Tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, ngừng đầu tư sản xuất điện than mới, mở rộng quy mô triển khai điện sạch và loại bỏ điện than vào những năm 2040.
Theo số liệu ước tính của Ngân hàng Thế giới, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng 0, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040.
Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam, khi vừa thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, vừa đảm bảo đạt mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế.
Các chuyên gia nêu thách thức cho việc chuyển dịch năng lượng xanh. Ảnh: Báo Đầu tư. |
Trong tọa đàm “Quản trị và tài chính cho chuyển dịch năng lượng công bằng”, đại diện UNDP cho rằng chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là chuyển dịch giữa các loại hình công nghệ mà là sự thay đổi của cả nền kinh tế, đòi hỏi một quy mô tài chính khổng lồ.
Tài chính là một yếu tố quan trọng trong việc đạt được chuyển đổi năng lượng công bằng, nhất là khả năng sinh lời và khả năng dự báo. Nếu thiếu 2 yếu tố này, nguồn tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo có khả năng bị hạn chế.
Tuy nhiên thị trường vốn của Việt Nam còn quá nhỏ về quy mô và chưa đa dạng các công cụ tài chính. Vì vậy, để tài trợ cho nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng đòi hỏi phải có cơ chế thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết ngày càng nhiều ngân hàng tại Việt Nam quan tâm tới tín dụng xanh và trái phiếu xanh.
Số liệu vị này cung cấp cho thấy tổng dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam mới chiếm 4-5% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, song tốc độ tăng trưởng lên tới gần 30%.
Tại Việt Nam, mục tiêu đến năm 2025 của Đề án Ngân hàng xanh được Thống đốc ban hành 2018 cũng đặt mục tiêu tăng dần tỷ lệ của tín dụng xanh trên tổng dư nợ, 60% ngân hàng tiếp cận và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh…
Dù vậy, tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn gặp khá nhiều thách thức như thiếu nguồn vốn, lãi suất và kỳ hạn không tối ưu; nhận thức, thói quen tiêu dùng xanh chưa cao; tư duy và tính đồng bộ của chính sách; các vấn đề về quản trị...
Kinh nghiệm các nước cho thấy phần lớn nguồn vốn cần thiết sẽ đến từ trong nước, các ngân hàng phát triển nội địa có thể cung cấp tài chính trong nước dài hạn trợ cho các dự án phức tạp và chậm tiến độ.
Ông Hòe cũng nêu đề xuất Chính phủ nhanh chóng ban hành Danh mục phân loại xanh để có cơ sở định hướng, quản lý, khuyến khích, phát triển, báo cáo, thống kê Tài chính xanh cho năng lượng xanh, tái tạo.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chỉ đạo các ngân hàng xây dựng Chương trình Tín dụng xanh, Trái phiếu xanh cho năng lượng xanh; hỗ trợ khu vực tư nhân tiếp cận, huy động, sử dụng nguồn tài chính xanh quốc tế.
“Cần chỉ đạo yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng nhà nước và khuyến khích các tập đoàn, ngân hàng tư nhân cam kết chuyển đổi danh mục đầu tư/cho vay để đạt net-zero vào năm 2050”, ông Hòe bổ sung.