Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cần hành động ngay hôm nay để ngăn chặn thảm họa môi trường

Trước tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương đáng báo động như hiện nay, các chuyên gia đều đồng tình Việt Nam cần hành động ngay lập tức để ngăn chặn thảm họa môi trường.

o nhiem nhua dai duong anh 1

“Chúng ta phải hành động ngay hôm nay, nếu muốn đảo ngược một trong những thảm họa lớn nhất về môi trường của thời đại”, bà Holly Lindquist Thomas, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Môi trường và Y tế tại Đại sứ quán Mỹ, phát biểu ngày 8/6.

Bà nhận định mọi người đều có vai trò trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần. “Mỗi khi các bạn đến cửa hàng tiện lợi, hãy tự hỏi mình liệu chúng ta có cần sử dụng chai nhựa đó, hay chúng ta có thể sử dụng sản phẩm thay thế khác”, bà nói.

Chia sẻ về tình hình phát thải nhựa tại Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Dương, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), cho biết Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia phát thải rác thải nhựa nhiều nhất thế giới (tính đến năm 2019).

Những con số báo động

TS Nguyễn Mỹ Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cũng trích dẫn số liệu cho biết 80-90% rác thải ở biển Việt Nam là rác nhựa.

Trong khi đó, tiến sĩ Trịnh Thái Hà, Giám đốc Quốc gia, Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa Việt Nam, cũng cảnh báo hàng năm có khoảng 3,6 triệu tấn rác thải nhựa sau tiêu dùng phát sinh tại Việt Nam, trong số đó chỉ có khoảng 11% được thu gom, tái chế.

o nhiem nhua dai duong anh 2

Theo chuyên gia, Việt Nam nằm trong top 5 nước phát thải nhựa nhiều nhất. Ảnh: Alamy.

“Có thể thấy con số 11% này là rất hạn chế, trong khi nhựa có rất nhiều giá trị khi chúng ta thu hồi và đưa nó vào vòng đời sản phẩm lâu dài hơn", bà Hà cho hay.

Từ đó, tiến sĩ Hà cũng viện dẫn nhiều mục tiêu của kế hoạch đối phó với vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, trong đó có việc giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và 85% rác thải nhựa phát sinh được thu gom, tái chế, tái sử dụng vào năm 2025.

“Chúng ta cần hành động và có những mục tiêu chung để hướng tới”, bà Hà nhấn mạnh.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của Zing về tính khả thi của mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm nhựa dùng một lần đến năm 2030, tiến sĩ Mỹ Hằng cho biết: “Tôi nghĩ rằng đây cũng là một trong những thách thức”. Tuy nhiên, bà khẳng định trước hết, mục tiêu này thể hiện “nỗ lực và ý chí chính trị” của Việt Nam.

Bà cho biết Việt Nam đã ban hành luật sửa đổi về bảo vệ môi trường vào năm 2020 và kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác nhựa. Tuy nhiên, trong hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều hoạt động vẫn bị hạn chế.

“Giải pháp cho vấn đề này không đơn giản và mỗi sản phẩm nhựa đều có vòng đời riêng. Mỗi chúng ta đều đóng góp vào vòng đời đó. Vì vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu loại bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần là trách nhiệm của toàn xã hội”, bà nói.

Không ít thách thức

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa cũng gặp không ít thách thức.

“Vấn đề thứ nhất là việc huy động tài chính để có thể thực hiện những kế hoạch dài hạn và đầu tư vào hoạt động nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần có lộ trình chi tiết, cụ thể để chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn”, bà Hằng nói.

Ngoài ra, theo bà Hằng, “chúng ta cần kêu gọi các đối tác trong vòng đời của sản phẩm nhựa thực sự tham gia vào quá trình quản lý rác thải”.

Những thách thức khác được vị tiến sĩ đề cập là công nghệ và nâng cao năng lực ở mọi cấp. “Thách thức cuối cùng là nâng cao năng lực ở các cấp, từ trung ương đến địa phương, để mỗi người có thể đóng góp, chia sẻ với cộng đồng về việc giảm thiểu rác thải nhựa đại dương", bà nói.

Chia sẻ quan điểm này, tiến sĩ Dương cũng cho rằng tính ứng dụng của công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các dự án giảm phát thải rác nhựa ở Việt Nam.

“Chúng ta không thể yêu cầu triển khai một công nghệ hay kĩ thuật hoàn toàn không thể áp dụng tại Việt Nam. Phải tập trung vào những công nghệ phù hợp với từng địa phương”, ông nói.

o nhiem nhua dai duong anh 3

Các chuyên gia trả lời câu hỏi tại sự kiện ở Đại sứ quán Mỹ hôm 8/6. Ảnh: Hải Linh - Vân Đinh.

Trong khi đó, để đối phó với vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, TS Thái Hà đề cập đến giải pháp “có thể tạo ra đòn bẩy”, đó là tăng giá trị sau sử dụng của sản phẩm nhựa. Trong đó, bà Hà đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của khối thu gom "phi chính thức" - những người thu mua ve chai, đại lý thu mua phế liệu,...

“Những lực lượng lao động này đang đóng góp một phần không nhỏ giúp chúng ta giảm thiểu thất thoát nhựa ra môi trường”, bà nói.

Về vấn đề này, ông Dương cũng cho rằng cần phát huy vai trò của hệ thống những người thu gom ve chai trong quá trình giảm phát thải rác thải nhựa.

“Chúng ta cần hiểu cách hoạt động của mạng lưới này. Ở các thành phố lớn, những người thu gom ve chai là nguồn lực chính để thu gom rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa giá trị cao vì họ có thể bán lại cho (các cơ quan xử lý)”, tiến sĩ Dương cho hay.

Khi được hỏi về tầm quan trọng của hành vi cá nhân và việc chung tay hành động, ông Dương nhận định, việc phân loại rác thải cần bắt nguồn từ từng hộ gia đình. Nếu mỗi cá nhân làm tốt việc phân loại, điều đó sẽ hỗ trợ rất lớn cho các đơn vị thu gom. Khi đó, hiệu quả sẽ “tăng lên không chỉ theo cấp số cộng mà là cấp số nhân”.

Cũng theo chia sẻ của ông, kể từ năm 2016, USAID đã tổ chức và tham gia nhiều dự án giảm phát thải rác thải nhựa tại Việt Nam. Trong đó, dự án trọng điểm nhất của USAID hiện nay là “Hành động chống ô nhiễm nhựa tại Việt Nam”, tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh,..., với quy mô hơn 20 triệu USD trong 5 năm.

Tuy nhiên, tính bền vững của các dự án giảm phát thải nhựa tại địa phương vẫn là câu hỏi cần lời giải đáp. Những dự án này thường được tổ chức trong ngắn hạn và khó kéo dài sau khi đơn vị hỗ trợ đã rời đi.

"Các dự án thường thiếu tính bền vững, đặc biệt là những dự án nhỏ", ông Dương nhận định.

"Từ kinh nghiệm của tôi, một trong những bài học lớn nhất để đảm bảo tính bền vững nằm ở khâu đánh giá ban đầu và việc đảm bảo lợi ích, đáp ứng nhu cầu của từng địa phương. Và USAID luôn đặt tiêu chí này lên hàng đầu”, ông cho hay.

Lần đầu tìm thấy vi nhựa trong tuyết rơi ở Nam Cực

Các nhà khoa học từ Đại học Canterbury ở New Zealand đã thu thập mẫu từ 19 địa điểm ở Nam Cực và lần đầu tiên họ tìm thấy vi nhựa trong tuyết mới rơi tại khu vực này.

Sau chính sách Zero Covid-19 ở Hong Kong là núi rác nhựa chồng chất

Chính sách phòng dịch nghiêm ngặt của Hong Kong khiến đồ nhựa xuất hiện ở khắp nơi trong khu cách ly, từ bọc giấy bóng cho điều khiển tới dụng cụ ăn uống dùng một lần.

Hải Linh - Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm