Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Căn bệnh nguy hiểm không còn chỉ gặp ở người già

Việt Nam có tỷ lệ tăng huyết áp là 25% đối với người trên 25 tuổi, trong đó, gần 60% người mắc chưa được phát hiện và trên 80% chưa điều trị. Đây là con số đáng báo động.

Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong cho người bệnh. Ảnh: Shutterstock.

Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong cho người bệnh. Tuy nhiên, tăng huyết áp lại gần như không có triệu chứng điển hình rõ ràng. Vì vậy, tăng huyết áp còn được biết đến với tên gọi “kẻ giết người thầm lặng”.

Gần 60% người bệnh cao huyết áp nhưng không biết mình mắc bệnh. 40% bệnh nhân đã biết mình bị tăng huyết áp nhưng chưa điều trị. 65% người bị tăng huyết áp được điều trị nhưng chưa đạt được huyết áp mục tiêu dưới 140/90 mmHg.

Nhiều người bệnh khi đi mổ có chia sẻ với bác sĩ rằng chưa khi nào phát hiện huyết áp cao. Tuy nhiên, khi lên bàn mổ, huyết áp của người bệnh tăng vọt lên 200-220 mmHg, khiến ca mổ khó có thể diễn ra an toàn nếu như không duy trì thuốc hạ huyết áp trong suốt quá trình gây mê. Ngoài ra, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ giai đoạn hậu phẫu có những diễn biến bất ngờ của tình trạng tai biến mạch não, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng. Vì vậy, việc phát hiện tăng huyết áp là công việc tưởng như rất nhỏ nhưng vai trò rất quan trọng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2015, toàn thế giới có 25% nam giới, 20% nữ giới có tăng huyết áp. Nghiên cứu gần đây cho thấy gần 1/3 người lớn ở vùng thành thị vùng Đông Nam Á có tăng huyết áp. Tương tự, Việt Nam có tỷ lệ tăng huyết áp là 25% đối với người trên 25 tuổi, trong đó gần 60% người bị tăng huyết chưa được phát hiện và trên 80% chưa điều trị. Đây là con số đáng báo động.

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch não, suy tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim…

Khi mắc bệnh tăng huyết áp, áp suất máu lưu thông trong các động mạch tăng cao, gây nhiều sức ép hơn đến mô và khiến mạch máu bị tổn hại dần theo thời gian.

Phân loại tăng huyết áp, bao gồm:

  • Tăng huyết áp vô căn (hay nguyên phát, bệnh tăng huyết áp): Không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp.
  • Tăng huyết áp thứ phát (tăng huyết áp là triệu chứng của một số bệnh khác): Liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và nội tiết.
  • Tăng huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) đơn độc: Khi chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường.
  • Tăng huyết áp khi mang thai, bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật: Cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.

Theo hướng dẫn điều trị cập nhật của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) năm 2018, tùy vào mức độ nghiêm trọng, tăng huyết áp được phân loại:

  • Huyết áp tối ưu: Dưới 120/80 mmHg.
  • Huyết áp bình thường: Từ 120/80 mmHg trở lên.
  • Huyết áp bình thường cao: Từ 130/85 mmHg trở lên.
  • Tăng huyết áp độ 1: Từ 140/90 mmHg trở lên.
  • Tăng huyết áp độ 2: Từ 160/100 mmHg trở lên.
  • Tăng huyết áp độ 3: Từ 180/110 mmHg trở lên.
  • Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, trong khi huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg.
  • Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu > 120 - 139 mmHg và huyết áp tâm trương > 80-89 mmHg.

Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp dưới 120/80 mmHg được coi là mức bình thường. Huyết áp luôn ở mức từ 140/90 mmHg trở lên thì được xem là tình trạng tăng huyết áp.

tang huyet ap anh 1

Huyết áp dưới 120/80 mmHg được coi là mức bình thường. Ảnh: Shutterstock.

Để nhận biết tăng huyết áp chúng ta bắt buộc phải kiểm tra huyết áp thường xuyên. Điều này đặc biệt quan trọng nếu chúng ta có người thân đã và đang bị tăng huyết áp.

