CẢNH ĐỜI CƠ CỰC CỦA GIA ĐÌNH CÓ NHIỀU NGƯỜI BỊ TÂM THẦN
Cười nói cả ngày nhưng không có niềm vui nào trong ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Thêm với ba người bị bệnh tâm thần, ảnh hưởng của chất độc da cam.
Theo con đê nằm bên bờ sông Đáy, đi về phía thôn Võ Lao (xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) hỏi thăm nhà Thêm Tư không ai là không biết. Người dân nơi đây thấu hiểu hoàn cảnh gia đình người đàn ông này bởi hoàn cảnh đáng thương và sự khổ cực đến tận cùng mà gia đình anh đang phải gồng mình vượt qua mỗi ngày.
Số phận quay lưng, nỗi bất hạnh đi cùng sự nghèo khó
Nằm trong con ngõ nhỏ nơi làng quê yên bình, căn nhà cấp bốn với những viên ngói xộc xệch, những mảng tường bong tróc ẩm mốc theo thời gian là nơi mà 9 người trong gia đình anh Nguyễn Văn Thêm sinh sống.
Sinh ra trong gia đình nghèo đông anh chị em, anh Thêm cùng người em gái út và người anh cả đã qua đời phải chịu số phận bất hạnh khi mang di chứng của chất độc da cam, tinh thần không ổn định, ngẩn ngơ suốt ngày.
Sau khi kết hôn với chị Phượng, hai vợ chồng anh Thêm có với nhau 5 người con. Tưởng rằng sự trớ trêu của số phận chỉ dừng lại ở đó nhưng không may đứa con trai thứ 4 trong nhà từ bé lại bị câm bẩm sinh, không tự chủ được hành động của mình.
Ngồi trong góc nhà với khuôn mặt khắc khổ, trên tay cầm điếu thuốc đang tàn, dù đầu óc không được minh mẫn nhưng anh Thêm vẫn chia sẻ được những nỗi khổ mà mình đang phải chịu: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thêm mấy người bệnh, miếng ăn qua ngày còn thiếu nên mấy đứa nhỏ trong nhà đều phải nghỉ học hết cả. Cậu con lớn của anh mới 17 tuổi đã phải xuống Hà Nội làm thêm để đỡ đần cho bố mẹ.
"Hiện chỉ còn đứa con gái út nhà tôi là còn đi học, nhưng với hoàn cảnh này cũng không biết nó sẽ đi học được đến lớp mấy”, anh Thêm nói.
Hàng ngày, để lo đủ 2 bữa cơm cho cả nhà anh Thêm cùng đứa con trai thứ thường đi bắt cá để chị Phương mang ra chợ bán nhưng cũng chỉ đủ tiền mua gạo với mớ rau. Thỉnh thoảng hàng xóm xung quanh có việc gì cũng gọi anh đi làm để có thêm đồng ra đồng vào.
Ngồi tâm sự được một lúc, anh Thêm lại phải bỏ dở câu chuyện chạy đi thay quần áo, vệ sinh cho con trai áp út Nguyễn Văn Tư (12 tuổi) đang lủi thủi ngồi chơi một chỗ.
Những ngày không bán được hàng, số cá còn lại vợ anh Thêm lại mang về nhà phơi khô. Ngày trời mưa gió không đi chợ bán hàng được thì đấy lại chính là thức ăn chính trong bữa cơm.
"Nó là đứa trẻ rất hiếu động, lúc nào cũng tươi cười nhưng tội cho nó là trẻ con hàng xóm, đứa nào cũng sợ, không ai chơi cùng. Nó thích chăn bò lắm nhưng nhà tôi không đủ điều kiện để mua lấy một con bò. Chiếc xe kéo ngoài sân kia cũng mua nợ người ta đã trả tiền đâu. Nhiều hôm nó chạy đi chơi không biết đường về, cả nhà lại nháo nhào đi tìm”, anh Thêm tâm sự.
Người mẹ già với nỗi cực nhọc trên vai
Đôi lưng còng, sự vất vả cực nhọc hiện rõ trên từng nếp nhăn trên khuôn mặt, hơn 70 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Xúi (mẹ anh Thêm) với đôi bàn tay gầy guộc vẫn cặm cụi, tỉ mẩn ngồi đan từng chiếc nón để phụ giúp thêm bữa rau, bữa cháo cho gia đình.
