Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo phương thức đầu tư công. Công trình dự kiến được khởi công năm 2023 và hoàn thành cơ bản năm 2025.
Dự án đường cao tốc này dài 188 km, bắt đầu từ tỉnh biên giới An Giang, đi qua thủ phủ của miền Tây là TP Cần Thơ, qua Hậu Giang và kết thúc ở cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng). Trong đó, đoạn đi qua An Giang dài 56,74 km, Cần Thơ 37,77 km, Hậu Giang 37,02 km và Sóc Trăng 56,67 km.
Tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (màu xanh dương) trong tổng thể quy hoạch giao thông miền Tây. Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. |
Nhìn trên bản đồ, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tuyến giao thông trục ngang, kết nối các tỉnh phía tây và phía đông của Đồng bằng sông Cửu Long. Quy hoạch hướng tuyến đã cho thấy đây không chỉ là tuyến giao thông liên tỉnh mà còn là trục đường phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu.
Với vị trí quan trọng như vậy, đơn vị lập dự án đang băn khoăn trong việc phân kỳ đầu tư thế nào cho hợp lý. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết nếu đầu tư đủ quy mô 6 làn xe từ đầu, chi phí lên tới 83.148 tỷ đồng.
Để phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư và lưu lượng xe thời gian đầu, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất Bộ GTVT đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe (mỗi làn rộng 3,5 m), chiều rộng mặt cắt ngang 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Như vậy, tuyến cao tốc này chưa có làn dừng khẩn cấp trong giai đoạn 1.
"Quy mô nền đường 17 m có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hiện đại, đồng bộ và đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2050 (34.623 xe con quy đổi/ngày đêm), sau đó xem xét mở rộng 6 làn xe", báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nêu.
Trước đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư 2 tuyến cao tốc trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và An Hữu - Cao Lãnh giai đoạn 2023-2025 từ nguồn vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.