Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh dân nhập cư chen lấn để lên tàu ở châu Âu

Mang theo giấc mộng đổi đời ở châu Âu, hàng nghìn người nhập cư đánh cược mạng sống để bước lên những đoàn tàu tại một thị trấn nhỏ ở Macedonia.

Macedonia là một quốc gia nhỏ thuộc bán đảo Balkan. Với những đặc điểm thích hợp, nước này trở thành nơi quá cảnh để hàng nghìn người di cư từ Trung Đông và châu Phi tiến vào châu Âu. Làn sóng nhập cư ồ ạt vào châu Âu trong những tháng qua đang trở thành mối lo ngại lớn nhất đối với "lục địa già". Ảnh: Getty Images
Từ Macedonia, dòng người di cư đổ về vùng biên giới giáp với Hy Lạp và Serbia để tiến vào các nước thịnh vượng hơn. Ảnh: AP
Hàng nghìn người di cư chen lấn để lên những tàu sẽ đi qua Hy Lạp, Serbia, Hungary, Đức, Pháp và Anh. Ảnh: AP
Sau khi đến Serbia, với sự giúp đỡ của đường dây đưa người nhập cư trái phép, họ trốn cảnh sát để không bị bắt và trả về Macedonia. Nếu thành công, những người di cư sẽ tiếp tục hành trình qua các nước tham gia Hiệp ước Schengen, một thỏa thuận về đi lại tự do mà nhiều nước Châu Âu ký kết. Ảnh: AP
Theo Daily Mail, khi đến bắc Âu, những người di cư có thể đầu thú cơ quan chức năng và bắt đầu quá trình xin tị nạn. Một số người có thể ở lại Đức, còn những người khác có thể theo đuổi ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn tại Anh hoặc Pháp. Ảnh: AP
Để đối phó làn sóng nhập cư trái phép ồ ạt, chính phủ Macedonia thay đổi luật tị nạn. Theo luật mới, nếu người tị nạn rời khỏi đất nước này trong vòng 3 ngày, nhà chức trách sẽ không bắt họ. Ảnh: AP
Tính trong 6 tháng đầu năm, ít nhất 25 người thiệt mạng do chen lấn trên những chuyến tàu. Ông Mitko Cavkov, Bộ trưởng Nội vụ của Macedonia, cho biết, số lượng người di cư quá cảnh tại nước này tăng gấp 3 lần so với năm ngoái, đạt khoảng 2.000 tới 3.000 người mỗi ngày. Ảnh: EPA
Cavkov cũng chỉ trích nước láng giềng của họ là Hy Lạp vì để hàng nghìn người vượt biên. Hy Lạp là điểm đến chính của những người nhập cư vào châu Âu. Phần lớn những người đó trốn qua biên giới tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: EPA
Hiện tại, một số nước châu Âu như Hungary đang xây những hàng rào dọc biên giới nhằm ngăn dòng người nhập cư ngày càng tăng. Ảnh: EPA
Đa số người nhập cư đến từ các nước chìm trong chiến sự như Syria. Ảnh: AP
Những cư dân ở thị trấn Presevo, Serbia - khu vực gần biên giới với Macedonia - cho hay, tỏ ra thông cảm với những người tị nạn bởi bản thân họ cũng thường xuyên chứng kiến xung đột và căng thẳng giữa các sắc tộc gần vùng Kosovo. Ảnh: AP
“Tôi thấy buồn cho những con người tội nghiệp ấy”, Stojadin Ilic, một cư dân của Serbia, nói khi đưa chai nước cho một người tị nạn đi qua nhà anh. “Đối với những người nhập cư, dù đối mặt với vô vàn rủi ro, họ sẽ không bao giờ trở về”, Ilic nói. Ảnh: AP
Rashid, một người nhập cư trẻ, chia sẻ: “Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tàn phá thành phố Aleppo ở Syria. Chúng tôi không có trường học, bệnh viện hay bất kỳ thứ gì. Tôi muốn bắt đầu cuộc sống mới ở châu Âu”. Ảnh: EPA
Hysein Ahmed, một giáo sư toán học cũng rời khỏi thành phố Aleppo cùng với vợ và 3 đứa con, nói: “Chỉ cần nhìn vào đây”. Ông chỉ vào một vết sẹo trên đầu cậu con trai 10 tuổi và cho biết, một mảnh đạn gây nên vết sẹo. Ảnh: AFP

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm