Ngày 14/8, Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã phát đi cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo liên quan đến những giao dịch mua bán lan đột biến gene.
Theo Công an tỉnh này, thời gian qua một số huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh đã diễn ra những giao dịch, mua bán hoa lan “đột biến gen” với giá trị từ vài chục triệu đến hàng chục tỷ đồng.
Hầu hết cuộc mua bán, trao đổi đều diễn ra công khai và được quảng bá, livestream rộng rãi trên các trang mạng xã hội. "Tuy nhiên, những thông tin về các cuộc giao dịch này thường rất mập mờ, thông tin về người bán và người mua không được kiểm chứng", Công an tỉnh Bình Phước cho hay.
Không chỉ thông tin mập mờ mà giá trị hoa lan cũng được định giá tự do, không có căn cứ, cơ sở pháp lý. Theo Công an tỉnh, điều này sẽ là cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng “thổi giá”, gây hấp dẫn giả tạo để dụ người mới chơi lan tham gia.
Ngày 10/6, một cây lan 5 cánh trắng Bảo Duy được quảng bá chuyển nhượng thành công với giá 9,9 tỷ đồng tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: NSV. |
Công an tỉnh Bình Phước cho biết việc “thổi giá lan đột biến gen” đã được các nhóm đối tượng chuẩn bị, lên kế hoạch rõ ràng và có hệ thống. Ví dụ, các đối tượng trong một nhóm thổi phồng giá trị của loại cây này, khi người mua tìm đến họ sẽ dẫn dụ để người mua đầu tư và sẵn sàng giới thiệu cho người mua lại (cũng là đối tượng trong nhóm) với giá cao hơn quá trình mua đi bán lại nhiều lần. Đến khi giá đạt điểm, người nào không biết hoặc hám lợi chạy theo mua thì nhóm này rút, không mua lại nữa.
Hậu quả là người mua cuối cùng đã bỏ ra số tiền lớn để mua nhưng không bán được cho ai, hoặc trong trường hợp khác, việc giao dịch, mua, bán, trao đổi chỉ là hình thức, diễn ra giữa các đối tượng trong cùng một nhóm. Đến khi bán được cho người ngoài nhóm thì các đối tượng này ăn chia, hưởng lợi.
Bên cạnh đó, việc mua, bán với số tiền giao dịch lớn, không có sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước, đang có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật.
Do vậy, Công an tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân nếu thực sự có nhu cầu mua mặt hàng này cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, nơi bán trước khi mua.
Nếu phát hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng, kịp thời cung cấp thông tin với chính quyền địa phương và cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2020, Công an tỉnh Tuyên Quang cũng đã có văn bản cảnh báo người dân về những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ trên địa bàn. Công an tỉnh này nhận định các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng, trao đổi hoa lan đột biến như trên là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hệ lụy lớn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và gia tăng các loại tội phạm, gây mất ổn định xã hội.
Một mầm tách từ chậu lan đột biến "Huyền thoại bướm đại ngàn" được bán với giá 15 tỷ đồng vào tháng trước. Ảnh: Chính Trương. |
Mới đây, Công an huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đã tiến hành tạm giữ 11 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán lan Phi Điệp đột biến trên địa bàn.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, đã có hàng chục nạn nhân bị lừa đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước với tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Chia sẻ về tình trạng "sốt" lan đột biến gần đây, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội cho biết lan đột biến có số lượng rất ít, giá lên đến trăm triệu, tiền tỷ là có nhưng đến hàng chục tỷ thì cần xem lại. Bởi rất có thể đây là hành động nâng giá ảo, nhằm mục đích tạo “sóng” và làm tăng giá trị lan đột biến một cách bất hợp lý.
"Tình trạng này đang làm mất đi tính ổn định, cân bằng của thị trường và có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế", vị này đánh giá. Theo ông Nguyên, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc, thanh tra, kiểm tra các giao dịch.