Trước khi những nghiên cứu về cảm xúc bùng nổ, hầu hết các nhà khoa học đều hiểu cảm xúc loài người trong khuôn khổ những ý tưởng của Charles Darwin.
Học thuyết truyền thống về cảm xúc này bao hàm một số nguyên tắc có vẻ khá hợp lý về mặt trực giác, đó là: có một tập hợp nhỏ các cảm xúc cơ bản - như sợ hãi, tức giận, buồn bã, ghê tởm, hạnh phúc và ngạc nhiên - phổ biến ở mọi nền văn hóa và không bị chồng chéo về chức năng; mỗi cảm xúc được kích hoạt bởi những kích thích cụ thể từ thế giới bên ngoài; mỗi cảm xúc gây ra những hành vi cố định và cụ thể; và mỗi cảm xúc xảy ra trong những cấu trúc chuyên biệt trong não bộ.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Modern Ghana. |
Học thuyết này cũng hàm chứa quan điểm lưỡng phân về tâm trí, ít nhất bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại: trong đó tâm trí bao gồm hai lực lượng cạnh tranh nhau, một lực lượng “lạnh”, logic, hợp lý và lực lượng kia “nóng”, đam mê và bốc đồng.
Trong hàng thiên niên kỷ, những ý tưởng này đã định hình tư duy trong các lĩnh vực từ thần học, triết học đến khoa học về tâm trí. Freud đã gộp học thuyết truyền thống này vào công trình của mình.
Lý thuyết về “trí tuệ cảm xúc” của John Mayer và Peter Salovey, được phổ biến rộng rãi từ cuốn sách cùng tên xuất bản năm 1995 của Daniel Goleman, phần nào dựa trên những ý tưởng này. Và nó là khuôn khổ cho hầu hết những gì chúng ta suy nghĩ về cảm xúc. Nhưng tất cả đều sai.
Cũng như các định luật chuyển động của Newton đã được thay thế bởi thuyết lượng tử khi khoa học phát triển các công cụ cho phép hiểu sâu về thế giới nguyên tử, lý thuyết cũ về cảm xúc cũng vậy, giờ đây nó phải nhường chỗ cho một quan điểm mới, phần lớn nhờ vào những tiến bộ phi thường trong công nghệ hình ảnh thần kinh (neuroimaging) cũng như những công nghệ khác, cho phép các nhà khoa học quan sát và thí nghiệm với bộ não.
Một tập hợp các kỹ thuật được phát triển trong vài năm qua cho phép các nhà khoa học theo dõi được kết nối giữa các neuron (tế bào thần kinh), hình thành một loại sơ đồ mạch cho não gọi là “sơ đồ não bộ” (connectome).
Sơ đồ não bộ giúp các nhà khoa học có thể điều hướng bộ não theo cách chưa từng có trước đây. Họ có thể so sánh các mạch quan trọng, bay vào những vùng cụ thể của não để khám phá các tế bào trong đó và giải mã những tín hiệu điện làm phát sinh suy nghĩ, cảm xúc và hành vi.
Một tiến bộ khác là di truyền quang học optogenetics, cho phép các nhà khoa học kiểm soát từng neuron trong não động vật. Bằng việc kích thích chúng một cách có chọn lọc, các nhà khoa học đã có thể khám phá những vi hình mẫu trong hoạt động của não tạo ra các trạng thái tinh thần, như sợ hãi, lo lắng và trầm cảm.
Công nghệ thứ ba là kích thích xuyên sọ, sử dụng các trường điện từ hoặc dòng điện để kích thích hoặc ức chế hoạt động thần kinh tại các vị trí chính xác trong não người mà không gây bất cứ ảnh hưởng gì đến chủ thể được thí nghiệm, giúp các nhà khoa học tìm hiểu, đánh giá hoạt động chức năng của những cấu trúc đó.
Các kỹ thuật này cùng với nhiều công nghệ khác đã mang lại những hiểu biết sâu sắc và tạo ra rất nhiều công việc mới, làm xuất hiện một lĩnh vực tâm lý học hoàn toàn mới mẻ, gọi là “khoa học thần kinh cảm xúc”.
Bình luận