Bà Xúi cho biết giờ già rồi, chỉ có thể ngồi một chỗ đan nón, mà mỗi ngày cũng chỉ thu nhập vài đồng lẻ đủ tiền rau cỏ. Có những hôm trái gió trở trời, hai tay đau nhức bà không làm được việc gì.
Công việc đan nón thuê mang lại thu nhập cho gia đình bà 10.000 đến 20.000 đồng/ngày. Thi thoảng làng xóm thương tình mang qua lon gạo, quả trứng, miếng bánh cho tụi trẻ. Cuộc sống của những người trong ngôi nhà cứ thế trôi qua lặng lẽ.
Trong không gian yên tĩnh nơi căn nhà nhỏ thi thoảng lại vang lên tiếng cười khanh khách, đôi khi là tiếng khóc nỉ non ở chiếc giường ở góc nhà, nơi mà chị Nguyễn Thị Đượm (con gái út bà Xúi) đang nằm.
Đôi tay đan nón, mắt hướng vào từng đường kim, bà Xúi kể ông Nguyễn Văn Tưng (76 tuổi) từng là thanh niên khỏe mạnh nhất làng. Năm 22 tuổi, ông tham gia chiến trường Bình Trị Thiên rồi trở về quê hương sau 7 năm chiến đấu, sau đó 2 người nên duyên vợ chồng.
Chồng bà sớm có những triệu chứng bất thường do ảnh hưởng của chất độc da cam. Sinh được 8 đứa thì 3 người bị chất độc da cam, anh con trai cả mất cách đây không lâu...
"Tưởng rằng về già được thảnh thơi thì đứa con gái út thời gian gần đây cũng phát bệnh, giờ chỉ nằm một chỗ lúc cười lúc khóc. Tất cả sinh hoạt cá nhân, ăn uống, vệ sinh đều phải phụ thuộc vào người mẹ già này. Đứa con gái thứ lấy chồng gần đây thỉnh thoảng sang đỡ đần, phụ tôi chăm sóc chị gái”, bà Xúi chia sẻ.
Sống nhờ vào tiền trợ cấp
“Nhà họ khó khăn lắm, vợ chồng, con cái đều không được bình thường. Có việc gì cần người giúp chúng tôi cũng gọi anh Thêm đi làm để phụ giúp cho gia đình. Nhìn hoàn cảnh thế ai cũng thương tâm”, một người hàng xóm gần nhà anh Thêm nói.
Dù cuộc đời đã quay lưng lại với cả gia đình, chị Phượng vẫn cố gắng hết sức lo cho chồng, mẹ già và những đứa con ngây dại. Hàng ngày, người phụ nữ này đem vài ba mớ rau cùng tôm cá mà chồng và con trai đi đánh bắt được mang ra chợ để kiếm tiền trang trải cho sinh hoạt của gia đình.
“Ăn bữa nay mà lo bữa mai không biết ăn gì. Hôm nào đi chợ bán được hàng còn có cơm rau cho cả nhà ăn còn không gia đình tôi chỉ biết ăn cháo qua bữa. Đi chợ về lại quanh quẩn làm việc nhà, chăm lo cho mấy đứa nhỏ. Hàng tháng gia đình tôi cũng được chính quyền trợ cấp chút ít tiền nhờ đó cũng giúp gia đình có thêm chi phí để trang trải cho cuộc sống hàng ngày”, chị Phượng tâm sự.
Một lãnh đạo xã Văn Võ cho biết gia đình Thêm thuộc diện hộ nghèo trong xã. Ông Nguyễn Văn Tưng (76 tuổi, chồng bà Xúi) từng đi bộ đội nhưng không may bị chất độc da cam. Nay về già được hưởng chính sách của xã hội.
“Gia đình họ là hộ nghèo trong xã, mỗi dịp lễ, Tết xã cũng có những phần quà nhỏ gọi là động viên tinh thần, phần nào giúp đỡ thêm cho gia đình. Con gái út của anh Thêm cũng được hỗ trợ về chi phí học tập để giúp cháu có thể đi học cùng chúng bạn”, vị này nói thêm.