Hơn 10 ngày qua, đường Lê Văn Tám đã 2 lần bị ngập sâu hơn 1 m. |
Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc vừa phối hợp với các cơ quan chức năng và các xã, phường kiểm tra, rà soát những khu vực, vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập úng trên địa bàn.
Kết quả kiểm tra cho thấy TP Bảo Lộc có tới 54 vị trí, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn.
Cụ thể, có 20 khu vực, vị trí tại các phường Lộc Sơn, Lộc Tiến và các xã Lộc Nga, Đại Lào, Đam B’ri nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Trong đó, một số điểm đã xảy ra sạt lở và có nguy cơ tiếp tục sạt lở nguy hiểm như thôn Ánh Mai 1 (xã Lộc Châu); đường vào Thủy điện Đam B’ri cùng một số vị trí trên đường Lý Thái Tổ, Trần Tế Xương, Phó Đức Chính, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Viết Xuân (xã Đam B’ri).
Mặt khác, 34 khu vực, vị trí nguy cơ cao xảy ra ngập úng, ngập lụt khi có mưa lớn kéo dài, tập trung tại các phường 1, 2, B’Lao, Lộc Sơn và các xã Đại Lào, Lộc Châu.
Tình trạng ngập lụt xảy ra nghiêm trọng nhất ở các tuyến đường Lê Văn Tám, Ký Con (phường 2); đường Hà Giang và các hẻm thuộc địa bàn phường 1, phường Lộc Sơn gần suối Hà Giang.
Lực lượng chức năng giăng dây cảnh báo người dân không lưu thông qua khu vực nguy hiểm. |
Những nơi có suối Đại Lào và sông Đại Bình chảy qua như các xã Đại Lào, Lộc Châu và phường B’Lao có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét khi mưa lớn kéo dài.
Theo UBND TP Bảo Lộc, hơn 10 ngày qua, trên địa bàn thành phố xảy ra mưa lớn làm sạt lở đất và ngập úng một số nơi, đã có thương vong về người, thiệt hại về tài sản.
Dự báo trong thời gian tới tiếp tục có hiện tượng mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó tình hình thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của tổ chức, cá nhân, UBND TP Bảo Lộc chỉ đạo các ban ngành chức năng chủ động theo dõi diễn biến thời tiết để tuyên truyền, phổ biến đến người dân chủ động phòng ngừa mưa lũ có hiệu quả.
Các ban ngành chức năng phải chuẩn bị lực lượng, phương tiện và các phương án theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý các tình huống khẩn cấp do mưa lũ gây ra, tránh bị động bất ngờ.
Tình trạng ngập lụt khiến việc lưu thông trên đường rất khó khăn, nguy hiểm. |
UBND các phường, xã có phương án chủ động tổ chức sơ tán người dân trong vùng nguy hiểm; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ đầu; thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp đào, múc đất trái quy định, nhất là trong thời điểm mùa mưa.
Mặt khác, tuyên truyền cho các hộ gia đình chủ động tự kiểm tra, thực hiện việc gia cố, sửa chữa các vị trí có nguy cơ sạt lở đất và di dời ngay người và tài sản đến nơi ở mới nếu có nguy cơ mất an toàn.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố cùng các doanh nghiệp phải tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công, hồ, đập thủy điện, công trình khai thác khoáng sản…; thực hiện việc gia cố, sửa chữa những vị trí có nguy cơ mất an toàn; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết, sẵn sàng xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.