“Lần đầu tiên đẻ thuê, tôi đưa con cho một cặp vợ chồng đồng tính nam người Tây Ban Nha”, báo Anh Guardian dẫn lời Kew, một người phụ nữ Thái Lan đã từng đẻ thuê, hiện đang mang bầu 7 tháng kể. “Tôi không quan tâm đến chuyện đó lắm, miễn sao tôi nhận được tiền”.
Trong 2 tháng tới, người phụ nữ 26 tuổi này sẽ nhận được nốt số tiền 300.000 bath Thái (hơn 8.600 đô la) phí đẻ thuê. Số tiền này đủ trả nợ cho mẹ cô cũng như có thể giúp Kew mua đất.
Đường dây môi giới chuyển địa bàn
Kew cũng giống như nhiều người phụ nữ Thái Lan khác không biết về lệnh cấm đẻ thuê ở nước này. Điều duy nhất mà cô biết chỉ là việc được đưa sang Campuchia để đẻ thuê và giao lại đứa bé ở đây.
Nhằm lách luật cấm đẻ thuê ở Thái Lan, Ấn Độ và Nepal, các đường dây môi giới đã tìm cách chuyển địa điểm đẻ thuê sang nước ngoài. “Nhiều cặp vợ chồng không mấy dư dả, nhất là các cặp đồng tính đã quyết định thử vận may ở Campuchia”, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Families Through Surrogacy (Gia đình nhờ Đẻ thuê) Sam Everingham cho biết.
Chuyên gia Everingham là người theo dõi chặt chẽ cách các đường dây môi giới và phòng khám Thái Lan chuyển hoạt động đẻ thuê sinh lợi này từ Thái Lan sang Campuchia. Hiện nay, nhiều phòng khám ở thủ đô Phnom Penh cung cấp dịch vụ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) và chuyển nhượng phôi thai.
Sau đó các đường dây môi giới tiến hành dịch vụ chuyển phôi thai cho các cặp vợ chồng người nước ngoài. Các gói đẻ thuê ở đây có giá từ 33.000 đôla, rẻ hơn nhiều so với mức từ 90.000 đến 150.000 đôla ở Mỹ.
Campuchia trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động đẻ thuê ở châu Á. Ảnh: Mansi Thapliyal/Reuters |
Thông tin về những người phụ nữ đẻ thuê “xuyên biên giới” như Kew được đăng tải trên các trang web môi giới. Tuy nhiên, cũng giống Kew, nhiều người phụ nữ đang thiếu thông tin cụ thể về công việc mà họ đăng ký làm.
"Chúng ta phải ý thức được rằng đẻ thuê là một khái niệm mới ở Campuchia. Hiện chưa có pháp luật nào được áp dụng để kiểm soát quá trình này, khiến các cặp vợ chồng và những người đẻ thuê đều không được bảo vệ", chuyên gia Everingham cảnh báo.
Mù mờ thông tin
Bà Preeti Bista, người đứng đầu đường dây môi giới đẻ thuê ở Nepal là My Fertility Angel cho biết ở Campuchia chưa có quy định rõ ràng về đẻ thuê. Tuy nhiên bà khẳng định vẫn duy trì một trung tâm môi giới "tử tế".
“Sau khi Nepal cấm đẻ thuê, tôi vẫn gặp những người muốn đẻ thuê vì hoàn cảnh khó khăn và những cặp vợ chồng hiếm muộn. Họ bảo tôi tiếp tục làm môi giới và ngỏ ý muốn tôi giúp đỡ", bà Bista nói.
"Hiện giờ tôi đang cố gắng làm điều đó ở Campuchia. Điều quan trọng ở đây là phải cung cấp thông tin minh bạch cho tất cả các bên liên quan”, bà Bista nhấn mạnh. Bà từng bị cáo buộc lợi dụng tình cảnh khó khăn và bế tắc của người khác, nhưng bà này khẳng định chỉ đang giúp các cặp vợ chồng có con.
Công việc đẻ thuê giúp những người phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn so công việc ở nông thôn mà họ phải làm hàng ngày. Điều này khiến cho nhiều người tiếp tục đẻ thuê bất chấp những thông tin mập mờ mà họ chưa rõ.
Ngoài yêu cầu đến khám ở bệnh viện, họ không nhận được sự hướng dẫn nào khác, không được cảnh báo về những ảnh hưởng tinh thần sau khi đẻ thuê hay được giải thích về các giấy tờ liên quan đến pháp luật mà họ buộc phải ký.
Một cặp vợ chồng Anh có con nhờ mang thai hộ trên cơ thể của một người phụ nữ Ấn Độ. Anh: Allison Joyce/AP |
“Tại sao chúng ta không bảo vệ các bà mẹ mang thai hộ thay vì cấm đoán đẻ thuê? ...Với nhiều cô gái trẻ, việc mang lại hạnh phúc cho các gia đình theo cách như vậy còn tốt hơn nhiều so với làm gái mại dâm hay vũ công ở các quán bar”, Baimon, một phụ nữ đã từng đẻ thuê bày tỏ.
Liệu “thiên đường” đẻ thuê mới của châu Á - Campuchia sẽ tồn tại được bao lâu? “Chỉ cần một vụ vỡ lở, tất cả mọi thứ sẽ sụp đổ theo”, Bista nói.
Bà cũng dự báo chuyện đẻ thuê sẽ không dừng ở đó, những phòng khám, những người môi giới và người đẻ thuê sẽ lại tìm những địa điểm khác vì cho dù có bao nhiêu lệnh cấm đi chăng nữa thì người ta cũng không thể ngăn được mong ước có con của nhiều người.
Một số tên người trong bài viết đã được thay đổi.