Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Càng trắng càng đẹp' - nỗi ám ảnh kỳ lạ của phụ nữ phương Đông

Nhiều quốc gia coi thường nước da màu, cho rằng da sáng mới là biểu hiện của quyền lực, địa vị và sắc đẹp, dù có thuộc tầng lớp quý tộc hay bình dân.

Zing trích dịch bài đăng South China Morning Post, đề cập đến việc các nhãn hàng, thương hiệu làm đẹp "lợi dụng" định kiến màu da ở các nước châu Á, châu Phi và Trung Đông để bán các sản phẩm làm trắng da.

Các tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất thế giới thường có chung mô-típ quảng cáo như sau: Nếu chồng con không còn yêu thương, đồng nghiệp ghét bỏ hoặc tài năng của bạn bị lãng quên, hãy làm trắng da bằng sản phẩm của họ, rồi bạn sẽ trở thành trung tâm của sự chú ý.

Không có công ty nào thành công hơn Unilever, cha đẻ của kem làm trắng da Fair & Lovely, trong việc truyền tải thông điệp này khắp châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Nhờ đó, hàng triệu tuýp kem của hãng được bán ra với giá chỉ 2 USD/tuýp. Chỉ tính riêng ở thị trường Ấn Độ, mỗi năm Fair & Lovely đem lại hơn 500 triệu USD cho Unilever, theo các nhà phân tích tài chính Jefferies.

lan da trang anh 1

Một quảng cáo billboard của nhãn hiệu Fair & Lovely. Ảnh: The News Minute.

Sau nhiều thập kỷ rầm rộ quảng cáo “sức mạnh” của làn da sáng màu, một loạt các thương hiệu làm đẹp trên thế giới phải đổi tên do sự ảnh hưởng của làn sóng Black Lives Matter. Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc bùng nổ sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd.

Hindustan Unilever, công ty con của Unilever tại Ấn Độ, cho biết nhãn hiệu Fair & Lovely (tạm dịch: Trắng sáng và Yêu kiều) sẽ được đổi thành Glow & Lovely (tạm dịch: Lộng lẫy và Yêu kiều).

Unilever tuyên bố sẽ loại bỏ các từ ngữ như “trắng” và “sáng” trên bao bì sản phẩm và trong các chiến dịch marketing của tập đoàn nhằm “hướng tới một cái nhìn tổng quát hơn về cái đẹp”.

lan da trang anh 2

L’Oreal cam kết loại bỏ các từ ngữ như “trắng” và “sáng” trên các bao bì sản phẩm. Ảnh: Cosmopolitan Middle East.

Thương hiệu mỹ phẩm Pháp đình đám L’Oreal cũng có hành động tương tự. Còn tập đoàn Johnson & Johnson cho biết sẽ ngừng bán dòng sản phẩm làm trắng da của Neutrogena. Mặt khác, một số thương hiệu lớn như Olay và Shiseido lại không có kế hoạch thay đổi tên sản phẩm như các đối thủ trong ngành.

Tuy nhiên, những “chiêu trò” tiếp thị kiểu mới của những công ty, tập đoàn này chưa chắc sẽ loại bỏ được định kiến xã hội rằng “da trắng tốt hơn da đen”.

“Da trắng hơn thì đẹp hơn”

Trên thực tế, các nhà hoạt động xã hội từ lâu đã phản đối những chiến dịch marketing khuyến khích phụ nữ tẩy trắng da của Unilever.

Năm 2009, Kavitha Emmanuel sáng lập chiến dịch Dark is Beautiful tại Ấn Độ nhằm chống lại quan niệm “da trắng hơn thì đẹp hơn”.

Cô cho rằng các tập đoàn đa quốc gia như Unilever không khởi xướng nạn phân biệt màu da nhưng đã tận dụng nó để quảng cáo sản phẩm. Theo Emmanuel, điều đó làm xói mòn giá trị bản thân của nhiều cô gái Ấn Độ.

lan da trang anh 3

Nỗi ám ảnh làn da trắng sáng ăn sâu vào xã hội phương Đông từ lâu. Ảnh: Shutterstock.

Tabby Kara, chủ sở hữu Phòng khám thẩm mỹ Quốc tế Skin & Body ở Nam Phi, cho biết nhiều phụ nữ tới đây yêu cầu nâng màu da sáng lên từ 1-2 tone. “Đó là nhu cầu chung của chị em ở châu Phi, đơn giản vì xã hội nơi đây đối xử con người thông qua độ trắng sáng của làn da”, cô nói.

Từ lâu, đa số quốc gia thuộc khu vực Bắc Phi và châu Á quan niệm rằng chỉ có dân lao động nghèo mới có nước da sẫm màu.

Trong khi đó ở xã hội phương Tây, làn da rám nắng lại là biểu tượng của những người giàu có nhiều thời gian thảnh thơi tắm nắng. “Sức mạnh” của làn da trắng sáng ngày càng được củng cố hơn nữa khi một số nước trở thành thuộc địa của châu Âu trong lịch sử.

Kể từ năm 2001, hơn 1.200 sản phẩm làm đẹp sử dụng từ mibaek, tức “làm trắng da”, trên bao bì và nhãn mác, theo thống kê của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc. Chỉ tính riêng năm vừa qua, lượng mỹ phẩm mibaek được sản xuất có giá trị lên tới 283 triệu USD.

lan da trang anh 4

Hàn Quốc là một trong những quốc gia nổi tiếng về những sản phẩm và công nghệ làm trắng da. Ảnh: Freepik.

Tập đoàn Amore Pacific cho biết họ thường sử dụng từ “làm sáng da” để tôn trọng sự đa dạng văn hóa tại Mỹ khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Cùng một sản phẩm dưỡng da đó nhưng khi bán nội địa, họ không thể loại bỏ từ mibaek do luật pháp Hàn Quốc yêu cầu sử dụng thuật ngữ cụ thể để mô tả chức năng của sản phẩm làm đẹp.

Nhà hoạt động xã hội Emmanuel cho biết cô rất hoan nghênh quyết định thay đổi của các thương hiệu như Unilever và L’Oreal. Tuy nhiên, cô cũng muốn biết liệu họ có tiếp tục đóng góp vào công cuộc thay đổi định kiến xã hội về màu da hay không.

“Chúng tôi rất vui mừng khi thấy những gì đang diễn ra. Nhưng chúng tôi cũng mong được chứng kiến thêm nhiều thay đổi trong tương lai”, Emmanuel chia sẻ.

Triệu phú giàu có vướng lao lý vì thói ăn cắp vặt

Không ít triệu phú vẫn vướng vòng lao lý chỉ vì trộm cắp những món đồ gia dụng lặt vặt.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm