Theo Global News, chỉ tính riêng tại bang Ontario, hàng nghìn liều vaccine Covid-19 của Moderna sẽ chính thức hết hạn vào ngày 6/8, theo ông Justin Bates, CEO hiệp hội dược sĩ của bang.
"Hoàn cảnh thật là không may", ông Bates nói trong cuộc phỏng vấn hôm 2/8.
Sau khi được chuyển tới bang Ontario, vaccine Moderna sẽ được bảo quản lạnh trước khi chuyển tới các hiệu thuốc để rã đông, sau đó mỗi liều vaccine có thời hạn sử dụng 30 ngày.
Ông Bates cho biết đang tìm cách để chuyển lượng vaccine này tới các khu vực khác của hệ thống y tế, nhằm sử dụng chúng trước khi hết hạn.
"Chúng tôi sẽ làm mọi cách để tránh lãng phí, nhưng thực tế là chúng ta sẽ phải tiêu hủy một số vào ngày 6/8", ông Bates nói thêm.
Trong khi đó, hàng nghìn liều AstraZeneca cũng đã phải bị tiêu hủy ở một số khu vực ở Canada, sau khi nhu cầu tiêm chủng giảm mạnh trong tháng 6 và tháng 7.
Chính quyền bang Newfoundland và Labrador kịp chuyển 1.400 liều AstraZeneca tới bang Ontario hồi giữa tháng 5, khi chúng sắp hết hạn. Tuy nhiên bang này vẫn còn thừa tới 2.848 liều hết hạn hồi cuối tháng 6. Gần 2.900 liều cũng bị đưa đi tiêu hủy vào tháng 7.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới thăm một địa điểm tiêm chủng ở bang Ontario hồi đầu tháng 7. Ảnh: Reuters. |
Đảo Prince Edward ở phía đông Canada cũng phải tiêu hủy 3.200 liều AstraZeneca trong tháng trước.
Bất chấp việc này, Cơ quan Y tế Công Canada (PHAC) cho rằng lượng vaccine bị lãng phí là "rất nhỏ và ít hơn nhiều so với dự kiến ban đầu".
Tính đến giữa tháng 7, chỉ có 0,05% số vaccine Covid-19 ở Canada không được sử dụng.
Việc người dân chần chừ với vaccine Moderna hoặc ngần ngại khi phải tiêm trộn 2 loại vaccine khác nhau được cho là nguyên nhân dẫn tới sự lãng phí này, theo ông Bates. Chuyên gia này cho biết người dân Canada muốn tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech hơn là vaccine của Moderna. Cả 2 loại này đều được phát triển dựa trên công nghệ mRNA.
Kể từ tháng 6, một số bang của Canada đã cho phép việc tiêm trộn 2 loại vaccine, theo khuyến cáo của Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Tiêm chủng (NACI).
Theo NACI, những người đã tiêm liều đầu tiên của một vaccine mRNA nên được tiêm liều tiếp theo với loại vaccine tương tự.
Sự lưỡng lự cũng xuất hiện ở bang Alberta, khi một dược sĩ cho biết 40% người dân từ chối tiêm vaccine Moderna sau khi được tiêm liều đầu tiên từ Pfizer.
"Khi biết rằng sẽ được tiêm Moderna, mọi người có một chút ngần ngại", dược sĩ Eddie Wong cho hay.
Tiến sĩ Gerald Evans, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Queen ở Kingston, bang Ontario cho rằng cả 2 loại vaccine mRNA đều hiệu quả tương đương, nhưng hãng Pfizer làm tốt hơn trong khâu marketing.
"Không phải vì Moderna mang tiếng xấu, chỉ vì Pfizer quá nổi bật", ông Evans nhận định.
Trong bối cảnh có những lo ngại về sự lãng phí vaccine, ông Evans cho rằng Canada nên hướng tới việc tài trợ vaccine cho các nước khác vốn đang thiếu hụt nguồn cung, như trường hợp của Australia.