Trong bài phát biểu hơn 45 phút tại buổi tiếp xúc cử tri với các chiến sĩ ở Sư đoàn 317 - Quân khu 7, huyện Hóc Môn, TP.HCM, chiều 10/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn trước những đóng góp của các chiến sĩ và chia sẻ về điều thành công nhất của quân đội trong 35 năm qua. Cùng với đó, ông Phúc hồi tưởng lại giai đoạn mới nhậm chức năm 2016 và điểm lại những thành quả kinh tế, chính trị, ngoại giao của Việt Nam trong nhiệm kỳ 14.
Ông cũng chia sẻ 3 trụ cột của một quốc gia hùng mạnh và chỉ ra 4 giải pháp để TP.HCM khơi thông nguồn lực, phát triển xứng tầm vị thế.
"Việc phát huy thế mạnh quân đội là vô cùng quan trọng"
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong 35 năm đổi mới, thành công lớn nhất của quân đội là luôn giữ vững được hình ảnh bộ đội cụ Hồ trong niềm tin của nhân dân. Ông cho rằng đây là điều đáng tự hào, không phải quân đội nào cũng có được điều đó.
Ông Phúc dẫn chứng từ chống lụt bão miền Trung, sạt lở núi ở phía bắc, hỗ trợ nhân dân vùng Tây Nam Bộ và đặc biệt là trong dịch Covid-19, quân đội luôn là lược lực lượng đi đầu, thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”.
“Bao nhiêu cán bộ chiến sĩ của chúng ta nhường nơi ở cho người từ nước ngoài về để cách ly không lây ra cộng đồng, bao chiến sĩ dầm mưa dãi nắng nơi biên giới để ngăn làn sóng xâm nhập trái phép của Việt Nam”, ông chia sẻ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vận động bầu cử tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Chủ tịch nước chia sẻ 3 trụ cột để một quốc gia hùng mạnh là kinh tế - xã hội – an ninh quốc phòng và đối ngoại. Trong đó, quân đội là nền tảng cho trụ cột thứ 3 và tạo vị thế cho hai trụ cột còn lại.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định Việt Nam đang trong thời cơ phát triển nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có thách thức về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tiềm ẩn dịch bệnh. Đặc biệt là thế lực phản động âm mưu thúc đẩy sự tự diễn biến, tự chuyển hóa nhằm xóa bỏ chế độ của Đảng, nhất là trước Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội.
“Nhiều hoạt động chống phá rất phức tạp, nhất là ở đô thị có quy mô lớn nhất quốc gia như TP.HCM. Do đó, việc phát huy thế mạnh quân đội là vô cùng quan trọng. Địa bàn ta là địa bàn trọng điểm chống phá phản động”, Chủ tịch nước khẳng định.
3 trụ cột của quốc gia hùng mạnh
Chia sẻ về chương trình hành động, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, ông cam kết sẽ cố gắng để làm tốt nhiệm vụ nhân dân giao phó như đã làm trong suốt 3 nhiệm kỳ vừa qua ở các vị trí khác nhau.
"Vừa rồi, tôi bàn giao Chính phủ mới là 600.000 tỷ tiền mặt và 100 tỷ USD. Chưa bao giờ chúng ta có tiềm lực lớn như thế"
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Nói về những thành tựu của Việt Nam, ông Phúc nhấn mạnh trong nhiệm kỳ 14, Việt Nam đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng phát triển đất nước.
"Chúng tôi mới bàn giao Chính phủ mới. Tôi nhậm chức Chủ tịch nước ngày 5/4, nay tròn một tháng. Vừa rồi, tôi bàn giao Chính phủ mới là 600.000 tỷ tiền mặt và 100 tỷ USD. Chưa bao giờ chúng ta có tiềm lực lớn như thế. Trong khi ngân sách của 4 tháng vẫn còn phân nửa, đến nay đã đạt được con số gần 50% tổng dự toán năm 2021", nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Ông Phúc nhận định thành quả này đến từ cơ chế chính sách đặc biệt, đột phá, huy động mọi nguồn lực.
