Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và sức bật kinh tế cho Quảng Ninh

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và các công trình hạ tầng như đường cao tốc, cảng biển sẽ giúp Quảng Ninh tạo sức bật mới về kinh tế, chuyển dịch từ tăng trưởng “nâu” sang "xanh".

Cang hang khong quoc te Van Don anh 1Cang hang khong quoc te Van Don anh 2

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và các công trình hạ tầng như đường cao tốc, cảng biển sẽ giúp Quảng Ninh tạo sức bật mới về kinh tế, chuyển dịch từ tăng trưởng “nâu” sang "xanh".

Chị Đỗ Thị Châu (32 tuổi), sinh ra tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh khi hòn đảo này còn chưa có điện, chưa có cầu nối với đất liền. Cả tuổi thơ của chị gắn liền với những thửa ruộng nằm ven bờ biển, hàng hóa nhu yếu phẩm nghèo nàn, phải vận chuyển từ đất liền ra.

Dù cách trung tâm thành phố Cẩm Phả chỉ khoảng 15 km theo đường chim bay, nhiều người vẫn khó tin rằng mãi đến những năm 2000, lần lượt các xã trên đảo Cái Bầu (chiếm phần lớn diện tích huyện đảo Vân Đồn) mới có điện, và đến năm 2015 mới cơ bản hòa lưới điện quốc gia cho cả huyện Vân Đồn.

Chứng kiến Vân Đồn có cầu nối với đất liền, có điện lưới quốc gia, chị Châu không khỏi bất ngờ về sự thay đổi vượt bậc của quê hương. Rõ ràng tiềm năng, lợi thế của Vân Đồn đã từng bước được đánh thức sau những công trình hạ tầng về điện, giao thông.

Là một trong hàng trăm hộ dân tại xã Đoàn Kết phải di dời đến nơi tái định cư nhường chỗ để xây dựng sân bay, đường cao tốc, gia đình chị Châu chưa bao giờ nghĩ rằng quê hương mình lại có những công trình lớn như vậy. Những hạ tầng mang tính chất đột phá sau điện, sau cầu có thể đưa Vân Đồn và cả tỉnh Quảng Ninh có những bước ngoặt mới về kinh tế trong tương lai.

Cang hang khong quoc te Van Don anh 3

Ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, còn nhớ những ngày khó khăn khi phải đi phà ra Vân Đồn công tác. Nếu đi phà chiều, phải “nhanh chân” nếu không sẽ hết chuyến, không thể về lại được đất liền.

Chứng kiến sự thay da đổi thịt của Vân Đồn những năm gần đây, ông cho rằng tiềm năng lợi thế của huyện đảo này còn nhiều nữa, và sẽ còn được khai thác thêm. Nhìn rộng ra tỉnh Quảng Ninh, cũng ít có tỉnh thành nào mà sở hữu nhiều lợi thế như vậy. Do đó, cần phải đánh thức tiềm năng lợi thế này.

Theo ông Hưng, từ trước đến nay nhiều người chỉ biết Quảng Ninh là vùng mỏ lớn nhất cả nước. Quảng Ninh sở hữu trữ lượng than khoảng 3,6 tỷ tấn, mỗi năm cho phép khai thác 30-40 triệu tấn. Đây là một nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển của tỉnh và của cả nước.

Cang hang khong quoc te Van Don anh 4

Tuy nhiên, ông cho rằng Quảng Ninh giống như một Việt Nam thu nhỏ với rất nhiều lợi thế về vị trí, cảnh quan và cơ hội để trở thành đầu tàu kinh tế của cả đất nước. Quảng Ninh có cả núi rừng, sông ngòi, hải đảo, có biên giới, có bờ biển.

Trong số 25 tỉnh có biên giới, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh có biển với đường bờ biển dài 250 km, trong đó có 40.000 ha bãi triều và trên 20.000 ha eo vịnh, có 2/12 huyện đảo của cả nước.

Về vị trí, Quảng Ninh nằm cách không xa Hà Nội với khoảng 150 km, nằm trên vùng tam giác phát triển của Bắc Bộ là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Quảng Ninh lại có vị trí đặc biệt quan trọng tại Vịnh Bắc Bộ, có thể là cửa ngõ đường bộ hoặc đường biển của Trung Quốc với các nước ASEAN. Vùng đất này cũng nằm rất gần các trung tâm kinh tế của Trung Quốc như Quảng Đông, Hong Kong (Trung Quốc), Thâm Quyến… Điều này có thể thu hút đầu tư và du khách từ Trung Quốc đến với Quảng Ninh.

