Theo Reuters, dự thảo luật này được chính phủ kỳ vọng sẽ giúp giữ gìn giá trị truyền thống, nhưng các nhóm nhân quyền cho rằng nó sẽ là công cụ kiểm soát và đàn áp quyền của phụ nữ.
Thêm vào đó, quy định trang phục mới này cũng được cho là sẽ củng cố một văn hoá rằng bạo lực tình dục sẽ không bị trừng phạt.
Dự thảo sẽ đi vào hiệu lực vào năm tới nếu được quốc hội và một số ban ngành thông qua, nó sẽ cấm đàn ông cởi trần và phụ nữ mặc váy quá ngắn hoặc đồ xuyên thấu khi ra ngoài đường.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen năm ngoái đã kêu gọi giới chức truy quét hành vi ăn mặc hở hang để livestream bán hàng trên mạng xã hội. Ảnh: AP. |
Ông Ouk Kimlekh, Bộ trưởng Nội vụ, phụ trách quá trình soạn thảo dự luật, cho rằng quy định này là cần thiết để bảo tồn nét văn hoá truyền thống.
"Không có gì tốt đẹp khi mặc váy ngắn hơn gối", ông Kimlekh nhận xét. "Đây không hoàn toàn là vấn đề trật tự công cộng, mà là vấn đề về truyền thống và phong tục".
Đầu năm nay, một phụ nữ Campuchia đã bị tuyên án 6 tháng tù giam với cáo buộc khiêu dâm và khoe mẽ thiếu đứng đắn vì mặc trang phục lộ liễu khi bán quần áo và mỹ phẩm trực tuyến trên Facebook.
Vụ bắt giữ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Hun Sen kêu gọi nhà chức trách truy quét những phụ nữ mặc đồ khiêu gợi livestream bán hàng, điều mà theo ông là làm vấy bẩn văn hoá Campuchia và khuyến khích lạm dụng tình dục.
Các nhóm nhân quyền thì chỉ trích, cho rằng luật mới có thể làm tăng nguy cơ tấn công tình dục hoặc quấy rối tình dục với phụ nữ vì nó thúc đẩy văn hoá đổ lỗi cho nạn nhân.
"Trừng phạt phụ nữ vì lựa chọn trang phục của họ sẽ củng cố quan niệm rằng phụ nữ là nguyên nhân của bạo lực xảy ra với họ, và điều đó càng làm cho văn hoá bất công tồn tại liên quan đến bạo lực giới", bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định.
Nhiều người Campuchia vẫn coi phụ nữ là phải phục tùng và im lặng - một di sản của Chbap Srey - bộ quy tắc ứng xử mang tính chất phân biệt với phụ nữ mà Liên Hợp Quốc năm ngoái cho rằng nên loại bỏ hoàn toàn khỏi trường học.
LHQ gọi bộ quy tắc ứng xử này là "cội rễ của vị trí bất lợi trong xã hội của phụ nữ".
Chbap Srey có tuổi đời hàng thế kỷ là một phần của chương trình học vấn Campuchia cho đến tận năm 2007, nó dạy phụ nữ phải ngoan ngoãn và quy định cách họ nên thể hiện bản thân.