Trước và sau mỗi buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (áo trắng, trái) đều dành thời gian trao đổi thêm với cử tri. Ảnh: Y Kiện. |
Nhớ lại ngày đầu tiên nhậm chức Thủ tướng năm 2016, ông Phúc chia sẻ khi đó có một không khí hồ hởi, phấn khởi, niềm tin quyết liệt, tạo không gian phát triển rất lớn trong nội tại. Hợp tác quốc tế sâu rộng, nhiều FTA thế hệ mới. Lần đầu tiên trong 5 năm liền, xuất siêu của Việt Nam đạt gần 500 tỷ USD. Lạm phát được kiềm chế, chất lượng nền kinh tế được nâng lên, đạt vị trí cao tại khu vực.
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, nhiều người dân bày tỏ sự vui mừng khi Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành đường sá được mở rộng, đời sống người dân tốt lên. Ông Phúc nhận định thành quả đó có vai trò rất lớn của quân đội, công an, lực lượng vũ trang, đặc biệt ở TP.HCM.
Về ngoại giao, Chủ tịch nước khẳng định vị thế của Việt Nam đã được nâng tầm khi tháng 4 vừa qua, lần thứ 2, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được mời là một trong 40 quốc gia trên thế giới tham gia chương trình chống biến đổi khí hậu.
4 giải pháp để TP.HCM khơi thông nguồn lực
Sau khi lắng nghe chương trình hành động của các ứng cử viên, ông Trần Văn Nghĩa, sĩ quan Sư đoàn 317 - Quân khu 7 - nhắc lại Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 vượt qua thu nhập trung bình thấp và đến năm 2045 trở thành một nước phát triển thu nhập cao. Với chiến lược đó, sự phát triển của TP.HCM - đầu tàu cả nước - là rất quan trọng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, sự phát triển của TP.HCM chưa ngang tầm với tiềm năng. Cử tri đặt câu hỏi cho ứng cử viên Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp nhằm giúp TP.HCM phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.
Nhiều chiến sĩ đặt câu hỏi cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Ảnh: Thu Hằng. |
Tiếp thu ý kiến cử tri, ông Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ mỗi cá nhân, tổ chức của Việt Nam đều đang nuôi khát vọng, ước mơ phát triển đất nước. Do đó, giải pháp đầu tiên là phải thúc đẩy khát vọng này.
"'Con trâu đi trước cái cày theo sau' thì không bao giờ thành công
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Thứ hai là cần có nguồn nhân lực tốt, trước hết là trong thế hệ trẻ các cấp, các ngành. Từ nhân viên đến chuyên viên, cán bộ, lãnh đạo, tất cả các vị trí đều phải làm việc nhỏ tốt thì mới có thể làm được việc lớn. Thứ 3 là cần có một nền khoa học công nghệ tốt, áp dụng công nghệ 4.0, kinh tế số, xã hội số, Chính phủ điện tử.
"'Con trâu đi trước cái cày theo sau' thì không bao giờ thành công. Phải có nông nghiệp số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để phát triển.
Thứ 4 là thể chế chính sách tốt. Chủ tịch nước cho rằng cần tạo ra cơ hội, không gian để người giỏi, có tài năng cống hiến. Cùng với đó, chính sách cũng phải bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
"Nếu không lại rụt rè mãi không dám làm gì cả, phải có cách khuyến khích người tài giỏi, có năng lực. 'Một người biết lo bằng kho người làm'. Muốn vậy phải đảm bảo dân chủ mở rộng để mọi người phát huy tài năng, trí tuệ", ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định.
Muốn xoay trục y tế cần "tiêm vaccine kiến thức" cho người dân
PGS, TS Nguyễn Thanh Hiệp (45 tuổi) là ứng cử viên trẻ nhất tại đơn vị số 10. Ông đang là Phó hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Với lợi thế về kiến thức y khoa, đặc biệt trong dịch tễ học, ông Hiệp trình bày nhiều giải pháp phát triển ngành y trong chương trình hành động của mình.
PGS, TS Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng cần "xoay trục y tế", tức là tăng cường loại hình chăm sóc dịch vụ y tế tuyến cơ sở, tăng cường phòng, giảm điều trị bởi “điều trị nghĩa là dự phòng đã thất bại”. Ông Hiệp phân tích nếu ngành y tế “tiêm vaccine kiến thức” để người dân tự bảo vệ sức khỏe thì y bác sĩ chỉ cần phối hợp, đồng hành.
Ngoài Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tổ bầu cử đơn vị số 10 (huyện Củ Chi và Hóc Môn) còn 4 ứng viên, gồm: Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; ông Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM; và ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.