Ted Dintersmith có bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật của ĐH Stanford, Mỹ. Ông hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo, đối tác cấp cao của một công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu Mỹ.
Là cha của hai người con ở tuổi đi học, Ted quan sát và cho rằng có sự mất kết nối giữa trường học và một thế giới ngày càng đổi mới. Từng điều hành một công ty khởi nghiệp sản xuất vật liệu bán dẫn mở đường cho cuộc cách mạng kỹ thuật số, ông hiểu rằng những tiến bộ trong công nghệ sáng tạo đang ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống.
Ted gặp gỡ các chuyên gia giáo dục để tìm hiểu thêm và thường được các chuyên gia khuyên nên tìm gặp Tony Wagner.
Tony Wagner là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Giáo dục của Phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo thuộc Đại học Harvard, Mỹ. Ông lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ Giáo dục học tại Đại học Harvard. Ông có 12 năm giảng dạy trong vai trò giáo viên trung học, sau đó làm việc tại đại học chuyên ngành sư phạm và là người sáng lập tổ chức “Các nhà giáo dục vì trách nhiệm xã hội”. Tony Wagner cũng là tác giả của nhiều đầu sách về giáo dục.
Gặp gỡ giữa Ted Dintersmith và Tony Wagner đã trở thành một cuộc thảo luận dài. Họ cùng cho rằng hệ thống giáo dục lỗi thời đang cản trở sự đổi mới - yếu tố quyết định để thành công trong nền kinh tế ngày nay.
Sách Cơ hội để thành công. Ảnh: Iper. |
Ted Dintersmith và Tony Wagner đã hợp tác với đạo diễn Greg Whiteley để sản xuất bộ phim Most Likely to Succeed, công chiếu năm 2015. Đây là phim tài liệu theo chân hai nhóm học sinh lớp 9 trong suốt một năm. Sau khi đưa phim lưu diễn trên khắp nước Mỹ, Ted Dintersmith và Tony Wagner phát hành cuốn sách What School Could Be: Insights and Inspiration from Teachers Across America.
Cuốn sách mới được phát hành tiếng Việt với tên Cơ hội để thành công - chuẩn bị gì cho giáo dục thế kỷ XXI (Ngô Huy Tâm, Lý Mỹ Hạnh dịch, Hoàng Anh Đức hiệu đính, Iper và Nhà xuất bản Dân trí phát hành).
Các tác giả chỉ ra cách giáo dục cũ đã không còn phù hợp. Xã hội quá coi trọng bằng cấp, con người dần hình thành tư duy bằng cấp là vượt trội. Trong khi đó, ít ai để ý đến mục đích thực sự của giáo dục, của học tập.
Giáo dục phổ thông đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc chạy đua điên cuồng để có được bằng cấp đại học. Các bài kiểm tra, bài thi để đánh giá năng lực học sinh phiến diện. Sách chỉ ra học thuộc lòng, nội dung giảng dạy sáo rỗng mài mòn khả năng sáng tạo, óc tưởng tượng cùng niềm vui học tập của học sinh, sinh viên.
Hai tác giả cho rằng thế giới ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Kinh tế, công nghệ, đời sống trong kỷ nguyên mới đòi hỏi người lao động không chỉ có kiến thức, thái độ, kỹ năng mà cả việc thích ứng, khả năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Do đó, trường học không thể mãi dạy theo hình thức của 100 năm trước, mà cần đổi mới sáng tạo.
Nhà trường thế kỷ XXI cần dạy những tri thức mới mẻ, cập nhật, có tính ứng dụng. Trường học nên là nơi xây đắp, khơi gợi người học sự sáng tạo, tư duy giải quyết vấn đề hơn là đi vào lý thuyết.
Bức tranh giáo dục Mỹ mà hai tác giả chỉ ra trong sách đồng thời phản ánh thực trạng giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới.
Thạc sĩ Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia, cho rằng nếu đọc vội cuốn sách này, có thể bạn sẽ thấy chẳng có gì thú vị, bởi bạn sẽ cảm nhận rằng tác giả không làm việc gì khác ngoài bới móc và chỉ trích.
“Thế nhưng, nếu bạn đọc kỹ hơn, tôi tin rằng bạn sẽ tìm thấy nhiều niềm tin hơn vào sự sáng tạo và thay đổi - cơ chế giúp cho các thế hệ tương lai thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp của chính chúng ta”, thạc sĩ Hoàng Anh Đức nhận xét.