Kiểm soát giá cả, hạ nhiệt giá xăng, phát triển thị trường vốn lành mạnh, chấn chỉnh công tác thu thuế trong giao dịch địa ốc... là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 1/6.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương có biện pháp hạ nhiệt giá xăng bằng cách giảm các loại thuế, tránh gây áp lực quá lớn tới đời sống doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, cũng cần chấn chỉnh lại việc thu thuế giao dịch địa ốc, tránh nhũng nhiễu, tiêu cực.
Nhũng nhiễu khi yêu cầu kê khai thuế
Nói trước Quốc hội, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng những chỉ đạo về siết chặt thu thuế bất động sản của Bộ Tài chính còn chung chung, phát sinh nhiều bất cập, hệ lụy. Theo đó, Bộ yêu cầu kê khai giá giao dịch sát với giá thị trường trong tính thuế. Điều này xuất phát từ thực tế nhiều giao dịch kê khai giá rất thấp để né thuế.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam). Ảnh: Quochoi.vn. |
Tuy nhiên, giao dịch địa ốc bản chất lại là dân sự, việc kiểm soát giá kê khai sao cho sát với thị trường là rất khó khăn. Điều này dẫn đến cán bộ thuế ở mỗi nơi làm một kiểu, nhiều nơi yêu cầu tính giá thuế thêm cao hơn kê khai 1,2-1,5 lần, cá biệt có nơi yêu cầu cao hơn 2 lần mới giải quyết hồ sơ.
"Nếu không chấp nhận kê khai cao hơn, thì bị ngâm hồ sơ không giải quyết", ông Thái Bình nói.
Đại biểu Quảng Nam cho rằng căn cứ nào để áp mức thuế sát giá thị trường, thế nào là giá sát với thị trường thì cơ quan thuế không chỉ ra. Có một số địa phương có số lượng hồ sơ đất đai cần giải quyết khá lớn.
Ở chiều ngược lại, các giao dịch trên thị trường thì cơ quan thuế yêu cầu áp mức giá thị trường để tính thuế. Nhưng với những trường hợp thu hồi đất đai, thì lại áp khung giá Nhà nước. Đại biểu cho rằng điều này là bất hợp lý, không công bằng.
Theo đại biểu, bản chất của việc kê khai giá để tính thuế, thì người dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, chỉ đạo của cơ quan thuế còn chung chung, chưa hướng dẫn chi tiết cho người nộp thuế.
Đại biểu nêu vấn đề nhiều cán bộ thuế nhũng nhiều khi xử lý hồ sơ giao dịch đất đai. Ảnh: HC. |
"Điều này vô tình làm công cụ, phương tiện cho một số cán bộ thuế, người làm công chứng nhũng nhiều, phiền hà, tiêu cực", ông nói.
Đại biểu Phan Thái Bình đề xuất cần cập nhật và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để làm rõ thế nào là giá thị trường, từ đó có cơ sở để tính chi phí bồi thường, đảm bảo công bằng. Đây cũng là biện pháp lâu dài chống thất thu thuế.
Trước đó, trong một phiên thảo luận ở tổ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói rằng việc tăng thu trên nền tảng số, lĩnh vực bất động sản giúp tăng thu ngân sách trong những tháng đầu năm. Trong quý I, riêng thu chuyển nhượng bất động sản đã thu tăng lên 3.200 tỷ đồng so với số kê khai lần đầu. Ông đánh giá đây đáng ra thất thu nếu không yêu cầu kê khai, kiểm tra lại.
Nhanh chóng giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng
Trong khi đó, các đại biểu khác tỏ ra sốt ruột với tình hình giá cả leo thang liên tục. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức vì giá cả xăng dầu tăng cao. Ông đề nghị cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, gắn 2 biến số quan trọng là giá lương thực và giá xăng dầu.
Đại biểu TP.HCM cho rằng cần giảm các loại thuế với giá xăng dầu. Bởi nếu không hạ nhiệt giá xăng sẽ dẫn đến domino tăng giá ở các mặt hàng khác. "Cần nhanh chóng giảm đầu vào cho doanh nghiệp, kiểm soát giá, kiểm soát tình trạng té nước theo mưa, chú trọng bình ổn giá", đại biểu nêu.
Đồng tình, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đề nghị cần quan tâm thích đáng tới lạm phát. Chính phủ và chính quyền các cấp cần kiểm soát giá các mặt hàng, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng. Bà đề nghị cần sớm giảm giá xăng dầu.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhắc đến gói phục hồi kinh tế hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng vẫn loay hoay vấn đề thủ tục mà chưa thể giải ngân. Trong khi đó, việc giải ngân vốn đầu công chậm với số vốn chưa giải ngân khoảng 71.600 tỷ đồng.
Bà cũng nhắc đến một số biểu hiện lệch lạc trên thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu. Tuy nhiên, đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cơ quan lý Nhà nước khi để tình trạng thao túng, lệch lạc, vi phạm pháp luật diễn ra.
"Cử tri thắc mắc các cá nhân làm sao có thể vượt qua được cơ quan quản lý một cách bất thường, trong khi cử tri đều thấy điều đó diễn ra bình thường", đại biểu nói.
Ngoài ra, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) kiến nghị Chính phủ tăng cường giám sát chấp hành các quy định trong thị trường chứng khoán, trái phiếu, đảm bảo công khai, minh bạch. Điều này giúp người dân và nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này được đảm bảo quyền lợi.