Khi huyết áp tăng cao, một số dấu hiệu cần chú ý:

  • Đau đầu
  • Chảy máu mũi
  • Vết vằn máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc
  • Tê hoặc ngứa ran các chi
  • Buồn nôn và nôn
  • Hoa mắt, chóng mặt, ù tai
  • Đau nhẹ vùng ngực trái (trước tim), khó thở
  • Mất ngủ nhẹ, tim đập nhanh

Nếu huyết áp tăng quá cao có thể dẫn đến các triệu chứng:

  • Đau nhói vùng tim
  • Suy giảm thị lực
  • Thở gấp, mặt đỏ bừng
  • Da tái xanh
  • Nôn mửa
  • Hồi hộp, đánh trống ngực
  • Lo lắng, hốt hoảng

Những trường hợp có nguy cơ tăng huyết áp

- Tuổi: Tuổi càng cao nguy cơ tăng huyết áp càng cao, đặc biệt từ 45 tuổi trở lên.

- Thừa cân, béo phì.

- Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc tăng huyết áp tăng cao nếu trong gia đình có người bị tăng huyết áp.

- Thiếu hoạt động thể chất: Những người ít vận động thường có nhịp tim nhanh hơn, khi đó tim phải hoạt động mạnh hơn, lực tác động lên động mạch lớn khiến huyết áp cao hơn. Thiếu hoạt động thể chất cũng làm tăng nguy cơ thừa cân.

- Hút thuốc lá: Những chất hoá học trong khói thuốc gây phá huỷ thành mạch, khiến lòng động mạch bị thu hẹp, hình thành mảng xơ vữa, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp. Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Ăn nhiều muối: Quá nhiều muối trong khẩu phần ăn khiến cơ thể giữ nước, gây tăng huyết áp.

- Chế độ ăn thiếu kali: Kali giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể, nếu không cung cấp đủ kali, cơ thể sẽ tích lũy quá nhiều natri trong máu dẫn tới tăng huyết áp.

- Lạm dụng bia, rượu: Rượu, bia gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

- Căng thẳng: Đây là nguyên nhân gây tăng huyết áp tạm thời.

- Mắc các bệnh mạn tính: Một số bệnh mạn tính cũng có nguy cơ gây tăng huyết áp như bệnh thận mạn, đái tháo đường, hội chứng Cushing, tác dụng phụ của thuốc tránh thai, lạm dụng thuốc chống viêm có steroid…

Biến chứng nguy hiểm

Suy tim

Khi huyết áp cao, tim phải co bóp nhiều hơn để bơm máu ra các mạch ngoại biên. Hậu quả của việc gắng sức lâu ngày này làm cơ tim dày lên, cứng hơn, ít đàn hồi giãn nở so với bình thường, gây suy giảm chức năng hút máu về tim. Ngoài ra, máu về tim khó khăn, ứ đọng ở phổi gây khó thở, giảm khả năng làm việc gắng sức hoặc tức ngực.

Ngoài ra, người bệnh tăng huyết áp thường kèm bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim trước đó nên chức năng tim sẽ giảm.

tang huyet ap anh 2

Bác sĩ Hà Hải Nam thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Đột quỵ

Đột quỵ là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của tăng huyết áp. Theo nghiên cứu của Viện Tim mạch Quốc gia, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì 8 người mắc bệnh tăng huyết áp. Theo thống kê của Mỹ, cứ mỗi 40 giây có một bệnh nhân đột quỵ, mỗi 4 phút có một người tử vong do đột quỵ. Đột quỵ có xu hướng xảy ra ở người cao tuổi, nhưng có đến 1/3 số người nhập viện vì đột quỵ là dưới 65 tuổi. Người có huyết áp cao > 160/100 mmHg thì nguy cơ bị xuất huyết não tăng gấp 4 lần. Khoảng 50% người bệnh nhồi máu não có kèm theo tăng huyết áp.

