Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cánh đồng đất sét kỳ lạ

Mấy trăm năm nay, cánh đồng Paley Hamu Trok luôn là nơi cung cấp đất sét duy nhất cho người dân thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) tạo nên sản phẩm gốm Bàu Trúc.

Cánh đồng đất sét kỳ lạ Paley Hamu Trok.

Mỗi lần đất sét được người dân lấy đi thì cánh đồng này lại trồi lên nguồn đất sét mới.

Cánh đồng Thạch Sanh

Con sông Quao chảy qua thị trấn Phước Dân chỉ có nước vào mùa mưa nên chỉ làm mỗi việc thoát lũ ra sông Dinh cho địa phương. Trường tồn bao năm cạnh đó có cánh đồng chuyên cung cấp nguyên liệu để người Chăm làm gốm là Paley Hamu Trok, nay được gọi là Bàu Trúc - một trong những làng gốm lâu đời nhất Đông Nam Á.

Anh Đàng Chí Quyết, Trưởng ban Phát triển du lịch cộng đồng làng gốm Bàu Trúc, cho biết người Chăm gọi làng gốm Bàu Trúc bằng tiếng Chăm là Paley Hamu Trok, nghĩa là làng có cánh đồng lồi. Người dân địa phương thường ví von cánh đồng đất sét là cánh đồng Thạch Sanh, bởi vì đất sét ở cánh đồng này hàng trăm năm nay người dân đào chở về làng làm gốm Bàu Trúc nhưng đất không lõm xuống mà cứ qua một mùa trồng lúa đất tại đây lại đùn lên.

Gom Bau Truc anh 1

Du khách nước ngoài tham gia làm gốm tại Bàu Trúc.

Đi cùng anh Quyết, chúng tôi đến cánh đồng đất sét Paley Hamu Trok (cách trung tâm thị trấn Phước Dân khoảng 4 km) bên bờ sông Quao. Nơi đồng lúa bát ngát vừa thu hoạch xong đang diễn ra cảnh nhộn nhịp lấy đất sét đưa lên xe bò chở về làng. Quy trình lấy đất sét ở đây cũng đơn giản như lấy đất làm gạch. Họ cào đất trên bề mặt ruộng, bỏ qua một bên, đào lấy đất sét bên dưới, sau đó lấp lại như cũ. Sau vụ gặt, các chủ lò gốm tới mua đất sét của chủ ruộng với giá dao động 200.000 đến 300.000 đồng/xe bò và đào theo quy trình kể trên. Đào mãi hàng trăm năm nay mà chỗ lấy đất ấy vẫn không có dấu hiệu lõm xuống.

Theo anh Quyết, cánh đồng này có diện tích hơn 190 ha, nhưng chỉ có khoảng 30-40 ha là có đất sét. Đất sét ở đây có đặc điểm rất đặc biệt khi cho nước vào nhào nặn thì rất dẻo, có độ quánh và mịn. Khi nặn gốm và đem vào lò nung thì gốm không bị nứt. “Cho đến nay, các nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm lẫn các nhà địa chất vẫn chưa thể lý giải được hiện tượng “đất lấy mãi mà vẫn còn nguyên” ở triền sông Quao. Trong số hàng trăm héc-ta đất ở cánh đồng bên sông Quao thì chỉ có khoảng 30 ha nằm ở chân ruộng cao mới cung cấp nguyên liệu đất để làm gốm”, anh Quyết nói.

Anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Gốm Chăm Bàu Trúc, nói: “Gốm Bàu Trúc không chỉ là sản phẩm kinh doanh, ở đó còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào Chăm. Thay đổi để phát triển nhưng không bao giờ lãng quên giá trị truyền thống. Bên cạnh những sản phẩm gốm mang tính trang trí, nghệ thuật phù hợp với xu thế hiện đại, gốm Bàu Trúc hiện vẫn còn giữ lại những cái lu, cái thạp… truyền thống. Cần phải tạo một sức sống mới để các sản phẩm gốm luôn tồn tại mãi với thời gian”.

