Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần khoảng 2.700 lít nước để sản xuất một chiếc áo sơ mi

Từ cuối thế kỷ 18 tới nay, lĩnh vực thương mại thời trang đã trở thành một trong những lĩnh vực có sức tàn phá môi trường và bóc lột con người ghê gớm nhất trong kinh tế toàn cầu.

Ảnh: Mart Production/Pexels.

Ảnh: Mart Production/Pexels.

Sau nhiều năm đi lại khắp nơi trên thế giới, nắm rõ mọi ngóc ngách trong cách thức vận hành của ngành, Caroline nhận ra rằng lĩnh vực thời trang đang đứng trước một cơ hội trước đây chưa từng có để tái tạo lại bản thân theo chiều hướng tốt hơn. Từ khi quần áo được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp ra đời vào cuối thế kỷ 18 tới nay, lĩnh vực thương mại thời trang đã vận động tiến hóa trở thành một trong những lĩnh vực có sức tàn phá môi trường và bóc lột con người ghê gớm nhất trong nền kinh tế toàn cầu.

Điều kiện làm việc khủng khiếp ở rất nhiều xưởng may thỉnh thoảng vẫn là đề tài tâm điểm của giới truyền thông. Gần đây nhất là vụ sập khu phức hợp 8 tầng Rana Plaza ở Dhaka, Bangladesh hồi tháng 4/2013, một trong những vụ tai nạn tồi tệ nhất ở nhà máy trong lịch sử, khiến 1.134 công nhân thiệt mạng và làm bị thương 2.500 người khác, những mảnh tay chân bị nghiền nát khi những cột trụ đổ xuống và sàn nhà nứt ra. Trong số các công nhân làm việc ở đây, 80% là phụ nữ trẻ tuổi nhận mức lương chỉ nhỉnh hơn 1,50 USD mỗi ngày.

Tới nay, điều kiện làm việc đã được cải thiện ở nhiều nhà máy tại Bangladesh, Trung Quốc và các trung tâm may gia công khác, một số nơi còn được trang bị những thiết bị tiện nghi rất hiện đại, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều nhà máy khác tiếp tục duy trì tình trạng bóc lột lao động. Và tình trạng này không chỉ giới hạn ở các quốc gia đang phát triển.

Trong cuốn sách Fashionopolis (tạm dịch: Thời trang hiện đại) bóc trần bộ mặt của ngành thời trang, Dana Thomas, tác giả chuyên viết về lĩnh vực này, cho biết rằng vào năm 2016, Bộ Lao động Mỹ đã tiến hành các biện pháp xử lý mạnh tay đối với các nhà máy bóc lột sức lao động ở Los Angeles; những nơi này chủ yếu thuê người nhập cư không có hồ sơ hợp pháp và trả cho họ mức thù lao thấp hơn nhiều so với yêu cầu về mức lương tối thiểu để họ làm việc trong những điều kiện nguy hiểm.

Về mặt tổn hại môi trường, người ta ước tính rằng ngành thời trang chiếm khoảng 10% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Ngoài ra, lĩnh vực này còn đóng góp 17-20% trong toàn bộ hoạt động gây ô nhiễm nước công nghiệp của thế giới, chủ yếu là do việc sử dụng tràn lan các chất nhuộm vải độc hại. Việc nhuộm vải tốn nhiều nước tới mức theo một số liệu ước tính, lượng nước dùng để nhuộm vải hàng năm tương đương với một nửa khối lượng nước ở Địa Trung Hải.

Sự ô nhiễm còn xuất phát từ chính vải vóc. Hiện nay rất nhiều quần áo mà chúng ta mặc trên người được làm từ sợi tổng hợp, tức là các hình thái khác nhau của nhựa, và người ta đã tính ra rằng 1/3 số hạt vi nhựa đang trôi nổi ở các con sông khắp nơi trên thế giới là sự đóng góp của ngành may mặc. Với đường kính chỉ từ 10 nanomet đến 0,05 mi-li-mét, những hạt nhỏ bé này chỉ tương đương với kích thước của các sinh vật phù du, tức là loại protein nằm ở cuối chuỗi thức ăn trong môi trường biển, và bị các loài khác ăn cùng với chúng.

Người ta phát hiện ra rằng hạt vi nhựa hấp thụ các chất gây ô nhiễm nguồn nước, chẳng hạn PCB và DDT (những chất này hiện nay vẫn đang được sử dụng rộng rãi sau nhiều năm Rachel Carson tiết lộ những thông tin chấn động về chúng). Và các nhà nghiên cứu cũng đo lường được một lượng hạt vi nhựa với mật độ dày đặc tồn tại trong cá và các loài động vật có vỏ ở khắp nơi trên thế giới, thậm chí ở cả Nam Đại Dương.

Làm sao những hạt nhỏ bé đó lại có thể vượt một hành trình xa xôi vạn dặm như vậy từ tủ quần áo trong nhà chúng ta ra tới biển? Mỗi lần quần áo của chúng ta được quay trong máy giặt, sợi vải lại bị dứt ra một chút rồi bị xả thẳng vào nguồn cung cấp nước. Như vậy, trong nguồn nước uống của chúng ta cũng đang tồn tại sẵn các hạt vi nhựa này. Theo ước tính, mỗi lần giặt máy thông thường lại thải ra ngoài 700.000 hạt vi nhựa, và tính trung bình, mỗi năm người dân Mỹ hấp thụ khoảng 70.000 hạt vi nhựa thông qua con đường ăn uống.

Nhưng chất tổng hợp không phải là thủ phạm duy nhất phá hủy nguồn nước sạch; bên cạnh đó, cây bông cũng là một trong những loại cây trồng đòi hỏi nhiều nước và phân bón nhất. Nó cũng đặc biệt dễ bị nhiễm sâu bệnh, nên việc trồng cây bông mỗi năm tốn khoảng 200.000 tấn thuốc trừ sâu và 8 triệu tấn phân bón.

Để sản xuất ra một chiếc áo sơ-mi bằng vải bông, người ta cần khoảng 2.700 lít nước, đủ để đáp ứng nhu cầu uống nước của một người trong 2,5 năm. Khối lượng nước mà hồ Aral ở Nam Á bị mất đi, và thực ra là sự biến mất của phần lớn bản thân chiếc hồ nước lớn này, là một bằng chứng rõ ràng cho thấy tác động tai hại của việc trồng bông. Uzbekistan đã trở thành quốc gia trồng bông lớn thứ sáu trên thế giới mặc dù thổ nhưỡng nơi đây không phù hợp để trồng loại cây này; để làm nên thành tích này, họ đã rút rất nhiều nước ở hồ Aral để phục vụ cho việc tưới tiêu, khiến hồ nước từng có kích thước lớn thứ tư thế giới giờ đây thu hẹp lại chỉ bằng 10% kích thước trước đây.

Trong một lần tới thăm hồ này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã sốc tới nỗi ông gọi đây là một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất trên thế giới.

Yếu tố tiếp theo góp phần tạo nên tình cảnh trớ trêu của ngành thời trang là thực tế rằng khoảng 73% số quần áo được sản xuất trên toàn cầu đều có điểm đến cuối cùng là các bãi rác, chỉ có 1% vải được tái chế, dù rằng có tới 95% số quần áo bị vứt đi đều có thể tái chế được. Ở Mỹ, sản lượng hàng năm ước đạt 12,7 triệu tấn, tương đương với việc mỗi năm một người Mỹ vứt đi gần 32kg vải.

Trong khi đó, khoảng 20% số lượng quần áo được sản xuất không đến được tay người tiêu dùng, phần lớn là bị chuyển tới bãi rác hoặc thiêu hủy. Chỉ tính riêng trong ngành bán lẻ tại Mỹ, tổng giá trị mất đi của lượng “hàng tồn kho chết” này rơi vào khoảng 50 tỷ USD mỗi năm. Vì sao không đem chúng đi quyên góp từ thiện? Các công ty sợ rằng hình ảnh thương hiệu của họ sẽ bị vấy bẩn nếu như người ta thấy quần áo của họ lại xuất hiện ở những địa điểm bán hàng hạ giá của các tổ chức từ thiện như Goodwill hay Salvation Army.

Đó là lý do phần lớn lượng hàng tồn kho dư thừa được quyên góp đều được vận chuyển ra nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả số quần áo quyên góp này rốt cuộc cũng lại bị chuyển tới bãi rác hoặc thiêu hủy. Tổ chức Oxfam cho biết, khoảng 70% số quần áo do các tổ chức từ thiện nước ngoài gửi đi đều được chuyển tới vùng hạ Sahara ở châu Phi, mà khí hậu ở vùng này lại không phù hợp để mặc áo len hoặc quần áo không phù hợp với phong cách của người dân sở tại. Không những thế, người châu Phi cũng để ý chuyện quần áo có hợp mốt hay không.

Một nghiên cứu do Quỹ Ellen MacArthur thực hiện phát hiện ra rằng nếu các xu hướng sản xuất dư thừa và vứt bỏ này tiếp tục diễn ra với tốc độ hiện nay, thì tới năm 2050 ngành thời trang sẽ chiếm 1/4 “ngân sách carbon” toàn cầu mỗi năm. Thật khủng khiếp. Làm sao mà việc chế tạo quần áo, một nghề trước đây vốn vẫn được coi là nghề thủ công dành cho những nghệ nhân khéo tay, trong đó quần áo được nhiều người cho là tài sản có giá trị cao nhất của mình, lại đi chệch hướng quá xa như thế này?

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành thời trang nhanh trong vài thập niên trở lại đây là đối tượng nhận được nhiều sự chỉ trích và sự buộc tội này là xứng đáng. Sản phẩm mà mô hình này tạo ra là những bộ đầm giá 5 USD và những chiếc áo khoác giá 10 USD, được may cẩu thả đến nỗi đường may có thể bất thình lình bục đứt ngay khi khổ chủ đang ngồi ăn giữa nhà hàng. Nhưng thực ra, xu hướng thời trang nhanh bắt đầu từ rất lâu trước đây, khi công ty E.I. DuPont de Nemours and Company phát minh ra loại vải tổng hợp hoàn toàn đầu tiên: nylon.

Ron Gonen/NXB Công thương & Thaihabooks.

SÁCH HAY