Mới đây, bản tin thị trường của Thương vụ Việt Nam tại Campuchia (Bộ Công Thương) cho biết sau khi Liên minh châu Âu (EU) phát hiện một số mì nhập khẩu từ Việt Nam có chứa Ethylene Oxide (chất cấm sử dụng trong thực phẩm), các cơ quan Campuchia cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam có chứa chất này.
Theo ông Phan Oun, thành viên của Chính phủ, phụ trách Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận (KPR), động thái này diễn ra sau khi một số nước EU cấm một số loại mì ăn liền của Việt Nam.
Được biết, Đức đã đưa ra cảnh báo về sản phẩm mì ăn liền hương gà do Asiafoods Corporation sản xuất vì chứa hàm lượng Ethylene Oxide cao hơn tiêu chuẩn của EU.
Ông Phan Oun cho biết nếu phát hiện loại mì này vào thị trường Campuchia, Tổng cục KPR sẽ vào cuộc để thu hồi. Đồng thời Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo với cơ quan hải quan các địa phương để phân loại các loại mì này vào loại hàng hóa rủi ro và cần có giấy chứng nhận không chứa chất Ethylene Oxide đối với mì nhập khẩu trong thời gian tới.
Một sản phẩm xuất khẩu bị cơ quan quản lý Ireland thu hồi vào năm ngoái. Ảnh: FSAI. |
Trước đó, ngày 22/7, Phó giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) thông tin từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7, văn phòng SPS nhận được 3 cảnh báo từ Hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm của EU.
Theo đó, Đức, Ba Lan, Malta gửi cảnh báo các sản phẩm mì ăn liền, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của EU.
Từ đầu năm đến 22/7, Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu đối với hàng nông, thủy sản và thực phẩm xuất khẩu của các quốc gia đã phát đi 2.531 cảnh báo vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU. Trong đó, Việt Nam có 50 cảnh báo vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho biết đơn vị đã tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm chỉ tiêu Ethylene Oxide đối với các nguyên liệu, sản phẩm mì ăn liền đang được sản xuất, lưu thông trên thị trường. "Tại thời điểm kiểm tra, các doanh nghiệp trên không sử dụng Ethylene Oxide trong quá trình chế biến thực phẩm cũng như không có dấu hiệu cho thấy có dây chuyền, thiết bị sử dụng Ethylene Oxide trong công đoạn sản xuất", đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Thời gian tới Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến bột nâng cao các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước.