Thực tế là chúng ta muốn nhìn thấy đội tuyển Việt Nam thành công và ổn định hơn nữa. Không ai muốn chờ đợi một thập kỷ khác mới có thể chứng kiến vinh quang.
Thế nhưng, từ khoảng cách giữa mong muốn đến hiện thực là một quá trình mang tên “làm việc”. Vậy bóng đá Việt Nam cần làm gì?
Tuyển Việt Nam lên ngôi sao AFF Cup 2018 sau khi vượt qua Malaysia. Ảnh: Thuận Thắng. |
Đưa người hâm mộ đến sân vận động hàng tuần
Vé vào sân các trận bán kết, chung kết AFF Cup đã trở thành tâm điểm của những trận chiến theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Người hâm mộ tràn ra đường ăn mừng thành công của đội tuyển không chỉ sau khi Nguyễn Văn Quyết cùng đồng đội rước cúp vô địch, mà ngay từ khi tuyển Việt Nam đánh bại Lào, Campuchia hay Myanmar ở vòng bảng. Số liệu về lượng thuê bao truyền hình cho thấy trong top 10 chương trình TV được xem nhiều nhất năm vừa qua, có tới 7 chương trình về bóng đá.
Người Việt Nam yêu bóng đá, đó là mệnh đề không cần bàn cãi nhiều, có thể chứng minh được bằng cả lập luận cảm xúc lẫn những con số lý trí.
Tuy nhiên, một nghịch lý thường diễn ra là sân cỏ tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thường xuyên rơi vào tình trạng vắng khán giả. Ngoài một số trường hợp như Nam Định, SLNA, Hải Phòng, Quảng Ninh, thì không ít đội bóng lớn thường chơi trong những bầu không khí ảm đạm.
Rất nhiều nhà chuyên môn đã đánh giá cao chất lượng có chiều hướng đi lên ổn định của V.League 1 trong vài năm gần đây. CLB Hà Nội, CLB Thanh Hóa, CLB Khánh Hòa, CLB Quảng Ninh hay SLNA luôn cống hiến những trận cầu vô cùng hấp dẫn và mãn nhãn mỗi khi đối đầu nhau trong mùa giải 2018.
Lứa cầu thủ vô địch AFF Cup 2018 cần tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ phía người hâm mộ. Ảnh: Thuận Thắng. |
Công bằng thì không ít đội bóng dường như chưa đánh giá đúng mức vai trò của việc khán giả tới sân. Nỗ lực marketing còn hạn chế, đặc biệt khi các đội bóng còn đang sống dựa vào địa phương và nhà đầu tư, hơn là chủ động kiếm tiền.
Khán giả đến sân không đơn thuần chỉ là cơ hội để bán vé vào cửa. Trên thực tế, số tiền từ khoản này là tương đối thấp nếu đặt vào dự tính ngân sách sử dụng mỗi mùa của đội. Tuy nhiên, lượng khán giả tích cực trên sân sẽ mang tới cơ hội bán quảng cáo, nâng cao hình ảnh.
Rộng hơn, cả giải đấu sẽ hưởng lợi và bản quyền truyền hình của giải sẽ tăng lên. Khi đó, các đội bóng thậm chí sẽ bớt được sự phụ thuộc vào những nhà đầu tư với nước đi ngắn hạn.
Ngược lại, đối với người hâm mộ, dành một vài tiếng đồng hồ cuối tuần đến sân vận động, bỏ một số tiền chỉ bằng suất ăn sáng, có lẽ là không hề tồi để hưởng một dịch vụ giải trí lành mạnh. Đội tuyển chỉ tập trung một vài lần trong năm, và những người góp mặt ở đó cần ra sân, cần được cổ vũ hàng tuần.
Còn rất nhiều cái tên tuy hiện không khoác áo đội tuyển, nhưng chắc chắn đủ để khiến khán giả thích thú như Nghiêm Xuân Tú (Quảng Ninh), Hoàng Minh Tâm (Đà Nẵng), Trần Phi Sơn (TP.HCM).
Bóng đá cấp CLB mạnh, thì đội tuyển quốc gia sẽ mạnh - một cách bền vững, ổn định.
Tuyển Việt Nam đang sở hữu lứa cầu thủ trẻ tài năng được đào tạo nhiều năm. Ảnh: Thuận Thắng. |
Đầu tư vào khoa học thể thao
Khoa học hiện đại chính là lý do quan trọng bậc nhất giúp cho loài người phát triển vượt bậc, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong những thế kỷ gần đây. Khoa học không đơn thuần chỉ mang tới những công nghệ mới, mà còn giúp cho con người hiểu được bản thân mình và thế giới xung quanh, qua đó phát tiết tích cực và chế ngự tiêu cực một cách hiệu quả nhất.
Nói riêng trong thể thao, khoa học thể thao tuy còn là một lĩnh vực mới mẻ, nhưng cũng đang thúc đẩy vào mọi bộ môn, khiến hàng loạt kỷ lục thế giới ở các giải đấu lớn liên tiếp bị phá bỏ. Ví dụ, cảm tính thông thường khiến chúng ta nghĩ rằng quá nhiều cơ bắp sẽ khiến vận động viên nặng nề và chậm chạp.
Khoa học chứng minh ngược lại: những Michael Phelps của bơi lội, Usain Bolt của điền kinh, LeBron James của bóng rổ sở hữu cân nặng cao, những khối cơ đồ sộ nhưng họ lại nhanh nhẹn hơn ai hết trong bộ môn của mình.
Đó chỉ là một minh họa nhỏ. Trên thực tế, khoa học thể thao mang tới giải pháp cho rất nhiều vấn đề khác: phát triển các yếu tố thể chất, tối ưu hóa khả năng vận động theo từng cá nhân và từng bộ môn, dinh dưỡng, xây dựng chế độ tập luyện thi đấu phù hợp, phục hồi sau vận động, tâm lý, phòng tránh và trị liệu chấn thương…
Để làm được điều này, cần có sự học hỏi, nghiên cứu và tôi luyện kiến thức chuyên biệt. Đó cũng chính là lý do một ban huấn luyện bóng đá hàng đầu thường luôn có sự góp mặt của một chuyên gia khoa học thể thao (chức danh của họ thường là HLV thể lực, HLV sức mạnh và thể chất…) như: Sir Alex Ferguson có Tony Strudwick, Jose Mourinho có Rui Faria, Pep Guardiola có Lorenzo Buenaventura hay Park Hang-Seo thì có Bae Ji-Won.
Huấn luyện viên Park Hang-seo cần những người trợ lý tài năng và chuyên môn hóa trong hành trình cùng tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Ảnh: Thuận Thắng. |
Khi ông Bae Ji-Won cho các cầu thủ luyện sức bền sức mạnh bằng phương pháp chạy với dù, nhiều tờ báo đã gọi đây là “bài tập lạ”. Kỳ thực, đây là một hình thức rèn sức mạnh tương đối phổ biến trong làng thể thao. “Lạ” ở đây đơn thuần chỉ vì ở Việt Nam, cách tập này chưa được ứng dụng nhiều.
Ông Bae Ji-Won đã mang tới khá nhiều bài tập với dây chun, bóng yoga, bóng thăng bằng bosu… và thiết kế khung giờ, bổ trợ chất lượng cho các hoạt động khác. Park Hang Seo và trợ lý Lee Young-Jin nhờ đó được tập trung hoàn toàn vào các vấn đề kỹ chiến thuật.
Sự chuyên môn hóa này thậm chí khó có thể thấy được ngay ở các đội bóng và trung tâm đào tạo trẻ hàng đầu Việt Nam. Các HLV bóng đá đang “cáng” phần tập thể lực, chủ yếu ở góc độ sức bền và một vài dạng sức mạnh, thay vì tiếp cận toàn diện về xây dựng thể chất. Số nhà chuyên môn về khoa học thể thao đang làm việc trong bóng đá Việt Nam hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đầu tư vào khoa học thể thao thông qua đào tạo, nghiên cứu cũng như tuyển dụng, xây dựng phương pháp làm việc bao gồm các vai trò như HLV thể lực, chuyên viên khoa học thể thao… là điều cần làm để cải thiện.