Vì vậy, kiểm soát huyết áp là điều rất quan trọng giúp đề phòng đột quỵ. Mục tiêu là giữ cho huyết áp của người bệnh ổn định, thường ở mức dưới 140/90 mmHg.

Biến chứng ở mắt

Huyết áp cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở đáy mắt, gọi là bệnh võng mạc do tăng huyết áp. Tổn thương mức độ nhẹ có thể không có triệu chứng gì, chỉ phát hiện được khi khám mắt, chụp võng mạc. Khi tăng huyết áp nặng hơn sẽ gây ra xuất huyết sau võng mạc hay phù gai thị, dẫn đến nhìn mờ hoặc mù.

Do đó, người bệnh tăng huyết áp cần khám mắt định kỳ, chụp võng mạc để phát hiện sớm biến chứng này. Kiểm soát huyết áp tốt sẽ phòng tránh bệnh võng mạc do tăng huyết áp.

Phình và bóc tách động mạch chủ

Huyết áp cao gây tăng áp lực lên thành động mạch chủ, lâu ngày làm thành mạch bị suy yếu, phình giãn to ra. Huyết áp tăng cao lâu ngày dễ gây xé rách các lớp trong thành mạch dẫn đến bóc tách thành động mạch hay vỡ động mạch chủ, khiến người bệnh tử vong.

Bởi vậy, người bệnh tăng huyết áp có phình động mạch chủ cần kiểm soát huyết áp < 120/70 mmHg, thường xuyên siêu âm tim, chụp cắt lớp động mạch phát hiện sớm biến chứng này.

Bệnh động mạch ngoại biên

Tăng huyết áp sẽ ảnh hưởng lên toàn bộ hệ thống mạch máu trong cơ thể như đông mạch cảnh, động mạch cột sống, động mạch chủ, động mạch nội tạng, đặc biệt là những mạch máu ở xa như động mạch hai chân. Các mạch máu này cứng lên, xơ vữa, vôi hóa gây hẹp hoặc tắc nghẽn.

Người bệnh có triệu chứng đau đùi hoặc bắp chân khi đi được một đoạn đường, ngồi nghỉ thì giảm hoặc hết đau. Nhưng khi bạn đi lại đoạn đường dài tương tự thì lại đau trở lại (đau cách hồi). Giai đoạn muộn, người bệnh đau nhức chân cả khi nghỉ ngơi hoặc vết loét chân không lành do mạch máu bị hẹp, không đưa máu tới được.

Rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ

Tăng huyết áp và rối loạn trí nhớ thường gặp ở người cao tuổi. Nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp làm tăng xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu não im lặng và bệnh lý chất trắng dưới vỏ não. Đât là nguyên nhân dẫn đến rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ.

Nguy cơ sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer) tăng gấp 6 lần ở người bị đột quỵ sau 5 năm. Tỷ lệ bệnh đang tăng ở các nước châu Á, đặc biệt là nước đang phát triển.

Rối loạn cương dương

1/3 số nam giới tăng huyết áp than phiền về rối loạn cương dương (bất lực), ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của họ. Rối loạn cương dương có thể là dấu hiệu sớm của bệnh tăng huyết áp khiến người bệnh đi khám. Nguyên nhân là tăng huyết áp gây tổn thương lớp nội mô của mạch máu, nơi tiết NO (nitrite oxide) - chất giúp giãn mạch ở dương vật giúp cương cứng dương vật. Tổn thương lớp nội mô mạch máu dẫn đến không tiết được NO, gây ra rối loạn cương dương.

Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Các máy đo huyết áp điện tử là một công cụ hiệu quả giúp phát hiện tăng huyết áp.

Bài viết do bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, cung cấp thông tin.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.


Khan hàng, tăng giá thuốc kháng sinh cho trẻ

Một số loại thuốc kháng sinh cho trẻ đang xảy ra tình trạng "cháy hàng". Bên cạnh đó, các loại xịt và nhỏ mũi cho trẻ cũng khó mua như Otrivin, Sterimax bebe.

Bác sĩ Hà Hải Nam

Bạn có thể quan tâm