Ghi nhận những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) ghi nhận hai thành tựu nổi bật của năm 2015. Một là bảo đảm tăng trưởng kinh tế 6,5%, bảo đảm thu ngân sách; hai là chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt đã ký kết TPP, tạo cơ hội để Việt Nam cân bằng thương mại, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, đại biểu Hòa băn khoăn, chỉ số tăng trưởng 5 năm qua chỉ đạt mức trung bình 5,8% - thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước: “Động lực tăng trưởng đến nay đã đạt mức bão hòa. Các nguồn lực phát triển cần phải được tạo ra những động lực mới, trong đó đặc biệt là động lực cải cách thể chế và khoa học công nghệ để mở ra chu kỳ mới phát triển về chiều sâu và phát triển bền vững”.
Phân tích sâu chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong tương quan khu vực, ông Nguyễn Ngọc Hòa lưu ý nhiều chỉ số đạt ở mức thấp: về thể chế là 85, về sự phát triển thị trường tài chính 84, giáo dục - khoa học thứ 95, trình độ công nghệ 92 và đặc biệt là độ tinh vi trong tổ chức và quản trị doanh nghiệp đứng thứ 100.
Vị đại biểu này nhấn mạnh, Việt Nam cần tập trung cải cách thể chế, tạo động lực tăng trưởng mới, đặc biệt trong điều kiện hội nhập cao do TPP mang lại.
Theo đó, doanh nghiệp phải là lực lượng nòng cốt và phấn đấu 5 năm tới lên con số 2 triệu. Hiện nay, nền kinh tế có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 800.000 doanh nghiệp đăng ký và chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ.
“Trong các báo cáo, chúng ta chỉ ra các nguyên nhân cụ thể nhưng giải pháp thì chưa quyết liệt, chưa rõ trách nhiệm, và lộ trình; ít xử lý trách nhiệm. Cần nâng cao quản lý Nhà nước thiết lập cơ chế kiểm tra trách nhiệm cụ thể trong quản lý điều hành”, đại biểu Hòa nhấn mạnh.
Nợ xấu: Thu gom mà chưa xử lý?
Ghi nhận nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế tiền tệ và tín dụng, với những chuyển biến tốt ở giai đoạn đầu, đại biểu Thân Văn Khoa đặt câu hỏi về thực tế tình hình nợ xấu. Theo báo cáo, nợ xấu đã về dưới mức 3%. Nhìn số liệu thì thấy cứ tiến triển như vậy thì nợ xấu không còn là nỗi lo nhưng thực tế được xử lý như thế nào?
Đại biểu này phân tích, từ 1/10/2013–25/10/2015 nay, các tổ chức tín dụng bán cho Công ty mua bán nợ VAMC. Tuy nhiên, VAMC xử lý chỉ đạt tỷ lệ thấp, 7,2% so với dư nợ gốc và 8,5% so với giá mua. Phần lớn số nợ VAMC mua chỉ gom lại mà chưa được giải quyết tận gốc. Bản chất nợ xấu vẫn còn đó.
Vì sao 13 học sinh du học, 12 người ở lại?
Lấy câu chuyện 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đi du học, 12 người ở lại nước ngoài làm việc, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) đặt câu hỏi: “Chúng ta có trăn trở việc này không, trong khi đó nhiều địa phương đang cố gắng cân đối ngân sách cho chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ?”.
Ông kiến nghị thời gian tới cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng nhân tài, hết sức chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư bài bản, chứ không chỉ dựa vào nguồn nhân lực Nhà nước đào tạo.