"Cánh cổng" có kích thước lớn với hình tròn, được đặt cạnh nhà ga thành phố Vilnius (Lithuania) và quảng trường trung tâm Lublin (Ba Lan), cách nhau 606 km. Theo Gizmodo, đây thực chất là một màn hình với camera, hiển thị hình ảnh được quay từ "cánh cổng" bên kia và ngược lại theo thời gian thực.
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động đến nhu cầu gặp gỡ của con người. Những cuộc trò chuyện, trao đổi trực tiếp chưa thể diễn ra bình thường như trước. "Cánh cổng" được ra đời giúp người dân tại 2 nơi xa xôi gặp gỡ và tương tác lẫn nhau.
"Cánh cổng" đặt tại Lithuania cho phép người sử dụng liên lạc với "cánh cổng" còn lại, được đặt ở Ba Lan. Ảnh: Vilnius Tech LinkMenų fabrikas. |
Dự án được phát triển trong 5 năm bởi các kỹ sư tại trung tâm LinkMenų fabrikas, thuộc Đại học Kỹ thuật Vilnius Gediminas (Lithuania). Benediktas Gylys, Chủ tịch Quỹ Benediktas Gylys, là người đề xuất ý tưởng cho rằng "cánh cổng" tạo ra cầu nối giao tiếp cho con người.
Theo Gylys, nhận thức hạn chế về con người và thế giới là nguyên nhân gây ra những thách thức mà nhân loại đang đối mặt, bao gồm bất đồng xã hội và biến đổi khí hậu.
"Đó là lý do chúng tôi đưa 'cánh cổng' vào đời sống. Đây là cầu nối thống nhất, thúc đẩy con người vượt qua định kiến và những bất đồng đã là quá khứ", Gylys cho biết.
Giải thích về hình tròn của "cánh cổng", đội ngũ nghiên cứu cho biết đây là "biểu tượng khoa học viễn tưởng nổi tiếng, đã được đón nhận". Theo Gizmodo, nhóm này có thể đang nhắc đến chiếc cổng Stargate trong loạt phim cùng tên, cho phép di chuyển giữa các hành tinh một cách nhanh chóng.
Giới hạn công nghệ hiện nay khiến "cánh cổng" tại Vilnius và Lublin chưa có khả năng dịch chuyển tức thời. Tuy nhiên, ý tưởng kết nối người dân tại các khu vực khác nhau được cho là mang tính thực tế cao.
Khi con người thấu hiểu nhau hơn, đội ngũ phát triển "cánh cổng" hy vọng có thể giúp xã hội phát triển bền vững.
Nhóm phát triển cho biết đang có kế hoạch lắp đặt nhiều "cánh cổng" tương tự tại các thành phố châu Âu khác, bao gồm Reykjavik (Iceland) và London (Anh).