Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cán bộ vi phạm ở quy mô, mức độ nào cũng phải xử nghiêm'

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, tiền tài, vật chất là một thứ cám dỗ khó cưỡng. Cán bộ nếu không kiểm soát được quyền lực, không vượt qua được cám dỗ sẽ dễ mắc sai lầm.

Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ đi xa, 50 năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ với Zing.vn về nhiều bài học và câu chuyện trong công tác xây dựng Đảng xưa và nay.

Không vì yếu kém của một bộ phận mà phủ nhận thành tựu

- Thời điểm Bác Hồ viết di chúc với những lời căn dặn về xây dựng Đảng đã 50 năm. Bối cảnh nay đã khác xưa rất nhiều khi các biểu hiện suy thoái tư tưởng, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ đã thành một nguy cơ lớn trong Đảng. Theo ông, làm theo Di chúc của Bác, nhưng xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới phải đối mặt với những thách thức nào?

- Từ khi thực hiện Di chúc của Bác năm 1969 đến nay, riêng mảng về xây dựng chỉnh đốn Đảng ta có rất nhiều thành tựu. Trước hết là sự kiên định để tạo ra nền móng vững chắc cho Đảng phát triển tư tưởng.

Đội ngũ Đảng viên giờ cũng đông lên rất nhiều, 50 năm trước mới khoảng 1,3 triệu, giờ là gần 5 triệu đảng viên. Chúng ta thành công nhờ đổi mới trong lãnh đạo của Đảng về tư duy, đường lối, phong cách lãnh đạo…

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận tồn tại là một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về đạo đức chính trị, có tư tưởng tự diễn biến, tự chuyển hóa với 27 biểu hiện suy thoái đã được Hội nghị Trung ương 4 khóa XII nêu.

Di chuc Bac Ho anh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 30/1/1957. Ảnh tư liệu.

Tình trạng suy thoái của bộ phận này đang thể hiện rõ nhất ở tệ tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, cơ hội về chính trị, tha hóa về lối sống và đạo đức, không thực hiện được nghiêm túc lời căn dặn của Bác Hồ là cần - kiệm - liêm - chính… Đây là vấn đề cần tập trung trong công tác xây dựng Đảng, nếu làm tốt sẽ đẩy lùi, khắc phục dần yếu kém trong Đảng, làm cho sức chiến đấu của Đảng được nâng cao.

Tình trạng suy thoái của một bộ phận cán bộ thể hiện rõ nhất ở tệ tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, cơ hội về chính trị, tha hóa về lối sống và đạo đức, không thực hiện được nghiêm túc lời căn dặn của Bác Hồ.

Ở thời Bác Hồ ít tiêu cực lắm. Tôi nghiên cứu thấy từ năm 1954-1975, số cán bộ bị kỷ luật không đáng kể, nhất là cán bộ cấp cao hay diện Trung ương quản lý.

Giờ thì rất nhiều. Tính từ Đại hội XII đến nay đã có 70 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, trong đó có cả những ủy viên Trung ương đương chức. Họ bị kỷ luật với nhiều mức khác nhau, thậm chí xử lý hình sự. Đó là điều đáng buồn.

Bây giờ khác trước bởi trước kia ta kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, xây dựng CNXH ở miền Bắc, tất cả dồn sức cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên ít có điều kiện để cán bộ đảng viên mắc sai lầm.

Nhưng nay tiền tài, vật chất là một thứ cám dỗ khó cưỡng. Cán bộ, đảng viên là những người có chức, có quyền nhiều khi lợi dụng, tha hóa quyền lực, họ lạm quyền, lộng quyền, không kiểm soát được quyền lực dẫn đến dễ mắc sai lầm.

Hay nói cách khác, họ không vượt qua được cám dỗ của tiền tài, vật chất.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, giáo dục lại lỏng lẻo, chưa đến nơi đến chốn, cán bộ, Đảng viên lại thiếu tu dưỡng, coi nhẹ việc phê bình và tự phê bình nên dẫn đến nhiều sai lầm.

- Vừa qua, chúng ta nói nhiều đến mục tiêu xây dựng lồng cơ chế để kiểm soát quyền lực. Quan sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ông đã nhận thấy những cơ chế nào được hình thành để kiểm soát quyền lực?

- Chúng ta đang trong quá trình định hình để siết chặt lại, chứ cơ chế kiểm soát quyền lực chưa thật rõ ràng. Kiểm soát quyền lực trước hết phải bằng kỷ luật Đảng, các hình thức kỷ luật phải rất nghiêm, từ khi phát hiện đến khi xử lý phải rất nhanh, rề rà là hỏng việc.

Hai là kiểm soát bằng pháp luật. Tôi đưa anh ra xem xét bất kỳ hành vi gì, lạm quyền hay biểu hiện tiêu cực đều soi vào các quy định của pháp luật như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Cán bộ, công chức, Luật Hình sự.

Còn nữa là kiểm soát quyền lực ngay trong nội bộ. Trong cấp ủy phải kiểm soát lẫn nhau, trong một tổ chức chính quyền các thành viên cũng phải kiểm soát lẫn nhau để chế ngự vi phạm.

Di chuc Bac Ho anh 2
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, trong Di chúc, Bác nhắc phần việc riêng chớ nên tổ chức đình đám, lãng phí. Đó cũng là lời nhắn nhủ về đạo đức cán bộ. Nhưng hiện nay không ít cán bộ thiếu gương mẫu, tu dưỡng đạo đức kém, có lối sống xa hoa. Ảnh: Hoàng Đông.

Một khía cạnh khác là phải kiểm soát bằng vai trò của người đứng đầu bởi từ đây sinh ra lạm quyền, lộng quyền, tham nhũng, vơ vét nếu không kiểm soát được quyền lực.

Như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, hiện nay tham nhũng tinh vi hơn, chạy chức chạy quyền cũng kín kẽ hơn, các vây cánh lợi ích nhóm cũng phức tạp hơn nên chúng ta phải chú trọng làm và ngăn chặn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ cũng không thể đòi hỏi cơ chế phải hoàn thiện ngay.

Người sợ mất phiếu, người muốn “hạ cánh an toàn”

- Ở thời điểm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là giai đoạn chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới, ông bình luận gì về những tiêu chí lựa chọn cán bộ được Trung ương đưa ra như không chọn những người có biểu hiện lợi ích, cục bộ, nể nang, dễ dãi, vận động, chạy phiếu?

- Đó là sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương nhằm lường trước hết các tiêu cực về công tác cán bộ trong giai đoạn mới.

Để chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho mỗi kỳ đại hội phải tuân thủ chặt chẽ quy trình mới không để lọt vào cấp ủy, vào Trung ương những người không đủ điều kiện, tư cách.

Thường những lúc chuẩn bị đại hội, bầu cử hay diễn ra nhộn nhịp các hoạt động “chạy” như chạy quy hoạch, chạy phiếu, chạy bầu cử, gặp người này người kia, hoặc nhờ những người thân người quen có thế lực, có vai trò để chạy.

Hoặc thực tế có những người còn đủ tuổi quy hoạch, họ không dám làm gì vì sợ sai, sợ va chạm sẽ mất phiếu ở đại hội. Người ta thường nói vui rằng đây là giai đoạn phải nín thở, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên nhằm củng cố các mối quan hệ thân thiết của mình.

Với người không còn tuổi đưa vào quy hoạch, họ cũng không muốn làm mà chỉ mong sao cho “hạ cánh an toàn”.

Vì thế, ta phải đưa ra những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt.

Chọn cán bộ đúng trước hết phải có quy trình đúng. Trước hết, phải đánh giá cán bộ thật đúng, thật khách quan. Người được chọn đưa vào quy hoạch phải đảm bảo đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, loại những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực.

Công tác này phải rất cẩn thận vì nếu để lọt ngày từ vòng đầu sẽ tiếp tục sai ở những vòng sau bởi thông thường, những người đã lọt vào được thì có nhiều thủ đoạn để tiếp tục leo cao, chui sâu.

Tôi nghiên cứu lịch sử Đảng 50 năm rồi và nhận thấy các nhiệm kỳ, Đảng nghiêm chuyện này lắm. Nhưng cũng có một thời kỳ chúng ta buông lỏng, thậm chí có lúc mất cảnh giác nên bây giờ đang siết chặt lại.

- Trước đây, Bác Hồ đã có những đêm trăn trở, mất ngủ khi phải quyết định chuyện xử lý cán bộ. Thời nay, mỗi khi kỷ luật cán bộ, Đảng nhìn nhận đó là điều đau đớn. Theo ông, vì sao chúng ta đã nhìn nhận được câu chuyện này nhưng không ngăn chặn được?

- Đúng là Bác Hồ đã có những lần mất ăn, mất ngủ khi phải cân nhắc, quyết định xử lý kỷ luật những cán bộ cao cấp.

Đó là trường hợp năm 1950 khi đại tá Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục quân nhu - bị Tòa án binh tối cao tuyên án tử hình; hay năm 1964, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng bị Tòa tối cao tuyên tử hình.

Trần Dụ Châu đã lợi dụng chức vụ để tham nhũng, vơ vét tài sản... trong khi toàn Đảng, toàn dân đang tiến hành cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ chống Thực dân Pháp xâm lược. Còn Trương Việt Hùng nắm cương vị lãnh đạo cao, nhưng suy thoái, quan hệ bất chính, dẫn đến gây tội giết người.

Mất ăn mất ngủ và dù rất đau lòng, nhưng Bác đã quyết định y án, không chấp nhận đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu, cũng như không đồng ý khi Tòa tối cao xin ý kiến về bản án của Trương Việt Hùng, bởi như cách nói của Người, dù đau lòng, nhưng “thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”.

Cán bộ dù vi phạm ở quy mô hay mức độ nào cũng phải xử lý nghiêm, không phải ít thì xử nhẹ, nhiều mới xử nặng.

Riêng vụ Trần Dụ Châu trước kia Bác rất buồn vì Bác chính là người ký quyết định bổ nhiệm. Sau sự việc, Bác tự nhận lỗi và họp ngay Chính phủ để tổng kết những bài học trong giáo dục, quản lý cán bộ.

Theo Người, nếu làm tốt thì phải để cán bộ không phạm sai lầm, còn khi đã phạm sai lầm rồi thì phải xử lý và sẽ mất cán bộ, mất cả của cải vật chất.

Vì thế, cùng với chống tham nhũng, ta phải chú trọng công tác xây dựng cơ chế kiểm soát, phòng ngừa.

Đến nay, quy mô lớn, mức độ tham nhũng còn lớn hơn nhiều, gây thiệt hại đến cả trăm tỷ, nghìn tỷ. Nhưng bài học là dù vi phạm ở quy mô hay mức độ nào cũng phải xử lý nghiêm, không phải ít thì xử nhẹ, nhiều mới xử nặng.

Trong Di chúc, Bác nhắc phần việc riêng chớ nên tổ chức đình đám, lãng phí. Đó cũng là lời nhắn nhủ về đạo đức cán bộ. Nhưng hiện nay không ít cán bộ thiếu gương mẫu, tu dưỡng đạo đức kém, có lối sống xa hoa với nào là xe sang, biệt thự, đất đai rộng lớn.

Di chuc Bac Ho anh 3
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) là người đã dành gần 50 năm để nghiên cứu và về lịch sử Đảng và cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoài Thu.

Chúng ta đã có Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, thấy có biểu hiện vi phạm thì phải xử lý ngay, lập tức sẽ vào khuôn khổ. Còn nếu không chỉ nhắc nhở, thậm chí khiển trách thì không mang tính răn đe.

Hãy học tập tấm gương của Bác. Trước đây, Bác rất nghiêm trong chuyện này, tài sản chung không bao giờ động đến. Tiền lương của Bác khi đó là 247 đồng/tháng, tất cả ăn uống, chi tiêu của Người đều trong khoảng đó hết.

Bác ăn tại nhà ăn của Phủ chủ tịch, còn tiền thừa thì Bác nói thư ký Vũ Kỳ gửi vào tiết kiệm. Kể cả nhuận bút viết cho các báo, Bác viết cũng gửi vào tiết kiệm để ngày Quốc tế Thiếu nhi hay Rằm Trung thu mua quà cho các cháu. Hoặc để gửi quà cho các cụ trên 80 tuổi, các chị phụ nữ sinh đôi…

Tất nhiên điều kiện kinh tế giờ khác xưa, không thể bắt cán bộ sống kham khổ nhưng phải có ứng xử phù hợp. Làm cán bộ phải nghĩ đến mọi người, nghĩ đến dân.

- Xin cảm ơn ông!

Vì sao Bác Hồ nhiều lần sửa Di chúc?

Trong 4 năm, Bác sửa Di chúc nhiều lần, có những lần chỉ sửa một chữ bởi Người ý thức đây là văn kiện rất quan trọng. Việc sửa cũng cho thấy tư duy của Bác luôn theo kịp thời đại.

5 thông điệp mang tính thời đại trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành “bảo vật quốc gia” để lại muôn đời sau. Bản văn chứa đựng 5 vấn đề mà Bác đã gói gọn trong “mấy lời để lại”.


Hoài Thu thực hiện

Bạn có thể quan tâm