Chiều 15/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước.
Sau một ngày rưỡi thảo luận đến nay, 63 đại biểu phát biểu ý kiến, có 14 đại biểu tham gia tranh luận, có đại biểu tham gia tranh luận lần thứ 2.
Đoàn Chủ tịch đề nghị trong ngày 15/6, các đại phát biểu không quá 5 phút, tranh luận không quá 2 phút. Các bộ trưởng tham gia phát biểu không quá 7 phút, cố gắng tập trung vào các nội dung còn ít được đề cập để thảo luận toàn diện, đầy đủ và có chất lượng.
-
'Không được quy chụp người phản đối chính sách là thế lực thù địch'
Dẫn lại quan điểm người dân sẵn sàng hy sinh xương máu và tài sản để ủng hộ khi ý Đảng hợp lòng dân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cán bộ phải biết tự vấn nếu người dân phản đối chính sách, quyết định.
"Không được quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó, đừng lấy bóng ma của chúng để quy chụp, dù là dân nghèo, doanh nghiệp hay đại biểu dân cử", ông nói.
Đồng thời, ông cũng cho rằng mở cửa lại để khôi phục kinh tế là điều hệ trọng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải nắm chắc và sâu sát định hướng của từng quốc gia, thị trường và doanh nghiệp để có chính sách và quyết sách hợp lý, hiệu quả.
-
'Cán bộ giàu nhanh từ đất, lụi tàn cũng vì đất'
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhắc đến 3 vấn đề lớn, trong đó có vấn đề đất đai. Theo ông Vượt, đất đai là nguồn lực cực lớn của đất nước nhưng lại hữu hạn. Vấn đề này đang rất phức tạp, tiềm ẩn những bất ổn toàn diện, cần có chủ trương, quyết sách, thậm chí cần có cuộc cách mạng về đất đai, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc.
Nhắc đến việc điều chỉnh cách chính sách về đất đai, ông Vượt nêu thực tế xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú từ đất; có nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, giàu nhanh bất thường, thậm chí sự nghiệp lên từ đất. Song cũng có không ít người lụi tàn là các đồng chí đã bị lộ, càng làm tăng thêm sự hoài nghi của nhân dân, dẫn đến các vụ khiếu kiện đông người gay gắt.
Đại biểu dự báo sẽ có nhiều điểm nóng, tương lai sẽ rất nóng liên quan đến chính sách thu hồi đất để giao cho các doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó” với giá bèo để phân lô bán nền tại các đô thị và địa phương.
“Vấn đề này lây lan như dịch Covid-19 và cũng chưa có thuốc đặc trị”, ông Vượt nói.
Ông nhận định đứng sau các dự án có thể là người nước ngoài, nhất là với các vị trí nhạy cảm về quốc phòng - an ninh. Bởi nhiều dự án có chung thủ đoạn là ủy quyền lòng vòng với mục đích lừa đảo, cần sự chỉ đạo của các cơ quan, kịp thời xử lý bịt kẽ hở pháp luật này.
Nhấn mạnh với các tỉnh miền núi, đất đai là nguồn lực duy nhất nhưng đại biểu Vượt nhận định đất đai lại bị sử dụng lãng phí, không hiệu quả. Một số doanh nghiệp nông lâm trường để hàng nghìn ha cây trồng lay lắt, hàng nghìn ha đất hoang hóa, họ lợi dụng chính sách ưu đãi nên hàng năm không phải nộp đồng nào cho Nhà nước. Trong khi nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, có tâm tiếp cận rất khó, không có đất sạch, đồng thời còn nhiều đồng bào sở tại không có đất.
“Như vậy là bất hợp lý, gây không ít bức xúc, tiềm ẩn âm ỉ những đốm lửa tại nhiều địa phương hiện tại và tương lai”, ông Vượt nêu quan điểm và đề nghị không hỗ trợ và giao đất không thu tiền sử dụng đất với những hộ còn sức lao động, coi đây là chính sách đặc thù.
-
Kinh tế chưa thể tăng trưởng cao trở lại trong quý II
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết qua kết quả thực hiện 5 tháng đầu năm, dự báo nền kinh tế chưa thể tăng trưởng cao trở lại trong quý II, dù Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng dương.
Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, sức mua trong nước còn ở mức thấp. Đặc biệt, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu về dòng tiền. Trong đó, các lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu, du lịch và vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề.
Do đó, ông cho biết một trong những giải pháp cốt lõi trong giai đoạn sắp tới là tập trung hỗ trợ ngay cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước vượt qua đại dịch, nhằm giảm thiểu tối đa khả năng phá sản và hay bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm với giá rẻ.
Đồng thời, Bộ trưởng cho biết sẽ có nhiều chính sách tận dụng làn sóng đầu tư vào Việt Nam hậu Covid-19. Bên cạnh triển khai tổ công tác đặc biệt đón làn sóng hợp tác nước ngoài, cần cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tham gia vào chuỗi giá trị quốc tế.
Ngoài ra, ông khẳng định sẽ cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng và tập trung phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế số, đảm bảo hoạt động kinh doanh không tổn hại đến môi trường.
-
'Tiền hỗ trợ người nghèo có đi lạc vào gia đình không nghèo?'
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) cho rằng đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch Covid-19 là người nghèo, người yếu thế, người có thu nhập thấp, bấp bênh; các nông dân, tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ do bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bà cho rằng các tổ chức cá nhân đứng ra kêu gọi nguồn lực trong nhân dân để ủng hộ, hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ổn định cuộc sống cần minh bạch việc sử dụng các nguồn lực này.
“Hỗ trợ của Mặt trận tổ quốc, các doanh nghiệp trong mua sắm thiết bị y tế được quản lý thế nào, liệu có bị cán bộ ở các bệnh viện, CDC trục lợi hay không? Tiền quyên góp của doanh nghiệp, nhân dân cho người nghèo có đi lạc vào các gia đình không nghèo không?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Bà đề nghị kiểm tra, rà soát việc sử dụng các quỹ hỗ trợ trong thời gian qua, tạo niềm tin trong nhân dân.
-
Cần có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) nhìn nhận sự cần thiết của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, vì đây là giải pháp đột phá và động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của Việt Nam.
Bà cho rằng cần sự phối hợp của các cơ sở nghiên cứu, Chính phủ, các trường đại học, doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ giữ vai trò là hạt nhân kiến tạo và đổi mới. Trường đại học và doanh nghiệp có trách nhiệm phát triển về bài toán lõi, công nghệ nguồn.
Đại biểu đề xuất nhiệm vụ trước mắt là đánh giá toàn diện và đầy đủ tác động của đại dịch Covid-19 đến các mặt của đời sống kinh tế xã hội, từ đó có thể huy động nguồn lực kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả.
-
Giá SGK phải vừa túi tiền của đại đa số gia đình
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) đề cập đến việc biên soạn sách giáo khoa (SGK). Bà dẫn Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ SGK nhằm tạo sự chủ động trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình. Tuy nhiên đến nay, bộ SGK này chưa có do khi thương thảo để ký hợp đồng sau đấu thầu, các nhà biên soạn đều đưa ra yêu cầu nhuận bút lâu dài trong quá trình sử dụng SGK, điều này không phù hợp với quy định và dự toán gói thầu.
"Mà quan trọng hầu hết ứng viên nộp hồ sơ tuyển chọn đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn SGK với các nhà xuất bản khác", bà nói.
Theo nữ đại biểu, dù Nghị quyết 88 giao nhiệm vụ biên soạn SGK cho Bộ GD&ĐT từ rất sớm vào năm 2014 nhưng Bộ lại tiến hành đấu thầu rất chậm vào 2019 nên không tuyển chọn được chuyên gia giỏi tham gia chương trình. Với cách làm này và với lý giải của Chính phủ, không chỉ SGK lớp 1 mà SGK lớp 2 và các lớp còn lại cũng chỉ sử dụng SGK do tư nhân làm vì không thể giải quyết được vướng mắc về nhuận bút.
Đại biểu Tuyết kiến nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn và khẳng định lại có tiếp tục thực hiện nhiệm vụ biên soạn SGK do Bộ GD&ĐT chủ trì hay không để đại biểu Quốc hội trả lời trước cử tri.
