Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Canada mắc kẹt giữa hai siêu cường trong vụ 'công chúa Huawei'

Mặc dù việc bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Châu được nhà chức trách Canada thực hiện theo đề xuất của phía Mỹ, nhưng họ đang là bên hứng chịu sự trả đũa của Trung Quốc.

Rất nhiều điều không hay xảy ra trong năm 2018 với Canada trên mặt trận ngoại giao, đầu tiên là việc ông Trump bất ngờ chỉ trích quốc gia láng giềng về quan hệ thương mại, sau đó đến lượt Saudi Arabia phản ứng mạnh mẽ trước việc Canada lên tiếng về tình hình nhân quyền ở vương quốc vùng Vịnh.

Và mới đây nhất, quốc gia này lại rơi vào tầm ngắm của Trung Quốc khi chính quyền Bắc Kinh tiến hành bắt giữ các công dân Canada trong một động thái được cho là trả đũa vụ CFO Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Vancouver.

"Chưa bao giờ lẻ loi như lúc này"

Ông Robert Bothwell, giáo sư đại học Toronto và là một trong những sử gia hàng đầu Canada, nhận định với AP: "Chúng tôi chưa bao giờ lẻ loi như thế này. Chúng tôi không có đồng minh thật sự và tôi nghĩ đó cũng là lý do giải thích cho hành động của phía Trung Quốc... Chúng tôi có rất ít cách để đáp trả".

Hai công dân Canada bị phía Trung Quốc bắt giữ là Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao và Michael Spavor, một doanh nhân sống ở phía đông bắc Trung Quốc gần biên giới với Triều Tiên. Cả hai người bị tạm giữ từ hôm thứ hai 10/12 vì nhà chức trách nghi ngờ họ "tham gia vào những hoạt động gây tổn hại an ninh quốc gia Trung Quốc", theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Lục Khảng.

Động thái này của phía Trung Quốc được cho là để gây áp lực lên Canada sau khi giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ vào ngày 1/12 theo yêu cầu của phía Mỹ. Bà Mạnh đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc cá nhân bà và công ty Huawei vi phạm lệnh cấm vận của Washington với Iran.

Canada ket giua doi dau My Trung anh 1
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu, con gái của người sáng lập tập đoàn, hiện đã được tại ngoại sau khi nộp số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD. Ảnh: AP.

Vụ việc này đã khơi mào một chuỗi những căng thẳng ngoại giao giữa ba quốc gia, và Canada là nước bị đặt vào thế đứng giữa hai siêu cường.

Trước khi vụ việc diễn ra, Canada có mối quan hệ ngoại giao tương đối tốt đẹp với Trung Quốc. Cha của Thủ tướng Justin Trudeau, ông Pierre Trudeau, người cũng là thủ tướng Canada trong giai đoạn 1968-1984, đã ủng hộ chính sách một Trung Quốc và đây là mô hình để nhiều nước khác công nhận Trung Quốc vào những năm 1970.

Tới nay, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Canada, chỉ sau Mỹ. Người Hoa đổ tiền đầu tư vào bất động sản ở Vancouver và Toronto. Một phần ba số du học sinh Canada đến từ Trung Quốc. Thủ tướng Justin Trudeau thậm chí còn nhắc đến khả năng đàm phán một hiệp định thương mại song phương với Bắc Kinh, để tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, nơi tiêu thụ 75% hàng hóa xuất khẩu của Canada.

Tuy nhiên ông Trudeau chưa có phát biểu nào đáng chú ý về vụ bắt giữ CFO Huawei kể từ khi thông tin về vụ việc được đưa ra công chúng. Lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập Andrew Scheer cho rằng thủ tướng Canada đang không thể hiện đủ sự quyết liệt với Trung Quốc.

"Tình hình cho thấy cách tiếp cận ngây thơ của Thủ tướng Trudeau về quan hệ với Trung Quốc đang không mang lại hiệu quả", ông Scheer nói.

Đây đã là căng thẳng ngoại giao thứ hai của Canada với một cường quốc khác trong năm nay. Hồi tháng sáu, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ bắt Canada trả giá sau khi ông Trudeau nói rằng ông sẽ không để Canada bị bắt nạt trong các cuộc đàm phán để xây dựng thỏa thuận NAFTA mới. Ông Trump cũng chê Thủ tướng Trudeau là người yếu ớt và không trung thực, những từ ngữ gây sốc với người dân Canada.

Rồi đến tuần này, ông Trump nói rằng ông có thể can thiệp vào vụ bắt giữ bà Mạnh nếu điều đó giúp ích cho việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Điều này đi ngược lại với những nỗ lực trước đó của chính phủ Mỹ để tách riêng vụ việc ra khỏi quá trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung, và cũng đi ngược lại tuyên bố của nhà chức trách Canada trước đó cho rằng vụ bắt giữ này không có động cơ chính trị.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đáp trả ông Trump, cho rằng "rõ ràng là một quốc gia khác khi yêu cầu dẫn độ thì cần phải đảm bảo quá trình này không mang tính chính trị".

Cựu cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Mỹ ở Ottawa và cũng là giám đốc Viện Canada tại Trung tâm Wilson ở Washinton, bà Laura Dawson, cho rằng: "Thường thì Canada có thể dựa vào Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ trong những vấn đề như thế này".

"Tổng thống Trump đã cho thấy rõ quan điểm của ông, rằng đồng minh truyền thống không còn quan trọng nữa", bà Dawson nhận định.

Không còn chỗ dựa

Trong quá khứ, Mỹ luôn bảo vệ Canada khi nước này bị đe dọa và tất cả các nước khác cũng biết rằng đằng sau Canada luôn có Mỹ. Nhưng điều này đã thay đổi.

Vào tháng tám, chính phủ Saudi trục xuất Đại sứ Canada tại nước này và rút hết nhân viên ngoại giao về nước sau khi Bộ Ngoại giao Canada đăng dòng tweet chia sẻ sự ủng hộ cho một nhà hoạt động xã hội Saudi bị bắt giữ. Chính quyền Saudi cũng chấm dứt tất cả các khoản đầu tư của nước này ở Canada và yêu cầu các du học sinh Saudi ở Canada về nước. Không có quốc gia nào, kể cả Mỹ, cho thấy sự ủng hộ với Canada trong vụ việc.

Bây giờ thì tình hình đang trở nên tệ hơn, Trung Quốc lại là một thị trường quan trọng trong chiến lược tăng cường xuất khẩu sang châu Á của Canada, trong bối cảnh ông Trump đang đe dọa áp thuế lên hàng hóa nước này nhập khẩu vào Mỹ.

Canada ket giua doi dau My Trung anh 2
Kể từ khi ông Trump nhậm chức, chính quyền Mỹ đã thay đổi thái độ rõ rệt với một loạt đồng minh truyền thống, trong đó có Canada. Ảnh: New York Times.

Sử gia Bothwell cho biết khi ông Trump nhậm chức, chính phủ Canada đã có ý tưởng nhắm đến Trung Quốc để thay thế thị trường Mỹ, nhưng ông Bothwell cho rằng "điều đó là không tưởng". Sử gia này nhận định quốc gia nào nhỏ hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc sẽ là bên phải lo lắng.

Ông Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc ở Viện Doanh nghiệp Mỹ (một viện nghiên cứu chính sách công xu hướng bảo thủ ở Washington), dùng từ "côn đồ" để miêu tả hành vi của Trung Quốc trong vụ việc.

"Bạn bắt giữ công dân Canada vì bạn biết Canada sẽ chẳng thể làm được gì. Đây là một hành vi bắt nạt", ông Derek nhận xét.

Chuyên gia này cũng cho rằng vì Canada thực hiện một yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ, Washington nên ra mặt và yêu cầu Bắc Kinh giải thích tại sao họ lại làm vậy với Canada, trong khi rõ ràng vấn đề là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Christopher Sands đến từ Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao (SAIS - một cơ quan của đại học John Hopkins) cho rằng thế giới đã để ý tới cách Tổng thống Trump đối xử với Canada trong đàm phán thương mại, và cách chính phủ Mỹ im lặng khi Saudi Arabia nổi xung lên với Canada khi bị chỉ trích về nhân quyền.

Ông Sands cho biết thường thì trước đây, Mỹ sẽ gửi đi một tín hiệu kín đáo tới các đồng minh để họ bình tĩnh lại và giữ mọi chuyện êm đẹp.

Chuyên gia này nhận định: "Thứ làm cho điều này trở nên tồi tệ hơn là Trung Quốc đang công kích Canada không phải vì một sáng kiến của Canada, mà chỉ vì một hành động hợp tác với Mỹ. Sự im lặng của chúng ta sẽ ảnh hưởng thực sự nghiêm trọng đến mối quan hệ đồng minh giữa hai nước".

Huawei và đế chế công nghiệp quốc phòng hùng mạnh của Trung Quốc

Những tập đoàn tư nhân như Huawei đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, một phần trong chiến lược hội nhập quân - dân sự của Bắc Kinh.

Giáo sư luật: 'Công chúa Huawei’ thực tế gian lận tài chính

Giáo sư Luật Hiến pháp Julian Ku nhận định việc bắt giữ giám đốc tài chính Huawei là hợp pháp và phản bác những chỉ trích của Trung Quốc là “giả nhân giả nghĩa”.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm