Hệ thống do Đài Loan tự nghiên cứu và phát triển này sẽ có khả năng phát hiện, làm nhiễu sóng và chặn bắt các UAV cỡ nhỏ để bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng bờ biển và các đảo nhỏ mà vùng lãnh thổ này kiểm soát, theo South China Morning Post.
Với trị giá 4,35 tỷ tân Đài tệ (143 triệu USD), hệ thống được thông báo triển khai giữa lúc các vụ việc UAV từ đại lục đi vào không phận đảo Kim Môn đang “làm nóng” các cuộc tranh luận về quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Hệ thống tự phát triển
Dù thông tin về hệ thống phòng không mới này được đưa ra cùng thời điểm Washington công bố gói vũ khí 1,1 tỷ USD cho Đài Loan, hai sự việc không liên quan đến nhau.
Thay vào đó, hệ thống mà Đài Bắc tính triển khai do Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn (NCSIST) - cơ quan nghiên cứu trang thiết bị quân sự hàng đầu của vùng lãnh thổ này - tự phát triển.
Hệ thống này được thiết kế với mục tiêu chính là phát hiện và làm nhiễu sóng các UAV nhỏ. Trong video giới thiệu sản phẩm, NCSIST cho biết radar của hệ thống có thể phát hiện UAV đang xâm phạm vùng trời, cũng như nhận diện chúng qua camera và tần số.
Một vũ khí chống UAV của lực lượng Đài Loan. Ảnh: Taiwan News. |
Nếu UAV kể trên được phát hiện là của kẻ địch, một hệ thống gây nhiễu điện tử sẽ được kích hoạt để làm gián đoạn khả năng kiểm soát của đối phương, trước khi một UAV khác được cử lên để “bắt” thiết bị xâm phạm bằng lưới.
Hệ thống có thể được sử dụng cho mục đích “an ninh quốc phòng, bảo vệ sân bay, bảo vệ và theo dõi an ninh bờ biển, bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ các cơ sở quan trọng, phòng vệ trước tấn công khủng bố”, NCSIST tuyên bố.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan hồi cuối tháng 8 cho biết họ đã hoàn thiện kế hoạch thiết lập hệ thống “để đối phó với các UAV dân sự xâm phạm”, truyền thông địa phương cho biết.
Cơ quan trên dự kiến triển khai hệ thống phòng không mới ở mọi căn cứ, cảng, sân bay, cũng như trên 45 hòn đảo xa bờ, doanh trại hẻo lánh, đỉnh núi cao, trận địa tên lửa trong bốn năm tới. Theo cơ quan trên, mọi UAV xâm phạm các khu vực này sẽ bị phát hiện và ngăn chặn.
Hồi tháng 5, cơ quan phòng vệ Đài Loan và NCSIST đã ký kết thỏa thuận về lô hàng đầu tiên để triển khai vào năm 2023. Các hòn đảo xa bờ sẽ được ưu tiên để đối phó với các mối đe dọa mang tính “vùng xám”.
Nhu cầu phòng vệ
Hôm 1/9, cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết họ đã bắn rơi một UAV dân sự xâm nhập vào không phận của vùng lãnh thổ này. Đây là lần đầu tiên lực lượng Đài Loan hạ một UAV bay vào lãnh thổ do họ kiểm soát.
Trên thực tế, việc các UAV dân sự bay vào lãnh thổ các đảo của Đài Loan nằm sát đại lục đã trở thành vấn đề với lực lượng vũ trang vùng lãnh thổ này. Hôm 30/8, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ra lệnh về biện pháp trả đũa “cần thiết và mạnh mẽ” - điều được diễn giải là cho phép bắn hạ.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn thị sát lực lượng vũ trang ở quần đảo Bành Hồ hôm 30/8. Ảnh: AP. |
Hồi cuối tháng 8, một video cho thấy binh sĩ Đài Loan ném đá vào một UAV từ đại lục “làm nóng” mạng xã hội Trung Quốc, thu hút hàng triệu lượt xem và kích thích các cuộc tranh luận ở cả hai bờ eo biển Đài Loan. Quân đội Đài Loan tuyên bố đây là một UAV dân sự bay vào vùng trời đảo Nhị Điểm sát đại lục hôm 16/8.
Với việc quần đảo Kim Môn của Đài Loan chỉ nằm cách đại lục một vài cây số, việc các UAV dân sự - kể cả loại có giá thành rẻ - bay được ra nơi đây không phải điều quá khó khăn. Hôm 31/8, một tài khoản mạng xã hội đại lục đăng tải nhiều đoạn phim về các chốt canh gác ở Kim Môn, cho biết chúng được quay hôm 30-31/8.
Khi quân đội Trung Quốc tăng cường hiện diện xung quanh Đài Loan, tần suất lực lượng này đưa UAV tới khu vực cũng gia tăng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây cho biết đã phát hiện một UAV TB-001 ở bờ biển phía đông Đài Loan.
Thuộc dòng có độ cao trung bình và khả năng hoạt động trong thời gian dài (MALE), TB-001 có tốc độ tối đa lên tới hơn 300 km/h, độ cao tối đa 8.000 m và khả năng hoạt động 3.000 km hoặc 35 giờ bay.
Nhiều quốc gia đã tập trung nghiên cứu và phát triển cách ứng phó với UAV, vốn có vai trò ngày càng gia tăng trong chiến tranh hiện đại. Các biện pháp chống UAV phổ biến có thể kể đến như tác chiến điện tử, sử dụng các vũ khí có năng lượng cao như laser, cũng như cả hệ thống súng và tên lửa phòng không thông thường.
Bên cạnh đó, chiến thuật “dùng UAV chống lại UAV” - giống như hệ thống Đài Loan sắp triển khai” - cũng được nhiều quốc gia ưa thích. Hệ thống Coyote của công ty Raytheon (Mỹ) là ví dụ điển hình cho phương pháp này.
Khi bay đến gần UAV đối phương, UAV phòng thủ của Raytheon sẽ đâm thẳng vào mục tiêu hoặc kích nổ đầu đạn nó mang theo để tiêu diệt.