Huawei đang dần trở thành một thế lực công nghệ đáng gờm. Ảnh: Bloomberg. |
Gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc vừa ra mắt dòng smartphone flagship đầu tiên có khả năng chạy các ứng dụng trên một hệ điều hành 100% nội địa. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, phân tách giữa hệ sinh thái công nghệ Mỹ - Trung ngày một rõ nét, Financial Times nhận định.
Hệ điều hành “thuần chủng” của Huawei
Huawei Mate 70 được phát hành vào 26/11 sẽ sử dụng HarmonyOS Next. Hệ điều hành này được Huawei kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng lớn thứ 3 trong lĩnh vực di động, bên cạnh iOS của Apple và Android của Google.
Bước tiến này là minh chứng cho việc các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm làm suy yếu Huawei không những không đạt được mục đích mà còn củng cố vị thế của công ty này. Huawei đang dần trở thành một thế lực công nghệ đáng gờm. Tháng trước, Huawei báo cáo doanh thu tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm 2024.
Ra mắt phần mềm trên dòng Mate 70 là bước tiếp nối đà phát triển phần cứng từ năm ngoái. Khi đó, Huawei đã giới thiệu dòng Mate 60 được trang bị vi xử lý tự phát triển, sản xuất nội địa. Đây là một thành tựu mà nhiều chuyên gia tại Mỹ từng cho là bất khả thi.
Chiếc điện thoại gập 3 Huawei Mate XT vừa ra mắt tháng 9. Ảnh: Bloomberg. |
Paul Triolo, chuyên gia công nghệ tại Albright Stonebridge Group, nhận xét: “Đây là một bước ngoặt quan trọng đối với Trung Quốc, được thúc đẩy bởi nỗi lo sợ rằng Mỹ có thể cắt đứt mọi nguồn cung”.
Theo Financial Times, lệnh trừng phạt năm 2019 của Mỹ đã khiến Huawei mất quyền truy cập vào Google Mobile Services. Tình thế này buộc tập đoàn phải phát triển phiên bản đầu tiên của HarmonyOS, dựa trên mã nguồn mở Android. Nhờ đó, các ứng dụng Android có thể tiếp tục chạy trên điện thoại Huawei.
Trong khi đó, các lập trình viên của Huawei âm thầm xây dựng HarmonyOS Next. Nền tảng này được cộng đồng người dùng Huawei gọi là "Harmony thuần chủng". Các nhà phát triển ứng dụng giờ đây phải viết lại mã nguồn để tương thích với hệ điều hành mới.
Huawei đã tích cực hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng chuyển đổi sang HarmonyOS Next thông qua các khóa đào tạo trực tuyến và trực tiếp từ tháng 12/2023. Theo một nhân viên kinh doanh của Huawei, công ty có đội ngũ hỗ trợ sẵn sàng để giải quyết mọi vấn đề của nhà phát triển.
“Chúng tôi đã tập trung chuẩn bị các ứng dụng được sử dụng nhiều nhất ở Trung Quốc cho lần ra mắt này”, nhân viên này chia sẻ. Hiện tại, Huawei cho biết đã có 15.000 ứng dụng và dịch vụ gốc sẵn sàng hoạt động, bao gồm các ứng dụng phổ biến như WeChat của Tencent, Taobao của Alibaba và dịch vụ giao đồ ăn Meituan.
HarmonyOS vẫn chưa hoàn thiện
Tuy nhiên, một số người dùng thử nghiệm và nhà phát triển ban đầu cho rằng hệ điều hành Next vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Một số ứng dụng quan trọng cho môi trường làm việc tại Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều ứng dụng trong số 15.000 kể trên bị báo cáo thiếu các tính năng cơ bản.
Một nhà phát triển làm việc trên ứng dụng Next cho một tập đoàn nhà nước lớn than phiền: “Chúng tôi chưa thể hỗ trợ WeChat Pay trong ứng dụng của mình. Bộ công cụ phát triển phần mềm (SDK) của Baidu cũng chưa tương thích, khiến chúng tôi không thể sử dụng dịch vụ định vị của Baidu. Đây sẽ là một vấn đề đối với dòng điện thoại mới của Huawei. Người dùng smartphone Huawei cũ nên đợi thêm rồi hãy mua mới”.
Hệ điều hành mới là cách Huawei vật lộn với các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt của Mỹ. Ảnh: Bloommberg. |
Đối với Huawei, việc tung ra một hệ sinh thái còn dang dở trên dòng sản phẩm chủ lực là một canh bạc lớn. Hãng chủ yếu cược vào lòng trung thành của người dùng để giúp thúc đẩy các nhà phát triển bắt kịp tiến độ.
Chủ tịch Huawei Eric Xu kêu gọi người dùng chấp nhận và giúp cải thiện hệ sinh thái Harmony còn non trẻ này. “Hệ điều hành và hệ sinh thái chỉ có thể phát triển thông qua sử dụng thực tế. Chỉ khi ngày càng nhiều người dùng chấp nhận và sử dụng HarmonyOS, hệ thống và các ứng dụng mới có thể cải thiện nhanh chóng và bước vào chu kỳ phát triển bền vững”, vị chủ tịch nói.
HarmonyOS hiện đã chạy trên 1 tỷ thiết bị. Một số ứng dụng phát triển cho hệ điều hành Next đang được cập nhật gần như hàng ngày. Tuy nhiên, các nhà phát triển quốc tế vẫn đang “án binh bất động”. Một khách hàng quốc tế đã nhận được báo giá 2 triệu nhân dân tệ (276.000 USD) từ một nhà phát triển Trung Quốc để xây lại ứng dụng của họ trên nền tảng Next.
Rich Bishop, giám đốc công ty AppInChina, cho rằng việc thuyết phục các nhà phát triển quốc tế tham gia sẽ là một thách thức lớn. “Huawei có cơ sở người dùng lớn nhất tại Trung Quốc, nhưng vẫn rất khó để thu hút các nhà phát triển quốc tế”, chuyên gia nhận định.
Paul Triolo tin rằng Huawei sẽ vượt qua được những thách thức ban đầu. “Đến thời điểm này, rõ ràng Trung Quốc cần một hệ điều hành riêng”, ông nói với Financial Times.
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.