Cảng tàu khách Hòn Gai nằm tại vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, đối diện với Khu du lịch Bãi Cháy. Nơi đây đang có dấu hiệu dần xuống cấp và bỏ hoang do không được đầu tư và không đủ điều kiện đón khách. Cảng do công ty TNHH công nghiệp tàu thủy Cái Lân thuộc tập đoàn Vinashin đầu tư xây dựng. |
Năm 2006, thời kỳ còn cực thịnh, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) xin được nhận lại Cảng khách Hòn Gai do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ninh quản lý để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cảng khách, phục vụ việc đưa đón khách du lịch, với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 235 tỷ đồng trên diện tích hơn 16.000 m2. |
Đến năm 2008, ngành tàu biển suy thoái kéo theo Vinashin rơi vào cảnh lao đao, dự án làm cảng Hòn Gai đang thi công dở dang bị dừng vĩnh viễn sau khi hơn 109 tỷ đồng (trong đó có cả vốn vay) đã được đầu tư. |
Các hạng mục cầu cảng bị thi công dở dang rồi bỏ đó suốt hơn 15 năm qua. Sắt thép chờ ở khu vực cầu cảng phơi nắng mưa trong thời gian dài. Những trụ bê tông đóng xuống đáy biển để đỡ toàn bộ cầu cảng bị bỏ không do dự án dừng hoạt động. |
Do thi công dang dở một cầu cảng phần nên tàu thuyền không thể cập. Người dân từ trên tàu muốn lên bờ phải đi qua một cây cầu sắt bắc tạm qua các trụ bê tông. Sau nhiều năm, chiếc cầu này đã hư hỏng, không đảm bảo an toàn. |
"Mỗi lần đi qua là cả chiếc cầu đều rung lên, tôi phải lựa đi vào phần xương sống của cầu. Buổi tối ở đây không có điện nên bước ra ngoài có thể bị rơi xuống biển", một công nhân phục vụ tàu đang neo đậu ở cảng cho biết. |
Trao đổi với Zing, đại diện cảng Hòn Gai cho biết do thiết kế cho tàu cỡ lớn, tàu du lịch loại nhỏ không thể cập bến được vì thế không thể tận dụng làm bến tàu du lịch. Thiếu nguồn vốn đầu tư và không có kinh phí hoạt động, 16 lao động bao gồm cả ban giám đốc cảng không bố trí được nguồn tài chính để chi trả lương và hoạt động duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị. |
Trước năm 2019, khi chưa xuất hiện dịch Covid-19 và bến cảng khu vực Bãi Cháy chưa hoàn thành, cảng tàu khách Hòn Gai được trưng dụng để đón tàu du lịch trung chuyển từ tàu biển quốc tế vào bờ. 4 năm qua, cảng không đón được tàu nên cơ quan chức năng bao gồm biên phòng, công an, cảng vụ... đã rút toàn bộ lực lượng tại cảng đi. Ban quản lý vịnh Hạ Long cũng dừng bán vé tham quan vịnh từ bến cảng này. |
"Suốt thời gian qua, cảng trong tình trạng bỏ không, các công trình làm bằng sắt bị ăn mòn và hư hỏng nặng. Chúng tôi phải bố trí người theo dõi thường xuyên và tổ chức bơm nước để tránh pông tông không bị chìm do phần đáy bị thủng", đại diện cảng Hòn Gai cho biết. |
Không được khai thác, sử dụng các công trình phụ trợ tại khu vực pông tông như cầu thang dẫn từ tàu lên bờ, lan can... han rỉ, mục nát không thể sử dụng được. |
Hiện tại cảng chỉ phục vụ một số tàu du lịch ghé qua để tiếp nước hoặc neo đậu tạm thời, không thể khai thác đón khách. |
Để tránh lãng phí, đơn vị điều hành cảng xin ý kiến và được đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất sang kinh doanh dịch vụ. Khu vực nhà ga được tận dụng cho một đơn vị điện máy thuê lại để mở cửa hàng. |
Ngoài ra, một phần không gian sân cảng được Công ty công nghiệp tàu thủy Cái Lân cho một số hộ kinh doanh thuê mở quán bia và phục vụ ăn uống. Tuy nhiên, cuối tháng 9/2022, cơ quan chức năng TP Hạ Long đã yêu cầu các hàng quán hoạt động bên trong cảng phải đóng cửa do vi phạm quy định về trật tự xây dựng, việc cho thuê mặt bằng, cơ sở hạ tầng là sai mục đích sử dụng đối với tài sản Nhà nước. |
Vị trí cảng Hòn Gai (chấm đỏ) nằm sát cầu Bãi Cháy và đối diện Khu du lịch Bãi Cháy. Ảnh: Google Maps. |