Trò chuyện với Chủ tịch nước, cộng đồng doanh nhân tại TP.HCM cho rằng hiện tại nguồn lực về đất đai, nguồn tài nguyên và giá trị vốn hóa của doanh nghiệp nhà nước rất cao. Đây là điều mà ít có nước nào trên thế giới có được, tuy nhiên chúng ta không tận dụng hết và đang phí hoài điều này.
Trái ngược với cái nhìn bi quan về kinh tế vĩ mô của một số người, các doanh nhân cho rằng nếu bình tĩnh và có cơ chế tốt, chúng ta có thể giải quyết được khó khăn hiện tại.
Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp nhà nước có giá trị cao Ảnh minh họa: Hà Nội Mới. |
Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Capella Holdings, cho rằng con số nợ công hiện nay khoảng 100 tỷ USD tưởng chừng rất khủng khiếp nhưng dùng nguồn lực quốc gia để cân đối thì cũng không quá khó.
"Để bán và giải quyết khoản nợ này vẫn nằm trong khả năng nếu có cơ chế luật pháp để khai thác được nguồn lực quốc gia”, ông Trí nói.
Ông Trí đơn cử, Việt Nam đang sở hữu những doanh nghiệp nhà nước có giá trị vốn hóa lớn và có thể tính toán để gia tăng giá trị trong quá trình thoái vốn nhà nước. Cụ thể nhà nước đang chào bán 9% trên tổng số 45% cổ phần của Vinamilk với giá khởi điểm khoảng 900 triệu USD. Khi đấu giá lô cổ phần này có thể đạt dược 1,3 tỷ USD.
"Nếu chúng ta dám bán đấu giá nguyên lô 45% thì giá trị mang về rất lớn mà theo giới chuyên môn đánh giá lên đến 10 tỷ USD", ông Trí nêu.
Các doanh nghiệp nhà nước khác cũng tương tự. Nếu Chính phủ làm quyết liệt, có cơ chế đúng đắn thì Sabeco, Viettel, Vinataba... sẽ đóng góp con số lớn cho ngân sách quốc gia.
Cơ chế trói chân
Tại cuộc gặp, nhiều doanh nhân cũng đưa việc mua hụt siêu thị Big C của một doanh nghiệp trong nước như một bài học cho Việt Nam trong việc cơ chế, chính sách trói chân khiến họ không thể tăng tốc trong giai đoạn quyết định.
Theo các vị này, nếu cơ chế cho doanh nghiệp còn bị bỏ ngỏ thì ngoài việc không mua được công ty tốt mà ngay cả các đơn vị lớn trong nước cũng rơi vào tay đối tác ngoại.
Các doanh nhân chỉ ra thực tế Thái Lan đang sở hữu trong tay phần lớn hệ thống bán lẻ tại Việt Nam. Thậm chí những doanh nghiệp lớn của Thái cũng chờ sẵn để mua lại cổ phần khi nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco… Đây là điều tương đối nguy hiểm.
"Chúng ta cần bình tĩnh tạo ra luật chơi để tìm nhũng nhà đầu tư có lợi nhất cho đất nước mà không ảnh hưởng tới doanh nghiệp", ông Trí nêu. "Giới doanh nhân không xin nhà nước bất cứ vấn đề gì về tiền bạc, mà cái họ cần nhất là một hệ thống pháp luật, chính sách, đường lối chủ trương rõ ràng, thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Tận dụng tài nguyên chưa hiệu quả
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, lo ngại về việc tận dụng tài nguyên của Việt Nam vẫn chưa hiệu quả nhất là để sản xuất các nguyên liệu đầu vào.
Đây là lý do khiến doanh nghiệp sản xuất nội không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp ngoại vì khó đua về giá.
Ngành nhựa có trên 3.000 doanh nghiệp nhưng mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 6-7 tỷ USD hạt nhựa.
Nếu Việt Nam xuất khẩu dầu thô nhiều thì cũng nên tính toán phải sản xuất hạt nhựa. Bởi lẽ các nước láng giềng đặc biệt là Thái Lan đã sản xuất được hạt nhựa và xuất sang Việt Nam với giá có lời. Chính doanh nghiệp Việt Nam đang nhập những hạt nhựa này để sản xuất sản phẩm cạnh tranh với hàng của họ.
Với 4 triệu tấn hạt nhựa nhập 6 tỷ USD nhưng năm 2015 chúng ta xuất lên đến 10 triệu tấn dâu thô chỉ tương đương 3,9 tỷ USD. Nếu tính đơn giá dầu thô tại thị trường Indonesia mới đây chỉ có giá 288 USD/tấn trong khi đó hạt nhựa lại nhập tới 1.300 USD/tấn.
"Chúng ta để ra một khoảng hở gần 1.000 USD/ tấn (10 tỷ USD) nếu chúng ta không phát triển nhà máy lọc dầu và hóa dầu và sản xuất hạt nhựa. Đây là một điều hết sức bất cập và đau khổ cho doanh nghiệp sản xuất nhựa trong nước", ông Việt Anh phân tích.