“Hổ vồ” tràn lan
Những ngày gần đây, dọc đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) xuống Phố Nối (Hưng Yên), cửa hàng xe tải Trung Quốc mọc lên san sát. Những cái tên phiên âm nghe hoành tráng, như: Dongfeng, Howo (thường gọi là “Hổ vồ”), Sinotruk, FAW, JAC, Chenglong hay các xe đầu kéo, xe chuyên dụng có nguồn gốc Trung Quốc chiếm tương đối.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, ba cái tên Chenglong, Dongseng, Howo… chiếm phần lớn số lượng xe tải nhập về trong 4 tháng vừa qua.
So với trước, các nhà nhập khẩu xe tải Trung Quốc đã chủ động thay đổi thiết kế phù hợp với quy định trọng tải khắt khe của Việt Nam. Tuy nhiên, giám đốc kỹ thuật hãng ôtô chuyên lắp ráp xe tải cho rằng, những thiết kế về gầm xe, trục kéo… của các loại xe này vẫn không hợp với đường sá Việt Nam và “xuống mã” nhanh.
“Điều đó đồng nghĩa xe Trung Quốc vào ồ ạt, nhưng chưa hẳn đã trụ được lâu”, vị này nhận định. Ngoài ra, các nhà phân phối chỉ chú trọng bán hàng, không có dịch vụ cung cấp linh kiện thay thế chính hãng.
Xe tải Trường Giang Đông Phong, Trung Quốc nhập về Việt Nam. |
Cách đây hơn một thập kỷ, xe máy Trung Quốc sau đó là ôtô con Trung Quốc cũng đổ bộ Việt Nam. Nhưng rồi, tất cả dần biến mất, vì chất lượng kém và bị người tiêu dùng tẩy chay.
Giữa năm 2013, xe con thương hiệu Anh (hãng ôtô Nam Ninh - Trung Quốc mua lại) MG rầm rộ mở cửa hàng hoành tráng tại 68 Lê Văn Lương (Hà Nội), nhưng nay không còn tồn tại.
Bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch HĐTV công ty TNHH Tư vấn thuế C&A cũng đánh giá: “Hàng hóa cho vào nội địa, nhưng đôi khi không bán được, khó trụ vững vì chất lượng không bền. Xe máy trước đây là một ví dụ”.
Đánh đổi gì?
Sở dĩ có hiện tượng xe tải Trung Quốc nhập khẩu tăng vọt do Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2015-2018, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 với nhiều ưu đãi thuế cho mặt hàng này. Kỹ sư cơ khí Bùi Văn Huyên (Chủ tịch công ty CP Ôtô Vinaxuki) cho rằng: "Chính sách ưu đãi thuế đẩy ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đi vào ngõ cụt".
Ông đưa ra ví dụ về 2 nhà máy lắp ráp xe tải tại Thái Nguyên và Thanh Hóa của đơn vị. Ngay khi vừa đưa vào sử dụng, thuế nhập khẩu xe tải giảm xuống làm các nhà máy đó không thể cạnh tranh nổi và hiện gần như đóng cửa.
Bà Đặng Thị Bình An cho rằng, nguyên tắc ký hiệp định thương mại song phương là phải đánh đổi. “Anh cho tôi hàng này xâm nhập, tôi cho anh mặt hàng khác. Không thể một nước nào xin cái gì cũng cho vào, bao giờ cũng đánh đổi và đàm phán kéo dài hằng năm”, bà An nói.
Vị này phân tích thêm, để đánh giá việc mặt hàng ngoại xâm nhập thị trường nội ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế, cần có cái nhìn tổng thể hoạt động xuất nhập khẩu.
“Kim ngạch thu được từ các hoạt động mở cửa, ưu đãi hàng hóa phải tương ứng để đảm bảo quyền lợi hai bên. Không thể nói tại ký hớ, cho hàng người ta vào ồ ạt. Nên để sự việc vào tổng thể mới đánh giá hơn thua. Có thể mình mất cái này, nhưng mình được cái khác chiếm lĩnh thị trường họ”, bà An nói.
Xe tải Trung Quốc nhập khẩu tăng vọt do Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2015-2018, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 với nhiều ưu đãi thuế cho mặt hàng này.
Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2015, lượng xe tải nhập về tăng 93,6%, chiếm gần 1/3 tổng số ôtô nhập khẩu nguyên chiếc. Trong đó, xe xuất xứ từ Trung Quốc tăng đột biến với 8.860 chiếc, tăng 289% vươn lên đứng đầu (cả năm 2014, số xe tải nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ 10.117 chiếc).
Xe tải Trung Quốc về nước chủ yếu qua đường bộ tại Lạng Sơn, Quảng Ninh và đường thủy Hải Phòng. Riêng tại Lạng Sơn, quý 1/2015, lượng xe tải nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc xấp xỉ 3.000 chiếc, tăng gần gấp 6 lần so với con số 527 chiếc cùng kỳ năm trước.