Về cảnh quan, Quảng Ninh sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng như Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Cảnh quan biển đảo của Quảng Ninh cũng rất đa dạng với vịnh Bái Tử Long, nhiều hòn đảo đẹp như Quan Lạn, Minh Châu, Cô Tô, Ngọc Vừng….

Cang hang khong quoc te Van Don anh 5

Quảng Ninh còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh khác như “sống lưng khủng long” (huyện Bình Liêu), khu di tích Phật giáo tại Yên Tử (thành phố Uông Bí), khu di tích nhà Trần (Đông Triều), đền Cửa Ông (Cẩm Phả), bãi cọc Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên)…

Để khai thác những tiềm năng lợi thế này, ông Hưng cho rằng không có cách nào khác là hạ tầng phải đi trước một bước. Giống như việc khách muốn đi thăm vịnh mà không có tàu, không có cảng thì không ai biết được vịnh Hạ Long là như thế nào.

Cang hang khong quoc te Van Don anh 6

Trong cuốn Xứ Đông Dương của vị nguyên là Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer có nhắc đến việc người Pháp đã rất băn khoăn và phân vân giữa việc chọn Quảng Ninh hay Hải Phòng làm nơi xây dựng thương cảng của mình ở miền Bắc Việt Nam.

Quảng Ninh có vùng biển thuận lợi, lòng biển sâu giúp tàu bè dễ dàng tiếp cận mà không phải nạo vét. Trong khi đó Hải Phòng có bờ biển nhiều phù sa, phải nạo vét nhiều nhưng lại gần Hà Nội hơn. Nếu xây cảng ở Quảng Ninh, người Pháp phải xây dựng nhiều cây cầu qua vùng sông ngòi dày đặc giáp ranh giữa Quảng Ninh, Hải Phòng, như vậy sẽ rất tốn kém.

Rào cản hạ tầng chính là câu chuyện khiến người Pháp chọn vùng lợi thế hơn là Hải Phòng để phát triển, bỏ quên Quảng Ninh nhiều tiềm năng. Hơn 100 năm sau, suy nghĩ về hạ tầng của Quảng Ninh đã hoàn toàn thay đổi, đã không còn khái niệm “Quảng Ninh xa Hà Nội” như trước kia.

Ngày 1/9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khánh thành cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 24,6 km với số vốn 13.000 tỷ đồng. Cao tốc này nối tiếp tuyến Hà Nội - Hải Phòng, chạy thẳng về Hạ Long với điểm nhấn là cầu Bạch Đằng. Như vậy, đi từ Hà Nội về Hạ Long chỉ mất khoảng 1 giờ 20 phút, thay vì hơn 3 giờ như trước kia.

Ngày 30/12/2018, 3 công trình hạ tầng mang tính chất bước ngoặt của Quảng Ninh cũng đồng loạt được khánh thành là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và thông tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ba công trình này có vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. 

Cang hang khong quoc te Van Don anh 7

Sân bay quốc tế Vân Đồn, cũng là sân bay đầu tiên xây dựng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân đầu tư, khai thác rồi chuyển giao cho nhà nước (BOT) được đầu tư gần 7.500 tỷ đồng bởi Tập đoàn Sun Group. Dự án được sử dụng cho mục đích dân sự và cả quân sự, hoàn thành sau chỉ hơn 2 năm thi công.

Kết nối sân bay Vân Đồn với trung tâm Hạ Long là đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Đoạn đường này cũng kết nối với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về Vân Đồn chỉ còn 2,5 giờ, thay vì 5 giờ như trước kia.

Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long, cũng là cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam, được đầu tư với số tiền 1.100 tỷ đồng. Công trình gồm cầu cảng, cầu dẫn, bến du thuyền, nhà ga hành khách, nhà công vụ. Trong đó bến cảng khách dài 406 m gồm 6 trụ neo; sảnh đón khách dài 130 m, rộng 30 m.

Trong tương lai gần, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đầu tư dự án đường cao tốc Móng Cái - Vân Đồn, nối tiếp với 2 cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và Hạ Long - Vân Đồn, dài 80,2 km, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Dự án được đầu tư với số vốn khoảng 1.100 tỷ đồng, khi hoàn thành hứa hẹn sẽ hoàn thành trục cao tốc “xương sống” của tỉnh Quảng Ninh kéo dài từ Móng Cái (sát biên giới Trung Quốc) đến Hạ Long, kéo dài đến Hải Phòng và Hà Nội. Đây được coi là hành lang kinh tế phía đông quan trọng của cả nước.

Trong giai đoạn 2012-2017, Quảng Ninh đã huy động và thu hút trên 57.600 tỷ đồng (2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình tạo ra động lực phát triển. Đây được coi là những bước “chạy đà” quan trọng tạo sức bật cho tỉnh Quảng Ninh.

Cang hang khong quoc te Van Don anh 8

Khi cả ngôi làng của chị Châu di dời ra một vị trí khác, nhường chỗ cho đại công trường sân bay Vân Đồn, chị mở một quán nước mưu sinh. Thấm thoát đã hơn 2 năm, quán nước đã giúp cả gia đình chị Châu sống qua một giai đoạn khó khăn khi chuyển về chỗ ở mới.

Chị nhớ mặt đến hàng trăm công nhân hàng ngày ra vào quán nước. Vào thời điểm nước rút, đại công trường có đến hàng nghìn công nhân, kỹ sư thi công ngày đêm. Những ngổn ngang của đại công trường xưa đã được thay thế bằng một sân bay khang trang hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Cang hang khong quoc te Van Don anh 9Chị Châu và toàn bộ người dân xã Đoàn Kết cũng chưa bao giờ hình dung ra ngôi làng của mình xưa đã biến thành sân bay quốc tế đầu tiên của cả khu vực Đông Bắc. Những đứa trẻ trong làng đã lần đầu tiên được chứng kiến cảnh tượng chiếc máy bay cất - hạ cánh trên quê hương của mình là như thế nào.

Chứng kiến sự thay đổi tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong việc xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng. Ông nhấn mạnh hạ tầng đóng vai trò quan trọng giúp Quảng Ninh dịch chuyển nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.

Không chỉ vậy, sân bay Vân Đồn nói riêng và các công trình hạ tầng nói chung còn giúp Quảng Ninh phát triển những loại hình sản xuất, dịch vụ để đưa Quảng Ninh thành tỉnh đóng góp ngân sách Trung ương đứng thứ 4 cả nước.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn sẽ là một cửa ngõ quan trọng đón khách du lịch và các nhà đầu tư quốc tế đến với Quảng Ninh. Khách du lịch trong và ngoài nước có thể bay thẳng đến Quảng Ninh, kết nối với Hạ Long bằng tuyến cao tốc Vân Đồn - Hạ Long.

Cang hang khong quoc te Van Don anh 10

Có thể nói chưa bao giờ đến Quảng Ninh lại dễ dàng và gần như vậy với sân bay tư nhân đầu tiên của cả nước. Sân bay cũng giúp lưu thông hàng hóa, giúp Quảng Ninh dễ dàng kêu gọi thu hút đầu tư vào khu kinh tế Vân Đồn. Nơi đây được định hướng phát triển ngành du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí, công nghệ kỹ thuật cao.

Với cảng tàu khách du lịch quốc tế, Quảng Ninh có thể đón tàu du lịch hạng sang có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460 (gồm cả hành khách, thủy thủ đoàn), phục vụ được hai tàu đậu cùng lúc.

Các công trình đường cao tốc cũng giúp Quảng Ninh dễ dàng kết nối với các trung tâm phát triển khác của khu vực và cả nước. Hạ tầng đồng bộ sân bay - cao tốc - cảng biển giúp khai thác hết giá trị của từng công trình, giúp tạo những thay đổi mang tính “bước ngoặt” cho Quảng Ninh. Nói cách khác, sân bay hay các công trình hạ tầng không chỉ giúp đánh thức Vân Đồn mà còn cả tiềm năng của tỉnh Quảng Ninh.

Hiếu Công - Giang Minh Nguyệt

Ảnh: Hoàng Hà - Việt Linh
Thiết kế: Xuân Tùng

Bạn có thể quan tâm