Cổ động viên đốt xe khi xảy ra xung đột với cảnh sát. |
Tình yêu bóng đá của người dân Indonesia rất đặc biệt. Indonesia là một trong những quốc gia hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt nhất châu Á, theo Guardian. Tuy nhiên, thảm họa ở Malang Regency, trong đó ít nhất 125 người thiệt mạng, cho đến nay không chỉ là sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, mà còn là một trong những thảm kịch lớn nhất từ trước tới nay của môn thể thao vua.
Người hâm mộ Indonesia cho rằng truyền thông quốc tế chỉ chăm chăm nhìn vào mặt tiêu cực mà bỏ qua thứ văn hoá bóng đá cuồng nhiệt vốn là đặc trưng của đất nước này. Thế nhưng, việc có mặt trên khán đài theo dõi một trận cầu ở Indonesia có thể là trải nghiệm đáng sợ đối với bất kỳ vị khách nào đặt chân tới đây.
Thảm kịch ở Indonesia vốn được cảnh báo từ trước, nhưng chưa được giới chức xử lý triệt để. Đến khi tai nạn xảy ra, mọi thứ quá muộn.
Lời cảnh báo từ trước
Sau khi câu lạc bộ Arema để thua Persebaya Surabaya với tỷ số 2-3 tối 1/10, người hâm mộ của Arema tràn vào sân. Cảnh sát xịt hơi cay nhằm dẹp loạn nhưng lại gây ra cảnh tượng giẫm đạp kinh hoàng, nhiều trường hợp thương vong vì ngạt thở, Cảnh sát trưởng Đông Java Nico Afinta cho biết.
Khung cảnh tại Malang Regency sau cuộc bạo loạn. |
Vụ bạo loạn ở Malang Regency một lần nữa khiến hooligan hay chủ nghĩa côn đồ trong bóng đá ở Indonesia thành tâm điểm chỉ trích. Trước khi thảm kịch xảy ra, tổ chức phi chính phủ Save Our Soccer (SOS), cơ quan giám sát cộng đồng bóng đá ở Jakarta, ghi nhận 70 trường hợp tử vong có liên quan đến môn thể thao vua tại Indonesia kể từ năm 1995.
Justinus Lhaksana, cựu huấn luyện viên đội tuyển futsal Indonesia, chia sẻ với Sky News: "Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi có thương vong về người trong các trận bóng đá. Thường thì có ít nhất một hoặc hai người chết sau một trận đấu. Tôi rất buồn khi giới chức không tìm ra giải pháp phù hợp trước khi thảm kịch xảy ra".
Ông Lhaksana khẳng định người hâm mộ ở Indonesia phá rào tràn vào sân "hầu như mỗi cuối tuần". Những cuộc xáo trộn như vậy diễn ra trong nhiều năm nhưng không có cách nào giải quyết. "Đây không phải là cuộc đụng độ giữa hai kỳ phùng địch thủ. Đây là cuộc xung đột giữa những người hâm mộ và cảnh sát", ông Lhaksana kết luận.
Chủ nghĩa bạo lực trên sân cỏ đang hoành hành ở Indonesia. Ở đó, sự cuồng tín thường kết thúc bằng những màn ẩu đả, nổi bật là cái chết của một cổ động viên Persija Jakarta vào năm 2018. Một đám đông người hâm mộ cuồng nhiệt đến từ CLB đối thủ Persib Bandung đã gây ra cái chết của CĐV xấu số này.
Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) ghi nhận 95 ca tử vong liên quan đến bóng đá kể từ năm 2005, cao hơn nhiều so với ước tính của SOS. Điều này cho thấy chủ nghĩa côn đồ trong bóng đá tồn tại trên hầu hết khán đài ở Indonesia. Thế nhưng, bất chấp những con số đáng báo động này, giới chức chưa thật sự nghiêm túc xem xét để đưa ra các giải pháp hạn chế bạo lực.
Cổ động viên hung hãn
Cảnh sát trưởng Malang Ferli Hidayat cho biết có khoảng 42.000 khán giả có mặt tại trận đấu hôm 1/10. Đáng chú ý, tất cả đều là người hâm mộ của CLB Arema. Ban tổ chức cấm người hâm mộ Persebaya vào sân để tránh rắc rối. Thế nhưng, điều đó không thể ngăn những cái đầu nóng.
Cảnh sát gần như bất lực trước sự hung hãn của CĐV Indonesia. |
Bộ trưởng Thể thao Indonesia Zainudin Amali bày tỏ sự tiếc nuối khi "thảm kịch xảy ra ngay thời điểm chúng tôi đang chuẩn bị cho các sự kiện bóng đá quốc tế". Indonesia dự kiến đăng cai U20 FIFA World Cup 2023, với 24 đội tham dự.
Với tư cách là chủ nhà, Indonesia sẽ có suất tham dự giải. “Thật không may, sự cố này chắc chắn đã tác động xấu tới hình ảnh của chúng tôi,” ông Amali nói.
Cảnh sát trưởng East Java Nico Afinta phát biểu trong cuộc họp báo sau sự cố: "Chúng tôi thực hiện hành động ngăn chặn và bắn hơi cay khi những người hâm mộ bắt đầu tấn công cảnh sát. Họ có những hành động vô chính phủ và đốt cả xe".
Theo Guardian, các nhà chính trị và giới chức ở Indonesia coi bóng đá là công cụ cho mục đích riêng thay vì thật sự quan tâm đến cách nó hoạt động như thế nào. Nurdin Halid từng ngồi tù vì tội tham nhũng vào năm 2007 nhưng vẫn được phép làm Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá của quốc gia này.
Năm 2015, FIFA cấm Indonesia tham dự mọi hoạt động bóng đá vì những bất ổn trong nước. Khi lệnh cấm được dỡ bỏ một năm sau đó, không có nhiều thay đổi. Chính quyền không, hoặc không thể, lập kế hoạch phù hợp và có rất ít nỗ lực để tổ chức các trận đấu sao cho hiệu quả.
Mất mát to lớn và bi thảm này cuối cùng có thể dẫn tới sự thay đổi về mặt thái độ của tất cả bên liên quan: Chính phủ, liên đoàn thể thao và lực lượng an ninh, cũng như chính người hâm mộ. Tuy nhiên, vào lúc này, cả một đất nước đang thật sự than khóc.
Thảm kịch hôm 1/10 sẽ được nhớ đến như là một trong những sự kiện đen tối nhất trong lịch sử bóng đá Indonesia.