử). Người thuê còn chào mời: Nếu mình tự giữ thẻ ATM thì chỉ được trả 200.000 đồng, còn nếu đưa thẻ cho người thuê luôn thì phí được trả sẽ cao hơn.

“May mắn cho tôi là khi đến ngân hàng thứ hai, được một nhân viên cảnh báo không nên tiết lộ thông tin cá nhân vì những người biết có thể làm chuyện phi pháp, nên tôi không cho họ giữ thẻ. Ban đầu, tôi cứ nghĩ đơn giản trong thẻ không có tiền thì cũng không làm được gì, mà cho thuê tên làm thẻ còn có thêm tiền, nên tôi đồng ý làm”, chị K. cho hay.

Lời mời làm thẻ ATM.

Tương tự chị K., anh H. đã cảnh báo trên trang cá nhân khi phát hiện bị lừa đảo. Anh H. cho biết: “Mình được người ta thuê làm thẻ nhưng đa số toàn những ngân hàng nhỏ, địa chỉ mail, số điện thoại do người thuê cung cấp. Đến ngân hàng thứ ba thì tôi phát hiện ra họ dùng thẻ của mình để rửa tiền cá độ đá banh, tiền phi pháp, nên từ chối không làm nữa.

Sau đó, vì lo sợ, tôi đến ngân hàng xin hủy thẻ, đóng tài khoản, từ đó số điện thoại của tôi liên tục bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin hù dọa, thậm chí tìm đến nhà để đánh dằn mặt. Hiện nay, tôi buộc phải đổi phòng trọ, số điện thoại”, anh H. cho hay.

Bị lừa vì thiếu hiểu biết pháp luật

Để xác minh hoạt động này, chúng tôi đã thử liên hệ vào số điện thoại của một trường hợp đang cần làm thẻ ATM để chạy… doanh số, chúng tôi được hẹn tại ngân hàng V. trên đường Hồng Bàng (quận 5). Khi đến nơi, người này lại hẹn ra một quán nước gần đó. Sau khi gặp mặt, anh ta hướng dẫn chúng tôi cách đăng ký thẻ ATM của ngân hàng này.

“Bạn chỉ cần điền họ tên và ngày tháng năm sinh theo CMND, còn thông tin địa chỉ mail với lại số điện thoại thì tôi sẽ nhắn tin qua sau. Quan trọng phải đánh dấu vào giao dịch bằng internet. Nếu không có đánh mục này thì không có tiền đâu nha. Sai điện thoại, mail cũng không có tiền”, người thuê chúng tôi làm thẻ nhấn mạnh.

Chúng tôi thắc mắc sao số điện thoại, mail phải đúng theo yêu cầu, anh ta giải thích: “Do số điện thoại, địa chỉ mail này đã đăng ký đạt chỉ tiêu doanh số từ trước rồi. Khi có thẻ ATM, bạn có thể đổi lại được”.

Theo quan sát, tại điểm hẹn quán nước, không chỉ có chúng tôi, phía sau còn có sinh viên, xe ôm… đang ngồi chờ hướng dẫn làm thẻ để có tiền.

Vào ngân hàng V., chúng tôi gặp nhân viên để mở thẻ ATM, rồi hỏi nếu làm thẻ mà thông tin điện thoại, mail không phải của mình thì có sao không? Nhân viên ngân hàng này cho biết: “Mọi thông tin cá nhân phải được bí mật. Nếu số điện thoại, mail không phải, thì chỉ cần người khác biết, họ có thể thực hiện giao dịch chuyển nhận tiền trên mạng.

Mở thẻ xong, ngân hàng sẽ gửi thông tin cá nhân về địa chỉ mail, số điện thoại đăng ký. Từ đó, những người thuê này có thể đổi mật khẩu trên trang điện tử và thực hiện các giao dịch chuyển tiền không rõ nguồn gốc. Nếu có chuyện phi pháp thì công an sẽ tìm kiếm chủ thẻ”.

Giám đốc một ngân hàng cho biết: “Không có trường hợp ngân hàng chạy chỉ tiêu doanh số thẻ. Những đối tượng này thường trả giá cao từ 200.000 - 500.000 đồng với những người làm đưa luôn thẻ ATM. Đây là chiêu thức mới, do phần lớn nhiều người không nghĩ đến sẽ có giao dịch chuyển tiền trên mạng.

Đơn giản, họ chỉ nghĩ trong tài khoản không có tiền thì đưa luôn, mà còn được giá cao hơn. Sau đó, những đối tượng này thường dùng những thẻ ATM có được để rút tiền ra, sau khi chuyển liên tiếp qua nhiều ngân hàng khác nhau. Nếu bị phát hiện thì công an chỉ biết làm việc với chủ thẻ, các đối tượng này đã trốn mất”.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, khuyến cáo: “Mọi thông tin cá nhân của thẻ ATM không thể tiết lộ. Nếu xảy ra trường hợp thực hiện các giao dịch chuyển tiền không rõ nguồn gốc thì chủ thẻ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không phải người thuê.

 


http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20160205/Canh-giac-chieu-tro-thue-ten-lam-the-ATM.aspx

Theo Thanh Hải/Sài Gòn Đầu Tư

Bạn có thể quan tâm