Bà Tuyết cho rằng việc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và chống độc quyền trong biên soạn SGK là cần thiết, bà ủng hộ, nhưng việc này phải đảm bảo mang lại SGK chất lượng tốt, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chương trình giáo dục mới và phù hợp với túi tiền của đại đa số các gia đình. Nhắc đến giá SGK, bà Tuyết kiến nghị Chính phủ xem xét và có hỗ trợ về giá với SGK, đặc biệt với SGK tiểu học.
-
Chỉ định thầu mua sắm vật tư y tế quá nhiều lỗ hổng
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đánh giá trong thời gian đại dịch, cả nước chia sẻ, ghi nhận những đóng góp của đội ngũ y tế không quản ngại vất vả, hy sinh, mang lại bình yên cho xã hội. Song, vụ việc tham nhũng, nâng giá thiết bị y tế vừa qua đã ảnh hưởng phần nào đến hình ảnh đội ngũ y tế vốn đang rất đẹp đẽ.
Bà cho rằng vụ việc này vai trò quản lý của Nhà nước cũng có trách nhiệm, các bộ, ngành liên quan phải khẩn trương tìm và sửa chữa các lỗ hổng trong quản lý giá và mua sắm vật tư y tế.
Mặc dù cho rằng việc chỉ định thầu trong mua sắm máy xét nghiệm là hợp lý trong giai đoạn dịch Covid-19 cấp bách, bà Hoa cho rằng việc này đáp ứng được nhu cầu cấp bách nhưng tạo ra nhiều lỗ hổng khi giao quá nhiều quyền cho chủ đầu tư (cơ quan chủ trì việc mua sắm) và thiếu cơ chế giám sát việc chỉ định thầu.
“Điều này dẫn đến các địa phương chỉ định thầu, mua cùng loại vật tư y tế nhưng khác nhau về giá và quá chênh lệch so với giá thị trường”, đại biểu cho hay.
Bà đề nghị các bộ, ngành sớm tham mưu cho Chính phủ xem xét lại quy định này, đảm bảo việc chỉ định thầu được chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản Nhà nước. Bà đề nghị phải có bộ điều kiện cụ thể để chỉ định, lựa chọn nhà thầu. Cơ quan chức năng phải cập nhật giá để tham khảo, xem xét.
Đại biểu cũng cho rằng số tiền ngân sách chi trả cho vật tư y tế hàng năm là không nhỏ có thể lên đến vài nghìn tỷ đồng mỗi năm ở các địa phương, nhưng lại không có hệ thống dữ liệu chuẩn để đối chiếu giá của các thiết bị y tế. Bà đề nghị Bộ Y tế sớm có trang thông tin về giá các vật tư y tế để địa phương tham khảo. Bộ cũng cần có hướng dẫn các địa phương về lựa chọn các thiết bị, nhà cung cấp, giá để đảm bảo tiêu chuẩn của ngành y tế.
-
Bộ trưởng Tài chính nêu 2 kịch bản nợ công
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thời gian qua, thu ngân sách Nhà nước hàng năm đều vượt dự toán, nhưng một số khoản thu từ doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư nước ngoài, ngoài quốc doanh không đạt dự toán, trong khi khoản thu từ đất vượt lớn.
Bộ Tài chính dự kiến trường hợp tăng trưởng GDP năm nay là 4,5% thì bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 4,73% GDP, tương ứng tăng 75.000 tỷ đồng so với dự toán đầu năm. Lúc này, nợ công sẽ là 55,5% GDP.
Trường hợp tăng trưởng GDP đạt khoảng 3,6% thì bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 5,02% GDP, tương ứng tăng 90.000 tỷ đồng so với dự toán đầu năm. Nợ công lúc này sẽ là 56,4% GDP.
Tuy nhiên với cả 2 kịch bản tăng trưởng này, ông dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 5 năm vẫn nhỏ hơn 3,9% GDP và nợ công nhỏ hơn 65% GDP.
Theo Bộ Tài chính, công tác điều hành ngân sách Nhà nước cần triển khai các giải pháp tài khóa, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế; yêu cầu các bộ ngành địa phương điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm; đẩy nhanh giải ngân, đồng thời tranh thủ đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Liên quan đến xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính khẳng định việc triển khai đăng ký xuất khẩu gạo theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước.
