Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE - chuyên kinh doanh và nghiên cứu thị trường bất động sản) vừa công bố báo cáo tình hình bất động sản (BĐS) quý I/2015 cho thấy số lượng căn hộ tiếp tục được tung bán nhiều gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung mạnh
Năm 2015, thị trường BĐS tại TP HCM khởi đầu mạnh mẽ với hàng ngàn căn hộ được chào bán ở tất cả các phân khúc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Sự nhộn nhịp của thị trường thể hiện rõ qua việc các sàn giao dịch vẫn tiếp tục mua bán cho đến cận Tết Nguyên đán 2015. Hơn nửa số căn hộ chào hàng đã bán hết.
Công ty CP Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã khai trương khu căn hộ mẫu thuộc phân khúc cao cấp là Sky Center (quận Tân Bình) và dự án “trung bình khá” Melody Residences (quận Tân Phú). Tổng cộng 2 dự án này cung ứng 1.200 căn hộ ra thị trường. Trong tuần qua, ngay khi công ty CP Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) ra mắt căn hộ mẫu thì đã có khoảng 600 khách hàng đặt mua trong tổng số 1.300 căn hộ thuộc dự án Jamona Apartment (quận 7). Công ty CP Dịch vụ BĐS Eximland vừa thông báo nhận tiền cọc của khách thuộc dự án chung cư Bộ Công an (phường Bình An, quận 2) đã có khách đặt cọc mua sạch 100 căn hộ đưa ra bán.
Hơn 6.500 căn hộ của các doanh nghiệp bất động sản tại TP HCM được bán cho khách từ đầu năm đến nay. |
Ngoài lượng cung tăng, theo ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, giá chào bán cũng đã tăng 3%-5% so với quý trước tại một số dự án cao cấp có vị trí, hệ thống cơ sở hạ tầng tốt và có khả năng cho thuê cao.
Tiền chảy vào bất động sản
Nhận định của CBRE Việt Nam cho thấy các dự án BĐS đã và đang chào bán ở TP HCM không chỉ lớn hơn về quy mô mà còn định vị phân khúc cao cấp hơn của chủ đầu tư. Công ty CP Đầu tư Nam Long (Nam Long) trong tuần qua đã ký hợp tác với 2 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản để phát triển dự án Flora Anh Đào tọa lạc tại quận 9. Đây là dòng nhà chất lượng cao mà Nam Long đang hướng đến.
Nhiều dự án của công ty Novaland, công ty Phú Mỹ Hưng tung ra bán cũng đều hút khách.
Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển nhận định cách đây một năm, thị trường BĐS khởi sắc chỉ dựa vào căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội - phân khúc đáp ứng nhu cầu thật của người tiêu dùng nhưng người mua đa phần không có khả năng thanh toán bằng tiền mặt mà phải vay ngân hàng. Còn với thị trường căn hộ cao cấp, một khi đã nhộn nhịp chứng tỏ những người có tiền trước đây đứng ngoài “cuộc chơi” thì nay bắt đầu tham gia. Chưa kể lãi suất ngân hàng hiện xuống thấp, lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn nên dòng tiền đang dịch chuyển sang BĐS, một phần mua để đầu tư và một phần để cho thuê. “Chúng tôi theo dõi chưa thấy xuất hiện hiện tượng đầu cơ mà chỉ là sự dịch chuyển dòng tiền vào nơi được kỳ vọng sinh lợi tốt hơn, cụ thể là thị trường BĐS” - ông Hiển nói.
Thực tế, với nhiều thông tin vĩ mô tích cực trong quý I/2015 như: tăng trưởng kinh tế đạt 6,03%, cao nhất trong 3 năm qua; Ngân hàng ANZ vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2015 và 2016 lên 6,5% thay vì 6,2% và 6,4%, sự điều chỉnh này phản ánh nhu cầu nội địa đang được phục hồi; lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay đã giảm đáng kể từ đầu năm, trong đó lãi suất cho vay mua nhà giảm 1,5%-2%... Những thông tin này đặt ra nhiều kỳ vọng cho sự khởi sắc của thị trường BĐS thời gian tới.
Hà Nội “sốt” hơn
Từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội có 4.879 căn hộ được mở bán, chủ yếu thuộc 8 dự án phân khúc cao cấp, tăng 82% so với quý I/2014. Trong đó có khoảng 3.079 căn hộ đã được giao dịch. Phân khúc trung cấp tiếp tục có tỉ lệ giao dịch cao nhất, còn tỉ lệ giao dịch ở phân khúc bình dân sụt giảm so với quý trước.
Đáng lưu ý, những dự án có vị trí tốt, gần trung tâm đã tăng giá bán. Cụ thể, giá bán căn hộ tại các dự án cao cấp tăng 7% và bình dân tăng 5% so cùng kỳ.
Riêng phân khúc nhà biệt thự, nhà liên kế tại TP Hà Nội được ghi nhận không có thêm dự án mới được mở bán. Điều này phần nào làm giảm áp lực cho toàn thị trường khi mà nguồn cung vẫn đang chiếm ưu thế so với nguồn cầu.