“Làm bằng tay, xoay bằng mông”

Người Chăm làng Bàu Trúc luôn tự nhận họ là con cháu của Pô Klong Chanh, một quan cận thần của vua Pô Klong Garai (1151-1205), người được vua Shihavaman (Chế Mân) đặt tên cho một cụm tháp Chăm đồ sộ còn lại tại Ninh Thuận. Theo dân làng Bàu Trúc, chính Pô Klong Chanh đã đưa tổ tiên họ đến định cư ở cánh đồng Paley Hamu Trok và dạy dân đào đất sét làm gốm để thoát khỏi cảnh cơ hàn.

Gom Bau Truc anh 2

Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc “làm bằng tay, xoay bằng mông”.

Theo lời kể của anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Gốm Chăm Bàu Trúc, tổ tiên của người Chăm ở Bàu Trúc định cư tại Paley Hamu Trok hàng trăm năm trước đó. Đến khi có trận lụt lịch sử năm 1964, lũ tràn sông Quao làm ngập nhà cửa người dân nơi đây. Bấy giờ Quận trưởng quận An Phước (tên huyện Ninh Phước trước năm 1975) thấy các làng nằm phía Tây đường tàu lửa nước ngập lút nóc nhà, nhưng phía Đông đường tàu thì an toàn, nên ông vận động người dân chuyển làng Paley Hamu Trok về làng mới phía Đông đường tàu định cư. Nơi đây có cái bàu khá rộng với những khóm trúc mọc đầy trên bờ nên họ gọi tên làng là Bàu Trúc từ đó.

Bà Đàng Sanh Ái Chi, Phó chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, cho biết, làng gốm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ gia đình, trong đó hơn 80% hộ vẫn tiếp tục theo nghề gốm. “Cách làm gốm Bàu Trúc rất độc đáo "làm bằng tay xoay bằng mông", không có bàn xoay mà toàn bộ làm bằng tay nên mỗi sản phẩm là một tác phẩm riêng lẻ, không giống nhau”.

Dù phải đi khỏi nơi từng gắn bó với mình hàng trăm năm, nhưng dân Bàu Trúc vẫn không quên chốn cũ. Họ vẫn trở lại nơi triền sông Quao sau mỗi vụ gặt để lấy đất về làm gốm. Điểm đặc biệt của nghề làm gốm ở Bàu Trúc chính là phương pháp làm gốm thủ công “làm bằng tay, xoay bằng mông”.

“Gốm Bàu Trúc kế thừa bí kíp nung truyền thống thời Sa Huỳnh nên tạo ra sự khác biệt không gốm nào có được. Đó là nung lộ thiên, cách làm màu bằng rễ cây rừng đến cách tạo màu hun khói bằng vỏ trấu. Nhờ cách làm tỉ mỉ bằng tay nên mỗi tác phẩm gốm Bàu Trúc có hồn rất riêng, bộc lộ rõ tâm trạng của người thợ tạo hình. Mỗi tác phẩm gốm là duy nhất, chỉ na ná chứ không cái nào giống cái nào”, anh Thuần cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước, cho biết năm 2017, Bộ VH-TT&DL đã công nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống Bàu Trúc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến tháng 11/2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

“Đây là niềm vui lớn và cũng là động lực để tỉnh Ninh Thuận bảo tồn phát huy giá trị di sản nghệ thuật làm gốm Chăm tại địa phương. Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để quy hoạch khu vực lấy đất sét làm gốm riêng biệt tại cánh đồng Paley Hamu Trok để duy trì nguyên liệu làm gốm cho Bàu Trúc”, ông Tuấn nói.

Trưng bày 12 chiếc giày gốm hình dáng lạ ở Hà Nội

12 tác phẩm giày làm từ gốm sứ, họa tiết bách hoa, lấy ý tưởng từ câu “nhân sinh bách nghệ" vừa được đưa ra triển lãm tại Hà Nội chiều 9/4.

https://tienphong.vn/canh-dong-dat-set-ky-la-post1506500.tpo

Công Hoan/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm