Theo Sở Nội vụ, Văn phòng UBND TP, Ban Dân tộc, Sở Nội vụ, Sở Y tế dư một cấp phó, cá biệt Sở KH&ĐT hiện dư hai phó giám đốc.
“Về một cấp phó dư tại Sở Nội vụ là vì chúng tôi chuẩn bị nguồn cho một phó giám đốc sẽ nghỉ hưu vào tháng 6/2017. Việc dư cấp phó có ở một số sở, ngành chứ không riêng Sở Nội vụ. Việc này một phần là bổ sung nguồn trẻ để nối tiếp sau này, cái chính là nguồn trẻ để nối tiếp sau này phải bổ sung trước để anh em bắt nhịp trước”, ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết.
Ông Nguyễn Duy Bình, Phó giám đốc Sở Nội vụ, cho biết thêm năm đơn vị có dư cấp phó trên đều là những đơn vị đa ngành, đa lĩnh vực. Như Sở Nội vụ, khi họp gì liên quan đến Sở thì UBND TP đều yêu cầu lãnh đạo Sở đi họp. Tương tự, ngành y tế quản lý toàn bộ y tế của TP và để thực hiện tốt theo yêu cầu nhiệm vụ thì có những cái “vượt rào”.
Hoặc Văn phòng UBND TP là cơ quan tham mưu cho chủ tịch, các phó chủ tịch mà quy định chỉ có ba người thì không làm nổi… Việc Cần Thơ chỉ có 5/20 đơn vị dư 1-2 cấp phó không phải là nhiều.
“Thực tế cho thấy một số quy định chưa phù hợp như hiện nay người giám sát thì tăng còn người thực hiện giảm. Những đơn vị đa ngành, đa lĩnh vực thì nên có thêm cấp phó phụ trách công việc.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị trung ương điều chỉnh các quy định liên quan cho phù hợp với thực tiễn ở các địa phương. Cả nước hiện có năm TP thuộc trung ương, trừ Hà Nội và TP.HCM quá lớn thì ba TP còn lại cũng phải được tính cho phù hợp chứ không nên cào bằng như các địa phương còn lại” - ông Ba đề xuất.
Nói thiếu với thừa của Cần Thơ không nhiều, chan qua sớt lại cũng phù hợp. Hiện Thanh tra TP, Sở GD&ĐT, Sở KH&CN… thiếu một cấp phó so với quy định. Vì vậy, lãnh đạo TP dự kiến đầu năm 2017 sẽ chuyển người từ chỗ thừa qua chỗ thiếu nhưng vẫn đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ, công việc.
Ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