Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cán bộ, công chức ở Hà Nội được đến cơ quan trong trường hợp nào?

Thành phố yêu cầu cơ quan, đơn vị bố trí cho người lao động làm việc trực tuyến, trừ trường hợp trực chiến đấu, cung ứng hàng hóa thiết yếu, xử lý tài liệu mật...

UBND Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu thủ trưởng, giám đốc các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã và tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc TP chấp hành nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17 của UBND TP.

Các cơ quan, đơn vị bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết (trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hoá dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật, thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch; công việc cần thiết khác theo yêu cầu của người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị) mới đến làm việc trực tiếp tại công sở.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về việc cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch. TP giao các đơn vị phê duyệt danh sách và cấp giấy đi đường cho những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 1

Hà Nội đã trải qua 7 ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Hồng Quang.

Chiều 30/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ký ban hành Chỉ thị 5 về tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch Covid-19.

Sau 7 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố, Bí thư Dũng cho rằng UBND thành phố, cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị cơ bản thực hiện tốt chỉ đạo; tình hình dịch bệnh Covid-19 có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ.

Bí thư nhìn nhận có địa phương, đơn vị còn chủ quan, lúng túng, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Bí thư Hà Nội yêu cầu địa phương công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng, chống dịch để người dân liên hệ; tổ chức trực ban 24/24h và 7 ngày/tuần để kịp thời chỉ đạo giải quyết công việc trong mọi tình huống.

Các đoàn của Ban Thường vụ Thành ủy tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị, coi hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là thước đo uy tín, năng lực, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, làm căn cứ để đánh giá cán bộ, xếp loại thi đua...

Yêu cầu người dân Hà Nội chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết

Hàng ăn vẫn được phép bán mang về. Người dân được yêu cầu giữ khoảng cách 2 m khi giao tiếp, không ra ngoài khi không cần thiết.

Bí thư Hà Nội: Nhiều cá nhân, cơ quan chưa chấp hành nghiêm giãn cách

Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đoàn của Ban Thường vụ Thành ủy tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm