TS.BS Tống Thanh Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội), mới đây cho biết chuyên gia này vừa điều trị cho một phụ nữ mắc bệnh tay voi 25 năm.
"Chỉ muốn cắt tay"
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, toàn thân sốt cao, cánh tay phải sưng đỏ, ngứa ngáy, khi gãi nổi lên các mụn phồng rộp chứa mủ dịch bạch huyết, tay nếp ngấn to và dồn ú cộm lên đau đớn. Tình trạng này gây hạn chế vận động, người bệnh luôn dùng dây vải chun bó treo tay lên.
"Lúc đó, tôi chỉ mong bác sĩ cắt bỏ cánh tay cho tôi", người phụ nữ này chia sẻ.
Tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia, trong một tuần đầu, bệnh nhân được điều trị tích cực kháng sinh chống viêm liều cao và thay băng chăm sóc tay viêm, chích mủ các nốt phỏng viêm mủ. Sau khi người phụ nữ hạ sốt và khoẻ hơn, bà được bác sĩ tư vấn phải mổ gấp.
Theo TS Tống Hải, người bệnh bị phù tay voi giai đoạn 4, biến chứng nặng dẫn đến viêm nhiễm mô da. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể viêm nhiễm toàn bộ hệ thống bạch huyết, mô mềm dưới da, có thể không hồi phục, phải cắt bỏ tay. Tình trạng nặng hơn có thể khiến người phụ nữ có nguy cơ nhiễm khuẩn máu, suy đa tạng…
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã nối thông từ bạch mạch sang tĩnh mạch, để dưỡng chất trở về tuần hoàn chung qua đường tĩnh mạch ở cổ tay.
Ca mổ kết thúc sau 4 giờ. Sau vài ngày, tay bệnh nhân gần như đã trở về trạng thái cũ, vận động linh hoạt, tốt hơn. Trước phẫu thuật, bắp tay phải của bà Nga có đường kính 40,5 cm, bắp tay trái là 25,5 cm. 5 ngày sau ca mổ, bắp tay phải rút xuống còn 36,5 cm và sẽ giảm nhiều hơn.
Sự chênh lệch rõ rệt ở hai bắp tay bệnh nhân. Ảnh: BSCC. |
Căn bệnh ảnh hưởng hàng trăm triệu người
Theo tiến sĩ Tống Hải, chứng phù tay voi, chân voi có thể ảnh hưởng đến 140-200 triệu người trên toàn thế giới, trong đó nữ giới mắc nhiều hơn nam.
Căn bệnh này có 2 căn nguyên gây phù gồm phù bạch mạch nguyên phát và phụ mạch bạch thứ phát.
Phù bạch mạch nguyên phát hiếm gặp hơn, chiếm 1/100.000 bất thường hệ thống bạch mạch. Hiện tượng này bắt nguồn từ việc tăng sản, giảm sản bạch mạch hoặc do gene.
Phù bạch mạch thứ phát có tỷ lệ mắc 1/1000 cá nhân; bệnh nhân có tuổi trung bình 50-58. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy 75-80% bệnh nhân bị phù mạch hạch thứ phát có liên quan đến ung thư. Cụ thể, một số bệnh nhân bị phù tay voi sau khi điều trị u vú cắt u, nạo vét hạch và xạ trị. Một số khác bị phù chân voi do mắc ung thư cơ quan vùng khung chậu.
Tiến sĩ, bác sĩ Tống Thanh Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Bệnh viện bỏng Quốc gia. |
7-9% bệnh nhân bị phù mạch hạch thứ phát do di truyền và 12-18% do nguyên nhân khác như bị nhiễm giun chỉ...
Theo Hiệp hội Bạch huyết học Quốc tế (ISL), bệnh nhân bị phù mạch hạch trải qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Bệnh nhân chưa có biểu hiện trên lâm sàng, mặc dù dẫn lưu bạch huyết bị ảnh hưởng, kéo dài vài tháng đến vài năm.
- Giai đoạn 2: Bệnh nhân có thể ấn lõm chi phù, giảm phù nề khi kê cao chi
- Giai đoạn 3:
+ Một số bệnh nhân mới bước vào giai đoạn 3 vẫn còn biểu hiện ấn lõm chi phù, tuy nhiên giơ cao chi không giảm phù nề.
+ Bệnh nhân ở giai đoạn 3 muộn xuất hiện tình trạng xơ hoá mô ở chi phù, ấn không lõm, vùng da mu ngón bàn chi phù không thể kéo lên khi so sánh với chi bên chi lành.
- Giai đoạn 4: Các chi phù tăng kích thước quá mức, ấn không lõm, xuất hiện các nếp gấp ở chi phù. Ngoài ra, vùng da mu ngón bàn chi phù không thể kéo lên khi so sánh với chi bên chi lành, da tăng sừng hoá, thay đổi màu sắc, tăng sản u nhú...
Các bệnh nhân ở giai đoạn 1 và 2 nếu phát hiện sớm sẽ được chỉ định điều trị bảo tồn. Nếu đi khám khi bệnh đã ở giai đoạn 3 và 4, bệnh nhân cần phải phẫu thuật để trị bệnh.
Theo TS Tống Hải, số lượng bệnh nhân phù bạch mạch do di chứng điều trị ung thư rất lớn, song hầu hết bệnh nhân đều không biết địa chỉ điều trị nên đành “sống chung với lũ”. Nếu không điều trị sớm, tình trạng phù diễn tiến lên biến chứng nặng, bệnh nhân có thể phải cắt cụt chi thể.
Tại Bệnh viện Bỏng quốc gia, PGS.TS Vũ Quang Vinh (Phó giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia, Chủ nhiệm Bộ môn phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ) đã phát triển kỹ thuật điều trị phù bạch mạch từ năm 2012.
Đến nay, khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm tạo hình thẩm mỹ, đã điều trị cho hơn 500 trường hợp phù chi thể. Do đó, các trường hợp bị mắc bệnh nên đến tư vấn để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện tâm trạng, đặc biệt là đối với những người có dấu hiệu căng thẳng, trầm cảm. Rất nhiều loại vitamin, khoáng chất như folate (B9), B12, vitamin B1 (thiamine) và B6 (pyridoxine)... đóng vai trò then chốt trong việc ngăn ngừa và xoa dịu trầm cảm.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.