Một phân cảnh của Quỳnh Kool trong "Đừng làm mẹ cáu". |
Đừng làm mẹ cáu là tác phẩm truyền hình mới nhất lên sóng giờ vàng VTV, cũng mang chủ đề gia đình. Chuyện phim kể về Hạnh, cô gái 18 tuổi chuẩn bị bước chân vào đại học thì biến cố ập đến. Chị của Hạnh gặp tai nạn rồi qua đời, khiến cô không những mất nhà cửa mà còn bất đắc dĩ trở thành mẹ của một đứa trẻ. Hạnh gặp rất nhiều khó khăn, không có tài chính khi làm mẹ đơn thân. Nhưng Happi, cô bé cá tính, thông minh, ngày càng khôn lớn và trở thành niềm an ủi với Hạnh.
Bội thực cảnh đánh ghen trên màn ảnh
Ngoài vai Hạnh, phim có các tuyến nhân vật Quân (Nhan Phúc Vinh), Vy (Quỳnh Lương), Khôi (Bình An). Vy - Khôi là vợ chồng nhưng kết hôn do lỡ mang thai, không có tình yêu. Hai người thống nhất tôn trọng đời sống cá nhân của đối phương.
Theo diễn biến phim, Khôi đào hoa, thường yêu đương vui chơi qua đường, sợ bị ràng buộc. Trong một tình huống, Khôi nhờ Vy đến khách sạn đánh ghen để "cắt đuôi" một cô gái. Vy vui vẻ giúp đỡ chồng hờ. Tại khách sạn, Vy cố tình lời qua tiếng lại với cô gái kia, dẫn đến xô xát. Vy gằn giọng: "Con tiểu tam mà đòi lên làm chính thất, mày dám láo với tao à". Cô kia đáp trả: "Có bản lĩnh thì không để chồng đi với gái". Khi hai người đang giằng co, Hạnh bất ngờ có mặt, lao vào tát cô gái để bảo vệ Vy.
Phân đoạn đánh ghen nhanh chóng tạo nên luồng ý kiến trái chiều. Cách Vy và Khôi duy trì mối quan hệ như hiện tại bị phản ứng. Nhân vật Khôi - một nhiếp ảnh gia - bước đầu khiến người xem mất thiện cảm.
Cảnh đánh ghen có trong nhiều phim Việt. |
Bên cạnh đó, khán giả cho rằng phim truyền hình Việt thời gian qua xây dựng quá nhiều cảnh đánh ghen, cãi cọ, dằn mặt. Gần nhất, trong Gara hạnh phúc, nhân vật Sơn Ca (cũng do Quỳnh Kool đóng) bắt gặp bạn trai và nhân tình đi cùng nhau. Quá tức giận, cô lao vào đánh đấm túi bụi, chửi mắng xối xả.
Trong Thương ngày nắng về, nhân vật Thương (chị chồng của Khánh) bị đánh ghen tại quán cà phê. Thương phải nhận hai cú tát cùng lời mắng nhiếc: "Mày đã cướp chồng tao, phá hoại gia đình tao. Mày nên nhớ ở đời đã có trà xanh thì còn có trà gừng".
Hay trong phim Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ, nhân vật Mai Anh cũng gặp tình huống bị hiểu lầm là người thứ ba. Nhân vật Trâm dành cho Mai Anh cái tát trời giáng, liên tục gào lên: "Mày định cướp chồng tao à, không dễ thế đâu".
Cách đây 3 năm, Về nhà đi con từng gây phản ứng với phân cảnh nhân vật Linh thay Thư (Bảo Thanh) đánh ghen Nhã (Quỳnh Nga). Linh vừa túm tóc Nhã vừa lớn tiếng: "Tại sao trên đời lại có loại người độc ác mà giả vờ ngây thơ nhỉ. Tao chỉ đàng hoàng với những người xứng đáng được tao đàng hoàng. Bản chất cáo già thì đừng láo, nếu không tao chặt cụt đuôi luôn đấy".
Vào thời điểm ấy, nhân vật Nhã bị ghét, do đó cảnh phim khiến người xem hả hê, thích thú.
Đề tài gia đình đã cũ
Hiện tại, sau khi những cảnh đánh ghen xuất hiện với tần suất dày đặc trên màn ảnh, phản ứng ngược là điều khó tránh. Một bộ phận khán giả cho rằng tình huống phim bị cũ, đi vào lối mòn, có thể khiến người xem cảm thấy "bội thực", dù vẫn biết mỗi câu chuyện có nội dung khác, không hẳn giống 100%.
Hành trình công lý (đang lên sóng) không có cảnh đánh ghen của nữ chính nhưng cũng bắt nguồn từ chuyện chồng có nhân tình, khiến người vợ bị ám ảnh, hôn nhân tan nát.
Một vấn đề rất rõ hiện nay là đa số phim truyền hình khai thác đề tài gia đình, mâu thuẫn vợ chồng nên thường luẩn quẩn hoặc lặp lại, khó tạo ra nội dung mới. Về điều này, biên kịch Thu Thủy của Đừng làm mẹ cáu nêu quan điểm: "Với những người làm nghề, chủ đề gia đình đúng là thách thức nhưng cũng là trải nghiệm. Đúng là nó đã cũ rồi, nhưng quan trọng là chúng ta tiếp cận như thế nào, tìm góc nhìn ở đâu".
Nhân vật Hạnh và Vy vốn là bạn thân, từng cạch mặt vì thích chung một người. |
Theo bà Thủy, Đừng làm mẹ cáu dành nhiều đất cho hai nhân vật nhí để từ đó, ê-kíp hy vọng mang đến yếu tố mới mẻ, khác biệt.
"Với phim này, ngay từ khi đặt tên, chúng tôi đã tạo ra mối tương quan giữa mẹ và con, cũng là cặp nhân vật chính. Đó là cô gái phải làm mẹ từ năm 18 tuổi, bây giờ đã 25-26 tuổi. Và một bé gái đáng yêu ở độ tuổi lớp 1. Chúng tôi mong muốn từ một tình huống đặc biệt này, nhiều người mẹ nhìn thấy bóng dáng của mình và đồng cảm. Trong những năm qua, đề tài gia đình đã được khai thác mọi khía cạnh, ngóc ngách. Chúng tôi cũng gặp áp lực trong việc làm thế nào để câu chuyện diễn ra dưới góc nhìn của những đứa trẻ và trở nên thuyết phục", biên kịch giải thích.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.