Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố chiều 10/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhận định thời gian qua, TP đã vào cuộc chống dịch với tinh thần quyết đoán, kịp thời, nhanh nhạy, bản lĩnh, công khai, minh bạch.
Hà Nội đã vượt qua những thời điểm rất cam go
“Thành phố đã vượt qua những thời điểm rất cam go, phức tạp như khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, rồi ca tại Bệnh viện Bạch Mai; đối mặt với nhiều ca phức tạp khi đi lại tiếp xúc với rất nhiều nơi, trực tiếp liên quan đến các y tế. Mới đây nhất, phải phong tỏa cả thôn Hạ Lôi để phòng dịch với trên 11.000 dân”, Bí thư Hà Nội chia sẻ và khẳng định thành phố đã vượt qua, kiểm soát được tình hình.
Theo ông Huệ, Hà Nội là địa phương chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19, có nguy cơ rủi ro lớn nhất với nguồn bệnh bên ngoài, sau đó lây chéo từ bên trong. Đến nay, đây cũng là nơi có số ca bệnh cao nhất cả nước.
Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định thành phố đã vượ qua, kiểm soát được tình hình. Ảnh: Võ Lâm. |
“Hà Nội cũng phải thực hiện trách nhiệm của Thủ đô khi đón và thực hiện các biện pháp đưa đón, cách ly, chăm sóc, theo dõi sức khỏe với lưu học sinh, công dân Việt Nam ở nước ngoài về. Con số sơ bộ đến nay là 55.000 người”, Bí thư Hà Nội thông tin.
Nhắc đến thực tại, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho biết vào thời điểm số ca nhiễm giảm đi, đã bắt đầu có hiện tượng chủ quan, số lượng người đổ ra đường tập trung ở nơi công cộng tăng lên.
Ông nhắc đến yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng và cho rằng cách ly xã hội hiện nay là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa Covid -19 lây lan.
"Cần chấp hành như chấp hành mệnh lệnh trong thời chiến. Chúng ta không bàn luận, không suy nghĩ, phân tích nhiều, mà đây là vấn đề cấp bách để giảm thiểu thiệt hại", ông Huệ nhấn mạnh.
Ngoài công tác chống dịch, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải duy trì hoạt động thiết yếu của đời sống kinh tế xã hội để giảm thiểu thiệt hại kinh tế, tập trung tăng cường cho các hoạt động kinh tế mà thành phố có dư địa, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Với gói an sinh xã hội để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh nguyên tắc đúng người, đúng việc, kịp thời, tuyệt đối không được để ra sai phạm, tiêu cực, trục lợi.
Dịch lây lan sẽ “không kịp trở tay”
Thông tin chung về tình hình dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tuần qua TP có 9 ca dương tính, chỉ bằng 1/5 tuần trước.
Tuy nhiên trên địa bàn có những ca bệnh như 237, 243 diễn biến đi nhiều nơi, đến nhiều bệnh viện. Đặc biệt, ca bệnh 237 chưa xác định được nguồn gốc lây nhiễm; bệnh nhân 254 đã lây nhiễm cho các bệnh nhân trong Bệnh viện Thận.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lo ngại nếu để dịch lây lan sẽ "trở tay không kịp". Ảnh: Võ Lâm. |
Qua việc này, ông Chung nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của lây lan dịch bệnh trong giai đoạn này, nếu lây thì sẽ lan rất nhanh.
Chủ tịch Hà Nội đề nghị trong giai đoạn này cần thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Trung ương và thành phố, đặc biệt, tuyệt đối không có việc cần thiết thì không ra ngoài đường trong những ngày tới.
Nêu vấn đề trong vài ngày có một bộ phận người dân đã dấu hiệu chủ quan, ra đường khi không có việc thiết yếu, ông Chung dẫn tổng kết của chuyên gia WHO: “Trong giai đoạn này, nếu các biện pháp chùng xuống, người lại đổ ra đường khi đã có dấu hiệu dịch tễ trong cộng đồng thì việc lây lan dịch bệnh sẽ đến rất nhanh, Việt Nam sẽ không kịp trở tay”.
Các ngả đường vào trung tâm thủ đô đông đúc xe cộ. Ảnh chụp sáng 9/4 trên đường Lê Văn Lương: Hoàng Hà. |
Dẫn chứng về bài học ở Tokyo và New York, Chủ tịch thành phố tái khẳng định: "Chỉ cần 10% người dân không chấp hành, vẫn ra đường thì tất cả chỉ đạo của Thủ tướng về cách ly xã hội không có tác dụng. Vì vậy, người dân cần thực hiện nghiêm túc 5 ngày tới để virus không có điều kiện lây trên địa bàn, công việc phòng chống dịch bệnh của Thành phố mới có hiệu quả", ông Chung nói.
Nêu vấn đề liên quan công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, Chủ tịch Hà Nội đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, đặc biệt liên quan trang thiết bị y tế, khẩu trang.
Đối với trang thiết bị y tế cho dự phòng, đề nghị Sở Y tế rà soát lại toàn bộ trang thiết bị phục vụ trong công tác phòng chống dịch và dự phòng.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu giám đốc các bệnh viện cũng như các cơ sở y tế khác thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế hướng dẫn liên quan đến tất cả các trường hợp đến khám, chữa bệnh trên các cơ sở y tế trên địa bàn phải được tiến hành phân luồng, kiểm tra do thân nhiệt, khai báo y tế.
Đối với các trường hợp bệnh nhân nặng thì chỉ cho một người nhà thăm gặp, trông nom, không được tổ chức việc thăm gặp nhiều trong bệnh viện.
Công chức Thủ đô ủng hộ hơn 56 tỷ để chống dịch
Tại phiên họp, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã trao tặng, chuyển giao quà ủng hộ từ các tổ chức và cá nhân cho thành phố, bao gồm: 20 máy thở; 40.000 bộ đồ bảo hộ y tế; 5 bộ đèn đặt nội khí quản; 65 máy lọc nước RO trị giá 2,1 tỷ đồng.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Ngô Văn Quý thay mặt lãnh đạo thành phố cũng trao tặng 56 tỷ 200 triệu đồng - là tiền 1 ngày lương toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức thành phố để chung tay hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ hộ nghèo.