Dẫn nguồn tin từ Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), trang Zalo “Bộ Y tế” cho biết có rất nhiều kiểu lừa đảo trực tuyến được phát hiện trong thời gần đây.
Đơn cử, kẻ xấu giả mạo danh là nhân viên y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về cập nhật tình hình lây nhiễm của Covid-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ đánh cắp.
Người dân tìm và quan tâm trang Zalo của địa phương nơi mình sinh sống để nhận những thông tin chính thống được cập nhật hàng ngày. |
Lợi dụng tâm lý hoảng loạn lo sợ lây nhiễm Covid-19, các tổ chức lừa đảo còn sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vaccine; lừa nạn nhân hoặc tuyên truyền các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng.
Đặc biệt, các nhóm này còn giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện mạo nhận là đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi Covid-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó.
Mặt khác, các tổ chức lừa đảo lập các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng như đã thỏa thuận.
Lực lượng chức năng thu giữ lô que xét nghiệm Covid-19 không có hóa đơn, chứng từ. Nguồn ảnh: Zalo Bộ Y tế. |
Trang Zalo Công an tỉnh Hải Dương thông tin thêm, các tổ chức lừa đảo còn mạo danh các nhãn hàng lớn, gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng,… nhằm lừa đảo, chiếm tài sản người dùng, xâm nhập hệ thống của các doanh nghiệp, tổ chức.
Dụ dỗ nạn nhân quyên góp cho các quỹ từ thiện lừa đảo, mạo nhận là giúp đỡ đồng bào, hay khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo Công an quận Tân Phú, TP.HCM, những thông tin này đã gây ra những bất ổn về an ninh, trật tự xã hội thể hiện rất rõ trong thời gian qua khiến người dân hoang mang, đổ xô đi vào cửa hàng, siêu thị tích trữ hàng hóa, lương thực thực phẩm để “phòng chống dịch bệnh lâu dài” dẫn đến hệ lụy về việc thổi giá, tăng giá, đầu cơ hàng hóa.
Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, người dân cần tự nâng cao cảnh giác, theo dõi những kênh chính thống để tránh mất mát và hoang mang. Người dân có thể tìm và quan tâm các trang Zalo chính thức của địa phương mình sinh sống, nhấn chọn “Quan tâm” để cập nhật tin tức chính thống về dịch bệnh Covid-19 trên các kênh này.