Triều cường tại TP.HCM có khả năng sẽ dâng cao từ ngày 15 đến 18/10. Dự báo đây là kỳ triều cao trong năm với mức rủi ro cấp độ 3, người dân cần đề phòng ngập lụt ở khu vực trũng, thấp.
Mực nước sáng 15/10 trên sông Sài Gòn tại Phú An và Nhà Bè đạt mức 1,42-1,43 m (xấp xỉ báo động 2).
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên nhanh trong những ngày tới. Đỉnh triều xuất hiện lúc 17-19h, đặc biệt vào ngày 18 và 19/10.
Cùng với triều cường, thời tiết khu vực Nam bộ trong 3 ngày tới có mưa, mưa rào, nhiều nơi mưa lớn.
Mưa lớn kéo dài gây ngập nhiều tuyến đường tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trong các ngày 19-20/10 và 23-25/10, lượng mưa giảm, khối không khí lạnh tiếp tục suy yếu. Chiều tối, TP.HCM có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông, người dân cần đề phòng khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét và gió giật mạnh.
Ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, nhận định dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông khả năng sẽ mạnh dần và đổ bộ vào các tỉnh Trung Trung Bộ (Đà Nẵng - Bình Định).
Dự báo dải hội tụ nhiệt đới có phần suy yếu vào ngày 18. Đến 21/10 vùng thấp ở phía bắc Philippines đi vào Biển Đông, nhiều khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới - bão.
Theo chuyên gia, dù áp thấp nhiệt đới đang đi về phía đất liền các tỉnh Trung Bộ nhưng có những vùng hội tụ ẩm ngay trên khu vực Nam Bộ gây mưa nhiều, kèm theo dông, lốc, gió giật.
Theo ông Quyết, mưa to kết hợp thời kỳ mực nước triều lên cao gây ngập, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt. Những nơi hay bị ngập cần kê cao đồ dùng, nhất là thiết bị điện, khi nước ngập tràn vào nền nhà cần ngắt điện lưới để đề phòng điện giật.
"Người dân hạn chế ra đường khi trời mưa to, dông sét. Đồng thời không để trẻ em tắm mưa, không cố đi trên đường ngập nhất là đoạn có nước chảy xiết", ông Quyết cảnh báo.