Thiệt hại ở Swannona, North Carolina hôm 28/9. Ảnh: New York Times. |
Chưa đầy 2 tuần sau khi bão Helene - bão cấp 4 trong thang cảnh báo 5 cấp của Mỹ - đổ bộ bờ biển Florida, một cơn bão khác lại quét qua bang này hôm 9/10.
Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, bão Milton mạnh lên thành bão cấp 5 hôm 7/10, và giảm xuống cấp 3 khi tấn công bờ biển vịnh Florida. Guardian trích lời các quan chức liên bang cho biết đây là cơn bão mạnh thứ 3 trong lịch sử Mỹ.
Các chuyên gia nhận định hiện tượng bão “kép” sẽ ngày càng phổ biến trong tương lai, khi cuộc khủng hoảng khí hậu không được giải quyết. Điều này làm phức tạp thêm công tác chuẩn bị ứng phó và phục hồi sau bão, gây sức ép lên các nguồn lực, thiết bị, công nghệ, lưới điện địa phương, cũng như lên người dân và cộng đồng.
Hệ lụy từ bão chồng bão
Theo CNN, tính riêng trong năm 2024, đã có tới 3 cơn bão đổ bộ vào Florida, gồm Francine, Helene và Milton. Tính từ năm 1871, chỉ có 5 mùa bão (2005, 2004, 1964, 1886 và 1871) Florida chứng kiến điều tương tự. Florida chưa từng đón hơn 3 cơn bão trong một năm.
Hàng triệu người Florida đã sơ tán, với lệnh bắt buộc được ban hành tại một số hạt, trong đó có hạt Hillsborough thuộc Tampa. Nhiều khu vực của Florida vẫn còn chất đống đồ gia dụng hỏng hóc, đồ đạc vỡ thành từng mảnh do bão Helene hoành hành. Giới chức nỗ lực xử lý tàn tích từ bão Helene trước khi gió mạnh từ bão Milton cuốn bay các mảnh vỡ và gây thương tích. Họ cũng kêu gọi người dân cùng chung tay dọn dẹp.
Thống đốc Ron DeSantis đã yêu cầu các đơn vị quản lý tình trạng khẩn cấp và giao thông của Florida dọn dẹp đống đổ nát. Có khoảng 4.000 lính vệ binh quốc gia cũng chung tay vào nỗ lực này. Thậm chí, Sở quản lý tình trạng khẩn cấp của bang còn thành lập một căn cứ tại Tropicana Field ở St Petersburg để hỗ trợ các hoạt động này.
Biến đổi khí hậu khiến các hình thái thời tiết ngày càng phức tạp và khó lường. Ảnh: New York Times. |
Các cơn bão đổ bộ liên tiếp gây sức ép cho Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Mỹ (Fema). Đơn vị đã cử hơn 1.500 nhân sự đến khu vực phía đông nam để hỗ trợ ứng cứu hậu bão Helene.
Trên mạng xã hội, nhiều người lan truyền thông tin sai lệch rằng Fema đã rút cạn ngân sách. Cơ quan này bác bỏ và khẳng định họ có đủ kinh phí để giải quyết những nhu cầu cấp thiết cho các nạn nhân của Helene. Fema cũng lưu ý Quốc hội gần đây đã phê duyệt bổ sung thêm tiền vào quỹ phục hồi thảm họa. Theo công ty Moody's Analytics, thiệt hại từ bão Helene có thể lên tới 34 tỷ USD.
“Chúng tôi đảm bảo với người dân rằng chúng tôi có đủ nguồn lực ứng phó với cả Helene và Milton”, Keith Turi - quyền quản trị viên phụ trách ứng phó và phục hồi của Fema - nói với các phóng viên hôm 7/10.
Tuy nhiên, các quan chức liên bang cảnh báo nguồn tài trợ của Fema cho các nỗ lực phục hồi thảm họa dài hạn đang cạn kiệt, và Milton khiến những thách thức này càng trầm trọng.
Quốc hội Mỹ đang tạm dừng hoạt động cho đến sau ngày bầu cử 5/11 để tập trung vào các chiến dịch tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden cho biết ông có thể kêu gọi các nhà lập pháp họp để phê duyệt thêm nguồn tiền.
Chính quyền địa phương hay các nhóm hỗ trợ, tổ chức từ thiện và tổ chức tư nhân cũng gặp áp lực khi thiên tai liên tiếp xảy ra.
“Số lượng người dọn rác, sửa chữa hạ tầng, sửa mái nhà và hệ thống ống nước tại một khu vực rất hạn chế”, Sarah Labowitz - chuyên gia về thảm họa tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế 0 cho biết. “Giới chức có thể kêu gọi sự giúp đỡ từ những khu vực khác, những nơi không bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nếu bão chồng bão, số người mất nhà cửa, không có điện sẽ tăng lên”.
Một khó khăn khác chính là quản lý chi phí bảo hiểm.
“Thị trường bảo hiểm, vốn chịu sức nặng từ các thảm họa thiên tai, khả năng cao sẽ tiếp tục đứng dưới sức ép yêu cầu bồi thường từ những cơn bão dồn dập này”, Rachel Cleetus - Giám đốc về chính sách khí hậu và năng lượng tại tổ chức Union of Concerned Scientists - nhận định.
Nền kinh tế địa phương, hệ thống chăm sóc sức khỏe và mạng lưới xã hội cũng bị ảnh hưởng. Một phân tích công bố trên tạp chí Nature hôm 9/10 cho thấy bão có thể cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người trong những năm tới.
Các chuyên gia nhận định hiện tượng bão chồng bão sẽ ngày càng phổ biến trong tương lai. Ảnh: New York Times. |
Bảo đảm tính mạng con người là trên hết
Khi Trái Đất tiếp tục nóng lên, chủ yếu do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, các cơn bão liên tiếp sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Theo một bài báo năm 2023 tại Đại học Princeton, ở một số khu vực, hiện tượng này có thể xảy ra tới ba năm một lần.
Trên thực tế, có những nơi đã chứng kiến thiên tai chồng chất. Năm 2008, một số nơi tại Louisiana đối mặt với bão Ike và Gustav. Năm 2005, người dân Louisiana đón bão Rita ngay sau cơn bão Katrina lịch sử.
Sinh sống tại Houston (Texas), bà Labowitz đã tận mắt chứng kiến những thách thức này. Hồi tháng 7, bão Beryl tấn công khu vực này, chỉ vài tuần sau một cơn bão mạnh khác. Nhiều người sống trong cảnh không có điện 2 lần trong 2 tháng, và tổn thương tâm lý cũng rất lớn, vị chuyên gia chia sẻ.
Để chuẩn bị cho nhiều thảm họa trong những năm tới, các nhà lập pháp nên tăng cường các nỗ lực phòng ngừa thảm họa và đầu tư cải thiện hệ thống dự báo thời tiết, theo bà Cleetus. Đồng thời, việc tăng cường tài trợ cho khả năng phục hồi khí hậu nhằm giữ an toàn cho cộng đồng cũng là điều tối quan trọng.
Hiện tại, mục tiêu chính là “giảm thiểu mọi khả năng mất mát về người”, ông Turi nói. “Chúng ta có thể tái xây dựng, sửa chữa, giải quyết hậu quả. Nhưng nếu không thể bảo đảm an toàn cho người dân trong những ngày này, chúng ta không thể làm được gì sau đó”, ông nhấn mạnh.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.