Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh báo chất lượng đá viên, nước đóng bình

Kiểm tra thực tế mới thấy, vấn đề chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong việc sản xuất đã viên, nước đóng bình vẫn còn rất nhiều lo ngại.

Cảnh báo chất lượng đá viên, nước đóng bình

Kiểm tra thực tế mới thấy, vấn đề chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong việc sản xuất đã viên, nước đóng bình vẫn còn rất nhiều lo ngại.

Ngày 6/6, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất đá sạch Ngọc Hường, số 85 đường Trung Văn (xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội). Đây là cơ sở khá lớn, nằm bên đường, sát ngay trụ sở Hợp tác xã Quyết Tiến và cách Ủy ban Nhân dân xã Trung Văn không xa, đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng về vấn đề đảm bảo vệ sinh trong sản xuất. Mặc dù đầu tư hệ thống máy móc sản xuất theo quy trình khép kín, nhưng điều kiện vệ sinh ở cơ sở không đảm bảo.

 
Xưởng sản xuất bẩn như… nhà kho.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, nền xưởng sản xuất nhớp nháp, túi nilon đóng bao gói đá viên thành phẩm để đầy trên mặt bàn ghế, chậu thau bụi bẩn, thậm chí rải cả dưới nền xưởng ẩm ướt. Công nhân được bố trí phòng ăn, ở ngay trong nhà xưởng, các dây quần áo treo lủng lẳng bên cạnh dây chuyền sản xuất đá rất bừa bộn, mất vệ sinh. Toàn bộ công nhân đang hoạt động sản xuất, vận chuyển đá viên thành phẩm tại nhà xưởng đều không có trang phục bảo hộ theo quy định. Đặc biệt, xưởng sản xuất đá viên dù diện tích khá chật hẹp song lại được bố trí chung với kho hàng chứa dây nẹp, dây dán, dây in, khóa sắt… mà không hề có vách ngăn cách. Anh Hà, một nhân viên của cơ sở này cho biết, cơ sở sử dụng nguồn nước giếng khoan để sản xuất đá viên. Nguồn nước này chỉ được lọc thô qua bể cát rồi đưa vào hệ thống máy lọc.

Tại thời điểm kiểm tra, do chủ cơ sở sản xuất vắng mặt nên chưa xuất trình được bất cứ hồ sơ, giấy phép hay chứng nhận nào liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trước thực trạng điều kiện sản xuất của cơ sở không đảm bảo an toàn vệ sinh, đoàn kiểm tra đã mời chính quyền địa phương xuống chứng kiến, lập biên bản tạm đình chỉ sản xuất, kinh doanh cơ sở sản xuất này, đồng thời giao thanh tra Sở, Phòng Y tế huyện Từ Liêm và chính quyền địa phương tiếp tục làm việc với đại diện cơ sở và giám sát việc tạm đình chỉ, không để cơ sở tiếp tục hoạt động trong thời gian khắc phục sai phạm. Đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu nguồn nước đầu ra và mẫu nước đá viên của cơ sở để kiểm nghiệm chất lượng. Được biết, cơ sở này đã hoạt động hơn một năm nay, vào mùa hè trung bình mỗi ngày sản xuất 7-8 tấn đá viên.

 
Bể nước giếng khoan ngay trong xưởng sản xuất.

Chớ ham của rẻ

Ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này trên địa bàn Hà Nội có 69 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền (đá viên) được công bố sản phẩm, hơn 370 cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng chai được cấp phép. Ngoài cơ sở sản xuất đá viên Ngọc Hường vừa bị tạm đình chỉ thì trước đó, qua kiểm tra, thanh tra Sở Y tế và đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP của Hà Nội cũng đã đình chỉ 2 cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng bình, chai (đều ở quận Cầu Giấy) do không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Đây đều là những cơ sở hộ gia đình, công ty tư nhân có quy mô rất nhỏ với khoảng vài lao động, cung cấp ra thị trường sản phẩm nước đóng bình với giá… siêu rẻ.

Chẳng hạn, qua kiểm tra một sở sản xuất nước đóng bình tại đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy), cơ quan chức năng đã phát hiện nước đóng bình ở đây chỉ là nước giếng khoan được xử lý qua hệ thống hết sức sơ sài. Công nhân sản xuất không hề có trang phục bảo hộ lao động theo quy định. Thậm chí, ngay cả những chủ cơ sở sản xuất nước đóng bình, nước tinh khiết cũng hoàn toàn mù tịt về quy trình sản xuất. Tuy vậy, những cơ sở này vẫn hoạt động khá sôi nổi, đắt khách do có lợi thế cạnh tranh là giá rẻ.

Mỗi bình nước 19 lít của các cơ sở này giao đến tay người tiêu dùng chỉ có giá khoảng 10.000-15.000 đồng/ bình, trong khi các sản phẩm nước đóng bình của những thương hiệu lớn, có uy tín đã được khẳng định trên thương trường như Lavie, Vital, Cawa, Miru… hiện có giá bán lẻ dao động từ 35.000-55.000 đồng/ bình 19 lít. Theo PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc trung tâm kỹ thuật ATVSTP - hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, quy trình sản xuất nước đóng bình để đảm bảo chất lượng phải có 6 bước và nếu làm đúng các quy trình này thì nước đóng bình đến tay người tiêu dùng không thể có giá trên dưới 10.000 đồng/ bình 19l lít được.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, vào mùa hè nhu cầu sử dụng nước tinh khiết đóng chai, đá viên (nước đá dùng liền) của người dân tăng cao, vì vậy, thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP, Sở Y tế đã tổ chức các đoàn thanh kiểm tra chuyên đề về hoạt động này. Mặt khác, Sở cũng đã thông báo và đề nghị các quận/huyện tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, giám sát với các cơ sở sản xuất đá viên, nước đóng chai, xử lý dứt điểm các cơ sở sai phạm.

Theo An Ninh Thủ Đô

Theo An Ninh Thủ Đô

Bạn có thể quan tâm