Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý - Đại học Fulbright Việt Nam, có một yếu tố quan trọng có thể thực hiện được sẽ mở ra các cánh cửa khác, thậm chí là “vận hội” khác cho TP.HCMC phát triển. Đó là thực hiện một cách nhất quán chủ trương cho phép TP.HCM trở thành một “thí điểm cải cách thể chế” theo mô hình sandbox về đổi mới thể chế.
-------------
TP.HCM đóng góp 1/4 GDP và ngân sách cho cả nước, thậm chí trong một số lĩnh vực như tài chính, giá trị gia tăng thị trường tài chính của thành phố đóng góp tới 1/3.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng so với các đô thị khác trong khu vực như Seoul, Tokyo, Singapore, thậm chí là Bangkok… TP.HCM đang dần tụt hậu. Điều này thể hiện rõ rệt qua các chỉ số đánh giá của các tổ chức quốc tế liên quan đến tiềm năng tăng trưởng, sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, tính đổi mới sáng tạo của địa phương.
TP.HCM rất cần sự 'cởi mở' về thể chế
Nhìn trực quan, TP.HCM đang đối diện một loạt khó khăn: Cơ sở hạ tầng yếu kém, xuống cấp, tắc đường, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, cung ứng dịch vụ công cũng hạn chế… không đáp ứng được nhu cầu của một siêu đô thị với dân số ngày càng tăng, mật độ dân số cao nhất cả nước. Đây là biểu hiện rõ rệt của tình trạng thiếu và khan hiếm nguồn lực.
Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ điều tiết từ 18% lên 23% chỉ là một trong những biện pháp để chúng ta có thể tăng nguồn lực cho TP.HCM.
Một yếu tố quan trọng có thể thực hiện được sẽ mở ra các cánh cửa khác, thậm chí là “vận hội” khác cho địa phương này phát triển. Đó là thực hiện một cách nhất quán chủ trương cho phép TP.HCM trở thành một thí điểm cải cách thể chế theo mô hình sandbox về đổi mới thể chế.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý - Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Như. |
Ví dụ như để TP.HCM phát triển được cơ sở hạ tầng, có thể có sandbox liên quan đến việc tạo các cơ chế để thành phố có thể huy động được thêm các nguồn lực tư nhân, từ hệ thống tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng.
TP.HCM cần xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng, đường xá, khu đô thị mới… Khi các cơ sở hạ tầng này mọc lên thì giá đất ở các khu vực này tăng lên tương ứng nhưng hiện thành phố không được hưởng lợi bất kỳ điều gì từ giá đất tăng lên này. Giá trị đó đang được phân bổ cho những chủ sở hữu đất xung quanh đấy.
Chúng ta nghe nói sandbox ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ở đây sandbox liên quan đến chính sách cho một đô thị ở tầm quốc tế và là một siêu đô thị
TS Vũ Thành Tự Anh
Vậy một trong cơ chế thí điểm, đó là cho thành phố cơ chế phát hành "trái phiếu công trình" để thực hiện các giao dịch tài chính để vay vốn.
Ví dụ khi xây một cây cầu, chúng ta xác định một quỹ đất công gắn liền và được hưởng lợi trực tiếp từ công trình đó. Dùng đất công đi huy động trái phiếu công trình. Lúc đó ngân sách Nhà nước sẽ được tiết kiệm bởi vì chúng ta huy động thông qua thị trường tài chính. Khi công trình đó gần hoàn thành thì giá trị đất theo giá thị trường nó sẽ đi lên. Chúng ta bán đấu giá đất công lấy tiền tài trợ cho chính cơ sở hạ tầng đó.
Đây là những cơ chế sandbox mà nếu Trung ương cho phép, thành phố có thể sẽ thực hiện được để tăng cường năng lực đáp ứng về cơ sở hạ tầng.
Không nên nghĩ đến cơ chế đặc thù "cả gói"
Bộ Chính trị có Nghị quyết 54 cho phép TP.HCM có những thí điểm về cải cách. Đây là điều quan trọng nhưng những nguyên tắc như vậy nó rất rộng và nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu rất cụ thể, của các công việc cụ thể như phát triển thị trường tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng hay tạo ra một thành phố đô thị thông minh. Do vậy, các chính sách thí điểm nên gắn vào một hoạt động cụ thể nào đó.
Ví dụ TP.HCM muốn phát triển trung tâm tài chính ở quận 1 và Thủ Thiêm, cơ chế sandbox về chính sách nó áp dụng cho riêng cái đó. Nếu như TP.HCM muốn phát triển đô thị Thủ Đức thì cần một cơ chế thí điểm chính sách cho Thủ Đức…
Đừng có "gói" tất cả các thứ lại thành một nghị quyết vì như thế nó không bao trùm được hết và đến lúc khi thực hiện thì nó lại không đủ cụ thể. Nó vừa không đủ rộng, và vừa không đủ cụ thể thì rất khó đáp ứng được cái nhu cầu cụ thể của một dự án như trung tâm tài chính hay đô thị mới ở Thủ Đức.
