Số lượng chim cánh cụt châu Phi trên đảo St. Croix, vịnh Algoa, Nam Phi, nơi từng có số lượng loài sinh vật này lớn nhất thế giới, đã sụt giảm mạnh kể từ khi Nam Phi cho phép tàu thuyền trong khu vực tiếp nhận nhiên liệu trên biển 6 năm về trước.
Vịnh Algoa nằm trên một tuyến hàng hải nhộn nhịp dọc theo bờ biển Nam Phi.
Một nhóm cánh cụt châu Phi tại Nam Phi, tháng 11/2020. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi nhận thấy mức độ ồn, vốn đã rất cao, tăng gấp đôi”, tiến sĩ Lorien Pichegru, quyền Giám đốc Viện Nghiên cứu Bờ biển và Hải dương thuộc Đại học Nelson Mandela, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nói với Reuters.
Theo các nhà khoa học, tiếng ồn ảnh hưởng đến khả năng tìm và bắt con mồi của các loài sinh vật biển, cũng như năng lực liên lạc và tìm phương hướng của chúng.
“Trong năm nay, 1.200 đôi chim ghép đôi giao phối tại St. Croix, so với 8.500 đôi năm 2016. Đây là sự sụt giảm gần 85%, tính từ khi việc tiếp nhận nhiên liệu trên biển bắt đầu tại Nam Phi”, bà Pichegru nói. “Tôi đã đếm số chim chết mỗi tháng trên bãi biển của vịnh”.
Nghiên cứu trên được các nhà khoa học công bố hôm 10/8 trên tạp chí Science of the Total Environment. Nhóm nghiên cứu cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của tiếng ồn do các phương tiện giao thông hàng hải gây ra tới một loài chim biển, cũng như tác động của hoạt động tiếp nhận dầu trên biển tới tiếng ồn dưới mặt nước.