Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Cảnh đối lập ở Sa Pa ngày băng giá

Trong khi du khách háo hức lên Sa Pa để thưởng thức cái lạnh và mong một lần được chạm vào băng tuyết, những người dân nơi đây lại cùng đàn trâu xuống núi tránh rét suốt mùa đông.

CẢNH ĐỐI LẬP Ở SA PA NGÀY BĂNG GIÁ

Trong khi khách du lịch háo hức lên Sa Pa để thưởng thức cái lạnh và mong một lần được chạm vào băng tuyết, những người dân nơi đây lại cùng đàn trâu xuống núi, tránh rét suốt mùa đông.

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 1

"Alo, vé xe Hà Nội - Sa Pa đã hết rồi anh ạ, bên em chỉ còn vé Sa Pa - Hà Nội thôi".

"Alo, phòng nghỉ chỗ em hết rồi, khách đi Sa Pa đợt này đã đặt trước cả tuần. Có thể có băng tuyết nên chắc là khó đấy anh ạ", những lời từ chối liên tục vang lên ở đầu bên kia điện thoại. Phải đến cuộc gọi đặt xe thứ 4 và đặt khách sạn thứ 7, tôi mới có thể bắt đầu hành trình đến với “thành phố trong sương”.

Bước giữa bến xe đông nghịt người, không khó để nhận ra các hành khách đi Sa Pa với những chiếc áo dày, vali to và những khuôn mặt toát lên vẻ rạo rực. Họ có hẳn 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch, tha hồ vui chơi ở nơi chỉ cách Hà Nội 4 giờ đi ôtô. Và giữa dòng xe cộ rời thành phố chiều 28/12, không ít chiếc lao lên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, trong đó có cả hàng loạt xe cá nhân chở các gia đình.

Nụ cười Assu

Khi cửa xe mở lúc đến điểm cuối, hàng chục hành khách ùa ra, hoà vào dòng người, biến thị trấn nhỏ bé dần trở nên đông đúc lạ kỳ.

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 2

Sáng 30/12, Sa Pa chỉ còn 3 độ C. Hưng và Thảo mặc quần áo dày, đội mũ trùm đầu suýt xoa. Tuy nhiên, cả 2 vẫn sung sướng ghi lại hình ảnh của mình bên nhà thờ đá. Nhiệt độ thấp nhất mà cả 2 từng trải qua trước đó là 18 độ C, mức nhiệt cuối cùng mà máy lạnh có thể hạ xuống.

Còn cặp đôi Trung và Oanh cùng sống ở Hà Nội. Cả hai bạn trẻ không lạ gì mùa đông nhưng băng và tuyết là những thứ họ chưa từng chạm tới. Mệt mỏi sau chuyến đi xuyên đêm, Trung, Oanh chỉ ngủ hơn 2 tiếng ở khách sạn trước khi ra ngoài tản bộ. Họ quyết định ở lại Sa Pa 3 ngày với hy vọng gặp may trong lần đầu đi "săn" tuyết.

Gần đó, một nhóm bạn từ Hà Lan lần đầu đến Việt Nam đùa nghịch trong màn sương dày đặc. Ở nước họ, tuyết rơi là chuyện thường. Nhưng khi nghe tôi nói về việc khả năng có tuyết ở Sa Pa, những người bạn tới từ châu Âu ồ lên thích thú. Họ chưa từng nghĩ tuyết có thể xuất hiện ở một đất nước nhiệt đới như Việt Nam. Và những người bạn trẻ cũng muốn chờ đợi và hy vọng để gặp được một điều quen ở nơi rất lạ.

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 6

Cứ thế, những con người đến từ những nơi khác nhau, với những hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng mang trong mình niềm háo hức về một cái lạnh thấu xương, hình ảnh hơi nước đọng thành băng, lung linh và những bông tuyết trắng xoá.

Nhiệt độ tại thị trấn Sa Pa đợt rét này thấp nhất chỉ 3 độ C, quá xa mốc 0 độ để có băng hay tuyết. Và đỉnh Fansipan gần đó, với độ cao 3.143 m trở thành nơi thắp sáng niềm hy vọng, nhất là khi có hệ thống cáp treo, ai cũng có thể chinh phục nóc nhà Đông Dương một cách dễ dàng thì mong muốn chạm vào tuyết trắng không quá xa xôi.

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 10

Trời chẳng chiều lòng du khách phương xa, đợt gió mùa đông bắc mạnh dù đã làm nhiệt độ trên đỉnh núi có lúc xuống -5 độ C, nhưng mưa nặng hạt, gió khá lớn khiến những hơi nước không thể tụ thành băng tuyết.

Sáng 31/12, -2 độ C. Trời quang, mây tạnh sau mấy ngày mưa liên hồi, thắp lên niềm hy vọng. Nhưng 8h sáng, khi cánh cửa cabin cáp treo vừa mở, kéo cái mũ trùm đầu chạy ra ngoài trong cái lạnh cắt da, nhiều du khách chợt buồn vì băng giá vẫn không xuất hiện.

Nhưng rồi nỗi buồn ấy trôi qua thật nhanh, vì Fansipan luôn có 2 kỷ lục ở Việt Nam mà một người bình thường ít khi chạm tới: Cao kỷ lục và rét kỷ lục.

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 13

Trong đợt rét mạnh trùng dịp nghỉ Tết Dương lịch, dòng người nườm nượp đi bộ lên 600 bậc đá. Còn ở ga tàu hoả leo núi, hàng trăm người xếp thành hàng dài, co ro trong áo mưa, áo ấm các loại.

Những chiếc áo mưa tiện lợi không thể nào chống chọi lại những hạt mưa liên tục trút xuống cùng gió mạnh. Nước thấm qua áo khoác, vào đến cả áo trong, đặc biệt giày và găng tay nhanh chóng trở nên vô nghĩa. Nước lạnh thấm vào như ngàn mũi kim châm.

Lộc, sinh viên Đại học Lao động Xã hội dang hai tay trong gió lớn trên đỉnh Fansipan. Áo mưa của cậu đã bị gió xé rách tơi tả. Nhưng chẳng hề gì, Lộc thốt lên 2 từ “tuyệt vời” khi được hỏi về cảm giác lúc này. Đây là lần đầu tiên cậu đặt chân tới “nóc nhà Đông Dương”.

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 17

Nổi bật trong những người đang chụp ảnh “cái chóp nhôm huyền thoại” là Assu, du khách đến từ Ấn Độ. Gạt những giọt nước lạnh thấm ướt trên mái tóc xoăn dài, anh nói về hành trình leo núi không thể nào quên kéo dài 2 ngày một đêm. Do đã đặt trước, Assu không muốn hoãn chuyến đi đã chuẩn bị nên chấp nhận leo Fansipan bằng đường bộ trong giá lạnh.

Tuy Trạm Tôn là cung đường dễ nhất, những cơn mưa đã làm cho chúng trơn trượt hơn rất nhiều. Cả đêm qua, anh và nhóm bạn không thể ngủ được trong lán giữa rừng. Nhưng sáng dậy, Assu vẫn leo tiếp hơn 3 tiếng nữa để đến “nóc nhà Đông Dương”. Cầm trên tay chiếc huy chương, miệng cười tươi chụp ảnh kỷ niệm, anh thốt lên câu tiếng Anh bằng giọng Ấn Độ: "Không thể tin nổi".

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 20

Bên cạnh nụ cười của Assu là những giọt nước mắt ngắn, nước mắt dài của một đứa trẻ. Người mẹ cố dỗ dành nhưng nước mắt vẫn hoà cùng nước mưa trên gương mặt. Dù đã được cuốn nhiều lớp áo đến mức tròn như một cục bông, thời tiết này có lẽ vẫn còn quá khắc nghiệt với những đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi. Trong suy nghĩ của chúng, đỉnh Fansipan có lẽ vẫn là một cái gì đó quá xa xôi; chỉ có lạnh, đầy gió, mưa táp thẳng vào mặt.

Sa Pa của Mái 'có gì đâu mà buồn'

Đứng trên mỏm đất cao bên quốc lộ 4D, anh Sùng vừa cho mấy con trâu uống nước, vừa ngắm dòng xe cộ ngược xuôi từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa.

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 21
Anh Sùng đứng bên quốc lộ 4D nhìn dòng xe ngược xuôi từ Lào Cai đến Sa Pa trong đợt gió mùa. Tuần trước, anh cùng đàn trâu rời nhà đi tránh rét.

Anh cho biết cứ đến mùa đông, khi tin báo rét trên tivi phát đi liên tục là bà con ở xã Sa Pả, huyện Sa Pa lại dắt trâu xuống xã Cốc San, huyện Bát Xát, để tránh rét. Nhưng năm nay, anh cứ nấn ná, đến đợt rét mạnh này mới đưa 5 con trâu của nhà xuống.

Người miền xuôi thích lên ngắm băng tuyết, còn anh cứ thấy tuyết là sợ. “Mùa đông, cỏ chết hết. Trâu không có gì ăn. Trồng lúa, trồng ngô không được. Nếu tuyết rơi, mấy cây cải mèo cũng chết nốt thì người cũng chẳng biết ăn gì”, anh tâm sự.

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 24

Lùa mấy con trâu vào, Sùng bước vào lán nhỏ bên cạnh để hơ tay trên bếp lửa. Anh chia sẻ một năm 3 tháng xa nhà, khổ, không ai muốn đi. Nhưng không đi thì không được.

Hơn 10 năm trước, cứ đến mùa đông thì trâu lớn bị cước chân. Nghé con mới sinh được vài hôm là chết. Những mảnh ruộng bậc thang bé nhỏ như dải lụa vắt giữa lưng chừng trời, ngoài trâu ra, không có máy móc nào hoạt động được. Vì thế, để giữ “cái đầu cơ nghiệp”, tài sản lớn nhất trong nhà, những người Mông buộc phải xuống núi.

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 28
Anh Mái trước đây làm nghề khuân vác hành lý cho du khách leo lên Fansipan. Nay anh trở về nuôi trâu, cày ruộng.

Ở lán bên cạnh, vợ chồng anh Mái, chị Sông xuống đây từ tháng 11. Trước đây, anh Mái làm nghề khuân vác đồ cho khách du lịch leo lên Fansipan. Nhưng khi tuổi tác lớn dần, bàn chân dễ mỏi, anh trở về với nghiệp chăn trâu.

Theo anh, việc chăn trâu không có nhiều khó khăn, chỉ là sáng lùa đi, chiều lùa lại. Khổ nhất là đêm phải thay nhau trực kẻo “bọn nghiện nó vào bắt mất trâu”.

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 31
Những thanh niên mới 17,18 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm đến 4-5 năm đưa trâu đi tránh rét. Họ vốn là hàng xóm, nay cùng nhau sống chung trong một túp lều.

Bên cạnh đó, chuyện ăn uống, tắm giặt cũng chẳng thể nào được như ở nhà. Nước thì phải xách từng can từ khe suối. Thức ăn quanh quẩn chỉ có cải mèo mang từ nhà, còn thịt lợn mua ngoài chợ. Mỗi lán đều tăng gia bằng cách nuôi gà để đổi bữa. Tắm thì phải đi bộ ra suối. Những đợt lạnh đến 10 độ C, vài ngày anh mới tắm một lần.

Không khí trầm buồn đột ngột thay đổi khi Thào cầm cổ một con gà rừng vui mừng đi về lán. Cả tuần nay, cậu thanh niên 18 tuổi nghe tiếng gáy, theo dõi đường đi để đặt bẫy. Và khi con gà dại dột ăn mấy hạt ngô để rồi bị móc ngược lên trời, Tết đã thực sự đến với những người chăn trâu Sa Pa.

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 36
Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 40
Đám trẻ thường ngày đi học, nhân dịp nghỉ Tết, chúng xuống chơi với bố mẹ tại khu lều giữ trâu.

Chị Sông đặt một nồi nước, Thào và bạn nhanh chóng vặt lông. Anh Mái rửa rau thơm, chị Sông nướng quả ớt. Những đứa trẻ được nghỉ Tết Dương lịch xuống chơi chạy quanh nồi gà luộc nghi ngút khói.

Anh Mái mời phóng viên ở lại ăn cơm nhưng tôi từ chối khéo khi thấy người hàng xóm đang xách về một túi nylon rượu. Tôi nấn ná để hỏi anh một câu cuối cùng: "Anh có buồn không khi trời lạnh, anh phải xa nhà còn người miền xuôi lại nô nức lên hưởng rét”.

"Có gì đâu mà buồn. Lạnh là chuyện của trời, rét là chuyện của trâu. Người miền xuôi có lên Sa Pa ngắm băng tuyết hay không thì cứ mùa đông, tôi vẫn đưa trâu đi trốn", anh cười.

Hanh trinh doi lap o Sa Pa anh 41

Việt Hùng

Bạn có thể quan tâm