Đừng gói tất cả các thứ lại thành một nghị quyết vì như thế nó bao trùm hết được và đến lúc thực hiện thì lại không đủ cụ thể
TS Vũ Thành Tự Anh
Chúng ta cần phải tư duy câu chuyện cho thành phố ở 3 cấp độ:
Cấp độ đầu tiên là cấp độ trung ương. TP.HCM luôn nằm trong khuôn khổ điều tiết và khuôn khổ chiến lược quốc gia. Vì vậy, xuất phát điểm đầu tiên đó là vai trò và định vị của TP.HCM trong chiến lược phát triển của quốc gia, cạnh tranh với các quốc gia khác trong vùng và trên thế giới như thế nào?
Tôi nghĩ đây là điều rất then chốt, nếu như TP.HCM được coi như là một thành phố tiên phong của cả nước, được thực hiện các chính sách của quốc gia trên địa bàn thành phố thì lúc đấy địa phương này mới có cơ hội để phát triển.
TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng TP.HCM như một trụ cột, người kết nối, người điều phối ở cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Chí Hùng. |
TP.HCM phải được Trung ương coi như đây là một điểm đột phá. Đây là một điểm thử nghiệm các cải cách mới, đây là một điểm đưa Việt Nam đi đến vị trí tiên phong và cạnh tranh một cách ngang hàng bình đẳng với các đô thị khác trên thế giới.
Và trên cơ sở đó thì mới tạo ra cơ chế thử nghiệm về chính sách gọi là policy sandbox (thử nghiệm thể chế). Lúc đó thành phố mới có thêm không gian để mở ra các phương thức mới về quản trị địa phương và huy động nguồn lực.
Hai là cấp độ địa phương. Ngay cả khi mong muốn trung ương có sự nhìn nhận và quyết sách về vị trí của mình, định vị của mình thì đồng thời chính quyền TP.HCM phải tự chủ động.
Ví dụ như chính quyền TP phải tạo ra những điều kiện cần thiết như làm thế nào để tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng hiệu quả? Làm thế nào để xây dựng một chính quyền đô thị gần dân và có trách nhiệm giải trình? Làm thế nào để giảm đi những tắc nghẽn, giảm ngập nước và cải thiện môi trường, biến thành phố thành nơi đáng sống...
Và tất cả những điều đó nó tất nhiên không phụ thuộc hoàn toàn vào trung ương, mà chủ yếu phụ thuộc vào các quyết tâm của chính quyền địa phương, và một phần nữa là phụ thuộc vào nguồn lực. Đây cũng là những điều kiện cần thiết để đưa thành phố nâng hạng so sánh với các đô thị khác.
Ba là cấp vùng. TP.HCM chắc chắn không thể nào tự phát triển một mình, mà để phát triển được và trở thành đầu tàu của cả nước, cũng như có một vị thế xứng đáng ở một khu vực thì thành phố không thể đi một mình.
Anh muốn đi xa, đi một cách mạnh mẽ thì phải đi cùng những người khác. Điều đó có nghĩa là vai trò của TP.HCM như một trụ cột, người kết nối, người điều phối ở cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải được khẳng định.
Và điều đó phải được thể hiện qua các chính sách liên kết vùng, chẳng hạn như liên kết cơ sở hạ tầng giao thông, liên kết cơ chế và sự giao lưu giữa các luồng tài chính, luồng hàng hóa… với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước).
TP Thủ Đức có phải là nơi áp dụng policy sandbox?
Thành phố Thủ Đức là một dự định rất rõ rệt của lãnh đạo thành phố, là đưa nơi này thành một thí điểm, và thí điểm này không chỉ cho riêng địa phương này mà có thể là thí điểm cho cả Việt Nam. Nhưng TP. Thủ Đức cần gì?
“Chúng ta muốn từ 3 cái mô hình cũ, tạo ra một mô hình mới chứ không phải một thành phố mới nhưng vẫn dựa trên mô hình cũ. Đây chính là “cạm bẫy” lớn nhất khi thực hiện mô hình này”
TS Vũ Thành Tự Anh
Thứ nhất, sự đánh giá đúng đắn về vị thế của mô hình này, nó không thuần túy là mô hình của TP.HCM, mà nó phải là thử nghiệm mang tính quốc gia được đặt tại TP.HCM.
Thứ hai, phải rõ mục đích của mô hình này là gì? Và khi đó đi đôi với nó là các cơ chế quản trị như thế nào, là cơ chế huy động nguồn lực ra sao, các bước phát triển để có một chiến lược dài hạn?
Còn nhìn từ phía chính quyền địa phương thì hiện nay những thảo luận đang hơi bị lệch hướng, chẳng hạn như thành phố nên phân cấp như thế nào cho Thủ Đức.
TP.HCM và Thủ Đức rất gần nhau, chứ không phải như thành phố với trung ương thì rất xa mới cần có cơ chế phân cấp, thì cơ chế phân cấp nó không còn quan trọng như thế nữa. Vì vậy, quan trọng không phải là cơ chế phân cấp, mà là một cơ chế quản trị, cơ chế thử nghiệm về chính sách để cho Thủ Đức có thể thực hiện được tất cả những điều gì, mà chúng ta kỳ vọng với những nguồn lực, cơ chế thể chế hiện nay…