Xóa tên Nokia như xóa một phần ký ức tuổi thơ
Chị Ngọc Giàu - một độc giả của Zing.vn - tâm sự, nhắc đến Nokia, người dùng sẽ nghĩ ngay đến đó là dòng điện thoại có độ bền cao, pin "khủng", biểu tượng của sự đơn giản nhưng mạnh mẽ. Vì vậy, những người thuộc thế hệ 7X - 8X như chị đều chọn loại này.
"Buồn quá! Nokia vốn thân thuộc với phần lớn người Việt Nam trong hàng chục năm qua. Khi biết tin Nokia chính thức bị xóa tên khỏi các dòng smartphone của Microsoft, tôi có cảm giác như cuốn nhật ký của mình bị xé nát. Trong thời kỳ đất nước đang chuyển mình, Nokia đã xuất hiện và có mặt trong công việc, cuộc sống của quá nhiều người. Không riêng gì tôi, tôi tin nhiều bạn cũng sẽ có một chút tiếc nuối, hoài niệm", chị Giàu bộc bạch.
Cùng cảm xúc tiếc nuối, bạn đọc Huỳnh Quốc Dũng viết trên Zing.vn: "Tôi cũng có cảm giác như một phần tuổi thơ vừa bị ai đó xóa tên và thay vào bằng một cái tên khác. Rất buồn! Ngày đó, ai cũng từng mơ ước được sở hữu chiếc Nokia dù chỉ là màn hình trắng đen. Thật sự tiếc nuối cho một tượng đài".
Trong khi đó, độc giả Thanh Hằng cũng chọn cách dùng từ rất trân trọng dành cho thương hiệu Nokia. Cô nói, khi một thương hiệu đã để lại nhiều ấn tượng tốt thì dù có bị đổi tên, nó vẫn sẽ sống mãi theo thời gian, trong lòng người tiêu dùng.
"Nokia là thương hiệu của một sản phẩm tiêu dùng, nhưng nó đã vượt qua giá trị vật chất để tự thân sở hữu giá trị tinh thần, gắn liền với nhiều thế hệ người Việt và sẽ theo mãi với họ. Vì vậy, việc có khai tử tên gọi hay không không còn quan trọng. Bởi theo thời thế, xu hướng, cái cũ sẽ bị thay thế bởi cái mới, tiện lợi, tốt đẹp hơn, đó là điều tất nhiên".
'Nếu người tiêu dùng yêu thích, Nokia đã không chết'
Bên cạnh cảm giác nuối tiếc, phần nào đó là mất mát của số đông độc giả, nhiều người đã phân tích và thấy rằng sự lụi tàn của thương hiệu Nokia cũng chỉ là một quy luật bình thường của tự nhiên. Độc giả Hoa Phố chia sẻ, anh đã dùng trải qua nhiều đời điện thoại di động, nhưng mới chỉ có một chiếc mang thương hiệu Nokia. Theo anh lý giải, chiếc điện thoại 8800 của Nokia mà anh từng sở hữu dù thú vị nhưng không gây ấn tượng mạnh. Đa phần khách hàng hiện tại dùng điện thoại "cục gạch" của hãng này trong tầm giá 200.000 - 500.000 đồng chỉ để đáp ứng nhu cầu nghe gọi, pin trâu, còn lựa chọn hàng đầu vẫn là iPhone, Samsung, LG, HTC.
“Mọi người đã chán nên thương hiệu này bị khai tử, vì vậy không có gì phải tiếc khi Nokia không còn nữa. Các bạn đừng nói thích Nokia, yêu Nokia, bởi nếu các bạn yêu thích thì nó đã không chết”, anh phân tích.
Dưới góc nhìn kinh tế học, bạn đọc Lê Nam nhận xét, việc xóa tên thương hiệu Nokia là một ví dụ điển hình của kinh tế thị trường. Một thương hiệu nếu không đổi mới liên tục và ngủ quên trên chiến thắng cũng đồng nghĩa với thất bại. Nokia là bài học điển hình, và Sony nên lấy đó làm gương để tìm ra và khắc phục điểm yếu, nếu không cũng sẽ bị lãng quên vào một ngày đẹp trời nào đó."Một trong những nguyên nhân khiến Nokia mất điểm trong lòng người tiêu dùng là Windows Phone - hệ điều hành lỗi thời từ thời O2 đến giờ. Không hiểu vì sao Nokia lại theo hướng phát triển đó", bạn Thái Minh Duy phân tích.
Vị khách hàng này viết rằng, anh cảm thấy rất khó sử dụng ứng dụng trên Windows Phone, bên cạnh những nỗi khó chịu khác như đăng ký tạo tài khoản không được và không ai sửa được. Điển hình như dòng Lumia 610 anh đang dùng. Máy chỉ có thể nghe, gọi, nhắn tin thông thường nên rất chán.
"Đây là một sai lầm lớn của Nokia. Nếu Windows Phone không có Nokia có lẽ không sống sót được đến bây giờ", độc giả Nguyễn Trường Thủy bổ sung.
Một fan của Nokia với nickname Tomyadam bày tỏ: "Nokia là dòng điện thoại giá rẻ, tiện dụng với toàn thế giới. Thế nhưng, cái chết đã đến vì không định hướng được phân khúc".