Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rời Nga ngày 26/4 sau thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Những cái bắt tay nồng ấm, lễ nghi nghiêm cẩn và bữa tiệc thịnh soạn, hai nhà lãnh đạo thể hiện sự gắn kết như thông điệp ngầm tới Washington. Đằng sau tất cả, cả hai đều có những tính toán chính trị riêng, theo bình luận của Nikkei Asian Review.
Trước khi về nước, ông Kim tới đặt vòng hoa tưởng niệm lính tử trận trong Thế chiến II, như gợi lại lịch sử cùng chiến đấu của hai quốc gia. Kim Nhật Thành - ông nội Kim Jong Un và là nhà sáng lập đất nước Triều Tiên hiện đại - từng phục vụ trong quân đội Liên Xô trong thế chiến, và Moscow sau đó đã giúp giải phóng Triều Tiên khỏi ách thống trị của Nhật Bản.
Cái bắt tay ngầm nhắm tới Mỹ
Vì đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Triều Tiên tới Nga sau tám năm, hai ông đều đặc biệt muốn thể hiện sự ấm lại trong quan hệ truyền thống.
Sau khi ông Kim và ông Putin trao đổi các thanh kiếm nghi lễ làm quà tặng sau cuộc gặp ngày 25/4, ông Putin cũng trao ông Kim một đồng xu, và nói phong tục của người Nga là "trả tiền" khi nhận quà là đồ vật sắc nhọn để tránh xung đột trong tương lai.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trao đổi các thanh kiếm nghi lễ làm quà tặng sau cuộc gặp ngày 25/4. Ảnh: AP. |
Việc thể hiện nồng ấm được phối hợp ít nhất là nhắm tới một đối tượng là nước Mỹ.
Washington giáng các lệnh trừng phạt lên Nga sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014, và chính quyền Trump năm ngoái đã thông báo sẽ hủy một hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/4 nói ông đánh giá cao bình luận của ông Putin sau cuộc họp về ủng hộ phi hạt nhân hóa Triều Tiên. "Tôi nghĩ rằng họ mong muốn Triều Tiên sẽ đi đến một thỏa thuận," ông Trump nói.
Ông Kim nói với ông Putin tình hình bán đảo Triều Tiên "đang đứng trước thời khắc quan trọng, và có thể quay về vạch xuất phát sau khi Mỹ đã có thái độ đơn phương với ý đồ không tốt" tại hội nghị thượng đỉnh tháng hai tại Hà Nội giữa ông Kim với Trump.
KCNA cũng cho biết hai lãnh đạo đã đồng ý "tăng cường hợp tác chiến lược để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực". Nhưng hai bên đều không công bố thỏa thuận cụ thể nào sau cuộc gặp.
Lãnh đạo Kim Jong Un đến đặt vòng hoa ở một đài tưởng niệm hải quân ở Vladivostock, Nga ngày 26/4. Ảnh: Reuters. |
Các tính toán về nghi thức
Cuộc gặp cũng là ván cờ quyền lực một cách tinh tế giữa ông Putin và ông Kim. Hai lãnh đạo ban đầu có kế hoạch dùng bữa tối hôm 24/4 sau khi ông Kim đến Nga, nhưng ông Putin đến nơi muộn một ngày, và bữa tối bị lùi lại đến sau cuộc gặp chính thức.
Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Putin - người nổi tiếng hay trễ hẹn với các nguyên thủ, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Nữ hoàng Anh Elizabeth II, và Tổng thống Trump - lần này đã đến tới trước ông Kim nửa giờ. Truyền thông Hàn Quốc suy đoán rằng lãnh đạo Triều Tiên cố tình xuất hiện sau tổng thống nước chủ nhà để bảo toàn danh dự cho mình.
Về mặt địa điểm, ông Putin đã di chuyển qua bảy múi giờ để tới cuộc gặp tại Vladivostock, ở vùng viễn đông nước Nga. Nhờ vậy, ông Kim đã không phải đi chuyến tàu hơn 19.000 km đến Moscow như cha mình, theo NBC News.
Tiếp đón ông Kim một cách long trọng, bao gồm việc xây dựng lại ga tàu hỏa để xe limousine của ông Kim có thể lăn bánh xuống, và thiết đãi sơn hào hải vị, ông Putin dường như nhắm đến việc ông Kim vốn thích sự trịnh trọng, NBC News nhận định.
Ông Putin muốn cho ông Kim thấy thêm các khả năng hợp tác khác, không chỉ với Mỹ. So với ông Trump, ông Putin có nhiều quyền lực hơn trong các quyết sách, không bị thách thức, điều tra bởi Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát, hay đứng trước nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử chỉ còn cách một năm rưỡi.
Ông Putin đã tiếp đón ông Kim một cách long trọng để cho thấy lợi ích của Triều Tiên trong việc hợp tác với Nga. Ảnh: KCNA. |
Đàm phán sáu bên có trở lại?
Hai lãnh đạo cũng báo hiệu quan điểm khác nhau về phi hạt nhân hóa. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp, ông Putin nói tái khởi động các vòng đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa sẽ "có ý nghĩa lớn" để quốc tế đảm bảo an ninh cho chính quyền ông Kim. Đàm phán sáu bên như vậy có lợi cho ông Putin vì sẽ đảm bảo Moscow được tham gia vào quá trình này.
Dù ông Kim nói cần phải "tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán nhiều bên" trong bài phát biểu trong nước vào đầu năm nay, truyền thông Triều Tiên không đề cập đến ý này khi đưa tin về chuyến thăm, cho thấy đàm phán song phương với Mỹ vẫn là ưu tiên của Bình Nhưỡng. Giới phân tích nhận định Triều Tiên sẽ không dễ chấp nhận gợi ý đàm phán sáu bên của Moscow, vì thêm nhiều bên sẽ làm phức tạp tình hình.
Trong nỗ lực phá vỡ bế tắc với Washington, ông Kim đặt ra hạn chót đàm phán trong bài phát biểu gần đây trước cơ quan lập pháp Triều Tiên, nói rằng "chúng tôi sẽ kiên nhẫn và chờ đến cuối năm nay để xem Mỹ có dám quyết định một cách can đảm hay không". Ông Kim hy vọng rằng có Nga ở bên sẽ cho ông thêm sức nặng khi đàm phán được nối lại.
Phi hạt nhân hóa không phải là vấn đề duy nhất mà hai lãnh đạo Nga - Triều gửi các thông điệp khác nhau. Trong cuộc gặp song phương mở rộng, Moscow - vốn mong muốn hợp tác về đường sắt và các dự án khác - đã cử một loạt quan chức liên quan đến kinh tế. Ngược lại, phía Triều Tiên chỉ có ông Kim, một cố vấn của ông, và bộ trưởng ngoại giao.