Nếu theo dõi các phim khoa học viễn tưởng, ta có thể thấy những phi hành gia ngủ đông trong khoảng thời gian dài để đến được các thiên hà xa xôi. Theo lập luận của những nhà làm phim, buồng ngủ đông là một công cụ hiệu quả cho việc du hành vũ trụ. Nhưng liệu nó có thể hoạt động đúng cách trong thực tế?
Một nỗ lực nghiên cứu mới đây của Cơ quan vũ trụ châu Âu đã cho thấy rằng nếu có thể khiến công nghệ này hoạt động như trên phim ảnh, việc khám phá vũ trụ sẽ trở nên khả thi. Lợi ích từ việc sử dụng các buồng ngủ đông là đáng kể, bao gồm tạo điều kiện cho các phi hành đoàn có thể dùng tàu vũ trụ kích thước nhỏ hơn.
Các buồng ngủ đông xuất hiện nhiều trong các tác phẩm điện ảnh về du hành vũ trụ. Ảnh: Cinema1554. |
Khi du hành ngoài không gian, vấn đề về môi trường sống của phi hành gia là khá nan giải. Trong khoảng thời gian dài từ vài năm trở lên trong phi thuyền, những nhà du hành cần có không gian riêng để sinh hoạt, tập luyện thể thao và thư giãn.
Điều đó khiến cho tàu vũ trụ phải được thiết kế thêm nhiều phòng ốc để đáp ứng nhu cầu của con người, gây ra sự bất tiện. Đó là chưa kể đến sự tốn kém chi phí của lương thực, nhu yếu phẩm mang theo và hàng tá vấn đề khác như thay đổi trọng lực, bức xạ không gian.
Các phi hành gia phải sinh hoạt trên phi thuyền trong khoảng thời gian rất dài. Ảnh: Smithsonian. |
Nhưng khi sử dụng các buồng ngủ đông, những nhà du hành vũ trụ đã có thể giải quyết được nhiều bài toán khó. Họ có thể yên vị trong trạng thái ngủ đông suốt cả quãng đường bay dài hơi mà không phải quan tâm về sinh hoạt, từ đó tiết kiệm không gian trong phi thuyền và chi phí lương thực.
"Chúng tôi nghiên cứu làm sao để đặt các phi hành gia vào trạng thái ngủ đông an toàn nhất, những trường hợp khẩn cấp nào có thể xảy ra và ngủ đông sẽ ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của con người", Robin Biesbroek từ Cơ quan vũ trụ châu Âu chia sẻ. "Cuối cùng chúng tôi đã kết luận bằng bản phác thảo một môi trường tàu vũ trụ áp dụng các buồng ngủ đông và sẽ giúp các phi hành gia đến được sao Hỏa trong 20 năm".
Chiếc tàu vũ trụ với công nghệ buồng ngủ đông sẽ có kích thước nhỏ hơn nhiều so với phi thuyền thông thường và tiện lợi, đỡ tốn kém hơn cho những chuyến khám phá không gian.
Buồng ngủ đông có thể là tương lai của khám phá vũ trụ. Ảnh: Bgr. |
Tuy vậy, việc áp dụng trạng thái ngủ đông (làm chậm quá trình trao đổi chất đến 75%) cho con người vẫn đang được khoa học nghiên cứu nên ý tưởng du hành vũ trụ bằng cách thức này hiện chưa thể khả thi. Nhưng trong tương lai, với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, con người khám phá được vũ trụ rộng lớn sẽ không còn là ước mơ.