Hai hình ảnh vệ tinh mới cho thấy căn cứ của Trung Quốc tại Djibouti, nằm ở vị trí chiến lược thuộc vùng Sừng châu Phi, được bảo vệ nghiêm ngặt với 3 lớp an ninh và có khoảng 23.000 m2 diện tích dưới mặt đất.
CNN cho hay hình ảnh được cung cấp bởi Stratfor Worldview và Allsource Analysis ngày 26/7. Các đánh giá được đưa ra bởi các chuyên gia phân tích của Stratfor, một hãng phân tích tình báo địa chính trị có uy tín của Mỹ.
"Kiểu xây dựng này tương thích với thói quen đã được biết tới của Trung Quốc trong việc kiên cố hóa căn cứ quân sự. Những cấu trúc ngầm cho phép tiến hành các hoạt động mà không ai để ý cũng như bảo vệ các phương tiện, kho tàng trọng yếu của quân đội Trung Quốc tại Djibouti", Stratfor phân tích.
Trung Quốc đã đưa quân đến căn cứ này hồi đầu tháng 7. Mỹ, Pháp và Nhật cũng có căn cứ quân sự thường trực tại Djibouti. Tuy nhiên theo nhà phân tích Sim Tack của Stratfor, những căn cứ của 3 nước này không quá kiên cố.
Hình ảnh vệ tinh được Stratfor và Allsource cung cấp. Ảnh: Stratfor/Allsource. |
Hiện giới chuyên gia vẫn chưa xác định rõ quy mô của căn cứ quân sự đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập tại nước ngoài. Trong khi đó, CNN cho biết căn cứ của Mỹ từng được mở rộng vào năm 2005 với diện tích khoảng 200 ha.
Căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti, vị trí chiến lược thuộc vùng Sừng châu Phi. Đồ họa: CNN. |
"Dù đây chỉ là một trong những căn cứ ở Djibouti mà các nước khác cũng có, Trung Quốc đã làm theo cách riêng của họ", nhà phân tích Tack nói.
Các nhà phân tích nói căn cứ này là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng lực lượng hải quân thực sự vươn tầm toàn cầu với năng lực tiến hành nhiệm vụ ở mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ những nhận định rằng Bắc Kinh muốn bành trướng và mở rộng ảnh hưởng.
Giới quan sát cũng cho rằng căn cứ của Trung Quốc sẽ không chỉ được dùng cho mục đích hải quân. Nó có các bãi đỗ và nhà chứa đủ lớn để phục vụ nhiều loại trực thăng, song không phải máy bay cánh cố định hay máy bay chiến đấu.