“Ngày 11/4, cơ quan hải quan cho xuất khẩu gạo với hạn ngạch 400.000 tấn là cũng theo quyết định của Bộ Công Thương”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
-
Đề nghị ban hành gói hỗ trợ dài hạn cho doanh nghiệp du lịch, hàng không
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng dịch bệnh là khách quan nhưng tâm thế và cách thức ứng phó với đại dịch của mỗi quốc gia tạo nên sự khác biệt. Trải qua hơn 170 ngày đêm "đánh giặc" Covid-19, đến nay Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch.
“Cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân ra trận, Đảng lãnh đạo, Quốc hội đồng lòng, Chính phủ điều hành, MTTQ chung tay… là vũ khí bách chiến bách thắng của Việt Nam, giúp chúng ta làm nên chiến thắng được cả thế giới ghi nhận”, ông Lộc nói.
Theo ông, Việt Nam xứng đáng có được tấm "huy chương vàng" đầu tiên trên cấp độ toàn cầu trong phòng chống dịch bệnh. Dù vậy, tấm huân chương quý giá nhất vẫn là niềm tin của nhân dân. Ông Lộc cũng nhắc đến cuộc chiến chống giặc tụt hậu trong hành trình tái khởi động, phục hồi và phát triển nền kinh tế đang đòi hỏi nỗ lực gấp bội lần.
Dù đồng tình với việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP xuống 4,5%, ông Lộc nói chưa yên tâm vì các giải pháp Chính phủ đưa ra chưa đủ mạnh, các chính sách tài khóa có vẻ còn dè dặt khi chủ yếu dừng lại ở biện pháp giãn, hoãn thời điểm nộp thuế ở một số thời điểm.
Với mức nợ công hiện tại, ông Lộc đánh giá vẫn còn dư địa thực hiện biện pháp giãn, hoãn thuế với liều lượng mạnh hơn trong thời gian tới. Ví dụ có thể kéo dài thời gian hoãn, giãn thuế lên 12 tháng thay vì 3 tháng như hiện tại.
Chính sách tiền tệ được ông Lộc nhìn nhận có vẻ mạnh mẽ hơn nhưng tác động của chính sách này vẫn chưa thực sự rõ nét. Việc cơ cấu hạn nợ và lãi suất mới chỉ giúp doanh nghiệp cầm máu và chưa chữa lành vết thương, tạo động lực mới trong phát triển doanh nghiệp.
Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu ban hành gói hỗ trợ lãi suất chung và dài hạn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, trong các ngành du lịch, hàng không.
“Tất nhiên gói này cũng phải trong giới hạn phù hợp để ngăn ngừa nguy cơ lạm phát”, Chủ tịch VCCI nói.
Trong khi mục tiêu tăng trưởng 4,5% là khá cao so với đánh giá của quốc tế, ông Lộc cho rằng Chính phủ dường như có phần nới lỏng mục tiêu kiềm chế lạm phát khi điều chỉnh mức lạm phát từ dưới 4% thành khoảng 4%.
Dù chia sẻ với quan điểm thận trọng, Chủ tịch VCCI tha thiết đề nghị Chính phủ phấn đấu giữ mức lạm phát dưới 4%, vì nó thể hiện uy tín và tầm nhìn của Chính phủ trong dài hạn, là điểm neo giữ niềm tin của người dân và các nhà đầu tư.
“Chúng ta không nên để suy giảm niềm tin đó”, ông Lộc nói.
Nhận định còn nhiều thách thức, song ông Lộc nói cũng có không ít cơ hội để chúng ta có thể đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%. Bên cạnh thách thức của hậu Covid-19 cũng cần nắm bắt cơ hội dịch chuyển làn sóng đầu tư, nhưng then chốt nhất vẫn là đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
“2,5 năm đầu nhiệm kỳ việc này được triển khai tốt nhưng hơn 1 năm nay, đà cải cách đang có phần chững lại, nhiều mục tiêu đang trở thành lỡ hẹn, vì vậy, tái khởi động đà cải cách để tái khởi động nền kinh tế là nhiệm vụ hệ trọng Chính phủ cần quan tâm”, ông Lộc đề nghị.
-
Ùn ứ xe hàng tại cửa khẩu và biện pháp tránh phụ thuộc vào một thị trường
Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cho biết từ đầu tháng 4, tại tỉnh Lạng Sơn lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bị tồn đọng tại các cửa khẩu là khá lớn, kéo dài với khoảng 2.600 xe/ngày. Ông cho rằng việc này làm giảm chất lượng hàng nông sản, tiềm ẩn nguy cơ tạo thành ổ dịch, mất an toàn, an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu.
Ông đề nghị Chính phủ, các bộ ngành có chính sách duy trì, phục hồi các thị trường hiện có, mở thêm các thị trường mới, tránh tình trạng phụ thuộc gây khó khăn khi các thị trường này đóng cửa.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành làm việc, đàm phán với các đối tác nước ngoài, bổ sung một số mặt hàng nông sản thế mạnh, đẩy mạnh xuất khẩu, phục hồi phát triển kinh tế.
-
'Đây là thời điểm tốt giúp Việt Nam có cơ hội hóa rồng'
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định vừa qua Việt Nam trở thành hình mẫu đi đầu trong phòng chống dịch. Về kinh tế, trong khi nhiều nền kinh tế lớn đang tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn nổi lên là nước dẫn đầu về tốc độ phát triển kinh tế.
“Nếu ta nỗ lực có thể đạt tăng trưởng như mục tiêu Chính phủ đề ra là 5,2%”, Hiệu phó trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói.
Về giáo dục, khi trên thế giới nhiều trường học đóng cửa, ông Cường đánh giá cao bước chuyển đổi ngoạn mục của Việt Nam chuyển đổi sang học online. Vị đại biểu cũng đánh giá cao Bộ GD&ĐT trong việc từ bỏ đặc ân biên soạn SGK, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong biên soạn SGK, tạo sự cạnh tranh.
Trong vấn đề xã hội, ông Cường nêu thực tế từng có ý kiến lo lắng việc giãn cách xã hội sẽ gây ra đói nghèo, rồi “bần cùng sinh đạo tặc”. Tuy nhiên, trên thực tế, thế giới rung động vì những việc làm tương thân tương ái mà chỉ Việt Nam mới có. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho những người lao động mất việc, thực hiện mục tiêu bao trùm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
“Chúng ta đã biến nguy thành cơ, cải thiện uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của thị trường đầu tư. Đây là thời điểm tốt cho Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, giúp Việt Nam có cơ hội hóa rồng", ông nói.
Để biến cơ hội trên thành hiện thực, ông Cường góp ý cần phải có giải pháp đặc biệt để biến các nhà đầu tư nước ngoài thành trụ cột của các ngành sản xuất trong nước. Ví dụ có cơ chế phù hợp để thu hút ngành công nghiệp đường sắt tại Việt Nam. Ông cho rằng khi có chính sách phù hợp thì doanh nghiệp nước ngoài có thể bắt tay với những doanh nghiệp trong nước để hình thành công nghiệp đường sắt Cách làm này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc vay tiền nước ngoài và nhập những đoàn tàu riêng lẻ.
Ông cũng góp ý giải pháp tăng cường tiềm lực về nguồn vốn trong nước từ nguồn vốn vay quốc tế. Quốc hội tranh luận việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công vì ngân hàng không đủ vốn tài trợ cho doanh nghiệp, trong khi nguồn vốn quốc tế đang sẵn có và lãi suất thấp. Ông đề xuất cần có cơ chế để ngân hàng thương mại vay vốn quốc tế về cho doanh nghiệp trong nước vay lại theo hình thức tự vay tự trả.
Để tạo bước phát triển đột phá, theo ông Cường, phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo mà trước hết cần đổi mới, sáng tạo trong quản lý. Đổi mới, sáng tạo trong kinh tế có nghĩa là phải tìm ra được cách giải quyết vấn đề khác với thông lệ để đạt kết quả nhanh hơn, hiệu quả cao hơn.
-
Đề xuất Thủ tướng thành lập tổ tư vấn văn hóa, giáo dục
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị Thủ tướng thành lập tổ tư vấn văn hóa, giáo dục. Điều này sẽ giúp cho Thủ tướng và Chính phủ có những quyết sách đúng đắn hơn, kịp thời hơn về chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ trong trung hạn, dài hạn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Thứ hai, bà Hoa đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp trên tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động. Bên cạnh đó, bà mong muốn Thủ tướng cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn.